Home » Thế giới » TQ thuê 2 triệu cảnh sát theo dõi nhân dân trên mạng
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 5/10 cho biết nước này sử dụng đến 2 triệu người để theo dõi việc sử dụng Internet của người dân.

Việc hé lộ của truyền thông nhà nước lần đầu tiên cho phép thế giới biết thêm về chương trình bí mật kiểm soát Internet của Bắc Kinh.

 internet

Trung Quốc có hơn 500 triệu người dùng Internet

 Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, 2 triệu “cảnh sát mạng” là một phần của đội quân hùng hậu của chính quyền trong nỗ lực ngăn chặn những bất ổn xã hội tại đất nước 1,3 tỉ dân này cũng như hạn chế những chỉ trích của người dân với những người cầm quyền.

Những người theo dõi này được gọi là nhà phân tích ý kiến internet, được nhà nước hoặc các cơ quan thương mại trả lương. Họ thuộc mọi tầng lớp, thậm chí là cả các doanh nhân. 

Nhiều nhân viên có nhiệm vụ đơn giản là tìm kiếm các từ khóa để giám sát hàng chục triệu thông điệp mà cư dân mạng đăng tải mỗi ngày trên các mạng xã hội cũng như các trang blog của nước này. 

Ngoài ra, tờ Tin tức Bắc Kinh cũng cho biết thêm chi tiết về công việc của một số nhà theo dõi mạng này. 

Anh Tang Xiaotao (một nhân viên theo dõi mạng) đã làm công việc này gần 6 tháng, nhưng không hé lộ nơi làm việc của mình. Anh cho biết: “Anh ngồi trước máy tính mỗi ngày và mở một ứng dụng, đánh từ khóa được khách hàng giao.” 

“Sau đó, anh theo dõi những ý kiến không tích cực liên quan đến các khách hàng và thu thập chúng, rồi viết báo cáo, gửi cho khách hàng”, tờ báo cho hay. 

Cũng theo tờ báo Tin tức Bắc Kinh, phần mềm được sử dụng ở văn phòng thậm chí còn tiên tiến và được hàng ngàn server hỗ trợ, có thể giám sát được cả các trang web ở bên ngoài Trung Quốc. 

Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến lần đầu tiên tổ chức các lớp tập huấn cho các giám sát viên từ ngày 14-18/10. Tuy nhiên, không rõ là đợt tập huấn này là dành cho các giám sát viên hiện nay hay cho những người mới. 

Đợt tập huấn sẽ dạy cho người học cách phân tích, đánh giá thông tin đăng tải trên mạng và xử lý tình huống khủng hoảng. 

Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấm các trang mạng truyền thông xã hội phổ biến như Facebook và Twitter – được coi là “những công cụ truyền bá và kích động” trong làn sóng các cuộc nổi dậy quét qua Trung Đông và Bắc Phi từ cuối năm 2010. 

Năm ngoái, Bắc Kinh đã chặn New York Times, sau khi tờ báo này dẫn ra hồ sơ tài chính cho thấy thân nhân của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo kiểm soát khối tài sản trị giá ít nhất 2,7 tỷ đô la – một bài báo được cho là “bôi nhọ Trung Quốc”. 

Gần đây, nhà chức trách đã bắt giữ hàng trăm người liên quan đến truyền bá “tin đồn” trực tuyến, và cảnh báo các blogger tên tuổi “có hàng triệu người hâm mộ” cần đưa lên các ý kiến tích cực hơn. 

Tòa án tối cao Trung Quốc nói rằng người sử dụng Internet có thể phải đối mặt với ba năm tù giam, nếu truyền bá thông tin “vu khống” trên mạng mà được xem hơn 5.000 lần hoặc chia sẻ hơn 500 lần. 

Thùy Vân (Tổng hợp TTO, DT, baodatviet)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc