Chức vụ quyền hành đã trở thành mục tiêu sống của các quan chức tại Việt Nam, đến nỗi nếu như ai không theo điều này thì bị coi là “có vấn đề về thần kinh”.
Khi tiến sĩ Doãn Minh Đăng xin rút khỏi quy hoạch “cán bộ nguồn”, cũng như rút ra khỏi Đảng vì không phù hợp với tư duy của mình, để tập trung lo cho chuyên môn anh đã bị lãnh đạo nơi mình công tác nhận xét “có vấn đề về thần kinh”.
Chưa hết vụ cô giáo nhận xét ông chủ tịch tỉnh kênh kiệu, dư luận lại bắt đầu xôn xao với một trường hợp mới, đó là anh Doãn Minh Đăng- giảng viên trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghệ TP.Cần Thơ nói lên thực trạng nhà trường trên facebook đang bị xem xét kỷ luật.
Thực ra đằng sau câu chuyện phức tạp này không chỉ đơn giản chỉ là kỷ luật vì nói xấu nhà trường. Mối quan hệ giữa anh Đăng và Ban giám hiệu nhà trường đã xấu đi kể từ cuối năm 2014, khi anh từ chối vào quy hoạch vào vị trí Phó Hiệu trưởng nhà trường với lý do “muốn tập trung vào nghiên cứu khoa học”.
Anh Đăng cho biết: “Các thầy của tôi, rất nhiều người chỉ thích nghiên cứu khoa học chứ không muốn làm chính trị. Cũng có người có khả năng vừa làm khoa học vừa làm quản lý. Bản thân tôi thì thấy mình chỉ thích hợp cho công tác chuyên môn. Nếu làm quản lý, chắc chắn việc nghiên cứu khoa học của tôi sẽ bị sao nhãng”. Thay vì trân trọng nguyện vọng tốt đẹp này, nhà trường bắt đầu chuyển sang so mói và lãnh đạo nhận xét anh Đăng “có vấn đề về thần kinh”.
Khốn khổ thế đấy. Một giảng viên có trình độ, có khát vọng làm khoa học, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ về chuyên môn, nhưng dám từ chối quy hoạch để trở thành lãnh đạo nên đã bị o ép tới mức phải công khai thái độ trên facebook và cuối cùng nhận kỷ luật cách chức phó trưởng khoa chuyển sang làm nhân viên Phòng đào tạo.
Doãn Minh Đăng là cán bộ được cử đi du học đợt đầu tiên theo đề án Mekong 1000 của TP.Cần Thơ, sau khi du học tại Hà Lan, anh về công tác tại trường. Trước đó, khi còn là học sinh phổ thông, Đăng cũng đã từng là nhà vô địch cuộc thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Đọc những bài trả lời phỏng vấn báo chí của anh Đăng, tôi thầm cảm phục người trí thức trẻ này. Về việc đền bù ngân sách đã bỏ ra đạo tạo mình trong trường hợp anh không còn cống hiến tại trường, Đăng nói: “Riêng với cá nhân tôi thì tôi nghĩ khi đi học bằng ngân sách nhà nước cách đây 10 năm thì đó là một cố gắng lớn của nhà nước, số tiền ấy lớn và là tiền từ thuế của nhân dân nên tôi tự thấy có nghĩa vụ phải trả. Nếu không thể trả bằng cách cống hiến thì phải trả bằng tiền cho sòng phẳng”.
Một con người đáng quý như thế, có đầy đủ lòng tự trọng như thế mà cuối cùng bị o ép đến mức phải bỏ cuộc, không thể tiếp tục gắn bó với ngôi trường anh đã chọn để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hỏi có buồn không?
Tôi tự hỏi, có thể còn bao nhiêu người giống anh Đăng trên khắp đất nước này, sau khi du học bằng tiền ngân sách, họ trở về với bao khát vọng cống hiến, nhưng cuối cùng đã bị đá văng ra khỏi guồng máy bởi không cùng chí hướng “lấy chức quyền làm mục đích tối thượng” của đời mình?
Đáng lý ra anh Đăng phải là một người thầy đáng trọng, câu chuyện về anh Đăng phải được lan truyền để tạo cảm hứng cho giới trẻ, để thay đổi cách nghĩ đã nhiều đời nay của người Việt: học chỉ để “làm quan” chứ không phải vì mưu cầu mở mang tri thức. Vậy mà kết cục của anh Đăng là thế đấy.
“Có vấn đề về thần kinh”, một lời nhận xét đầy xúc phạm nhưng chua xót thay, ở một góc độ nào đó, nó lại đúng đến đau lòng. Một con người ngay ngắn, tử tế lạc vào giữa một đám đông bước thấp bước cao, ngả nghiêng bợ đỡ và đội chữ “lợi quyền” lên đầu, thì bị nhận xét là “thần kinh” cũng là điều dễ hiểu.
Trong một xã hội mà những người như anh Đăng trở thành trường hợp hiếm hoi, bị ghẻ lạnh, xa lánh như một con cừu không đi theo đàn mà cố tách ra để chọn hướng ngược dòng, thì đó là một nỗi buồn thấu đến tâm can cho lẽ phải.
Mi An
Theo baodatviet
CHINH BON NGU DOT CUA DANG SE LAM SUP DO CHE DO.
Truy tố nhà trường hoăc cá nhân đã xúc phạm anh Đăng ngay. Vụ này chuẩn hơn ” vụ bộ mặt kênh kiệu”.
Lời ru buồn cho đất nước tôi!