Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nga sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc?

Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Là nước sẽ được lợi nhiều hơn khi mối quan hệ thương mại song phương của hai nước phát triển, Trung Quốc rất muốn Nga sẽ trở nên mắc nợ và phụ thuộc nhiều vào nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh ITAR-TASS/Barcroft Media)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh ITAR-TASS/Barcroft Media)

Trung Quốc hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt Nga

Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng xích lại gần nhau hơn. Điều này xảy ra ngay cả trước khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Nhưng giờ đây, khi mà Trung Quốc có vẻ sẵn sàng mua một số hàng hóa mà Nga có thể không còn khả năng bán ở châu Âu và các nơi khác, thương mại song phương giữa hai quốc gia sẽ tăng mạnh, mặc dù khó có thể tin Trung Quốc sẽ mua tất cả số hàng hóa mà Nga cần bán.

Một mặt, Bắc Kinh nên hài lòng với tình hình này, một tình cảnh khó khăn đối với người láng giềng phương Bắc. Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc có thể sử dụng năng lượng của Nga vốn từng chảy tới nơi khác, hay ít nhất là một phần lượng năng lượng đó. Trung Quốc cũng có thể có được các sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu thô khác của Nga.

Mặt khác, việc cung cấp cho Nga một thị trường tiêu thụ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, ít nhất là ở một mức độ nào đó, và Bắc Kinh luôn thích điều đó. Quan trọng nhất đối với Bắc Kinh, mô hình này về lâu dài có thể biến Nga thành một dạng quốc gia phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Quá trình thắt chặt thương mại giữa Nga và Trung Quốc

Thương mại giữa Nga và Trung Quốc thực sự đã cho thấy một sự tăng trưởng ấn tượng cho đến nay. Thương mại hai nước đã tăng trưởng thêm 50% kể từ năm 2014 và tăng trưởng 36% chỉ riêng trong năm 2021. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt tương đương 146,9 tỷ USD.

Nga chủ yếu bán than, dầu, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm nông nghiệp cho Trung Quốc. Trung Quốc bán cho Nga máy móc, thiết bị giao thông, điện thoại di động, ô tô và các sản phẩm tiêu dùng khác. Trung Quốc mua từ Nga nhiều hơn bán cho Nga.

Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thế vận hội mùa đông gần đây, họ đã đặt ra kế hoạch nâng kim ngạch thương mại song phương lên tương đương 250 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20% ​​một năm so với con số hiện nay.

Để phục vụ giao dịch thương mại hiện tại và tăng trưởng theo kế hoạch, Nga, với 50 tỷ USD vốn vay từ Trung Quốc, đã xây dựng đường ống dẫn dầu Đông Siberia Thái Bình Dương (ESPO) dài 2.540 dặm. Để phục vụ việc bán năng lượng trong tương lai cho Trung Quốc, Nga sẽ bổ sung vào đường ống Sức mạnh Siberia hiện có một đường ống Sức mạnh Siberia 2, cũng bằng nguồn vốn vay của Trung Quốc. Với những quyết định này – cả trong xây dựng và tài chính – Nga rõ ràng đã gắn chặt mình với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”).

Trung Quốc liệu có nhập khẩu được hết lượng năng lượng Nga muốn bán?

Trung Quốc có thể phải nhập khẩu nhiều để bù cho lượng năng lượng Nga không thể bán cho châu Âu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo rằng Nga sản xuất khoảng 10,5 triệu thùng dầu mỗi ngày nhưng chỉ tiêu thụ khoảng 3,5 triệu thùng mỗi ngày. Theo đó, nước này cần xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tỷ lệ tương đối tương tự áp dụng cho khí tự nhiên. Vì Trung Quốc nhập khẩu khoảng 11 triệu thùng dầu mỗi ngày và một lượng khí đốt tự nhiên đáng kể, nên về mặt lý thuyết, nước này có thể hấp thụ bất kỳ lượng năng lượng nào mà Nga không bán được theo các lệnh trừng phạt mới.

Nhưng tình huống không đơn giản như thế. Bởi vì Trung Quốc hiện chỉ nhập khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày, việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Nga sẽ khiến lượng dầu mua của Nga tăng hơn gấp ba lần. Thay vì mức 15,5% năng lượng nhập khẩu mà Trung Quốc hiện nay mua từ Nga, tỷ trọng này sẽ phải tăng lên gần 55%. Điều đó không chỉ đè nặng lên các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng của Trung Quốc, ít nhất là trong một thời gian, mà Bắc Kinh cũng khó có thể xa rời các nhà cung ứng hiện có.

Quan trọng hơn cả là những cân nhắc về vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không được giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt. Điều đó có thể khiến Trung Quốc phải suy nghĩ. Ngoài ra có một thực tế là một nửa nền kinh tế thế giới, hầu hết là những nước mua hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đã tham gia vào việc trừng phạt. Bắc Kinh không muốn đối lập với một nhóm các nước quan trọng và có ảnh hưởng lớn như vậy.

Nga sẽ trở thành nước phụ thuộc vào Trung Quốc?

Dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga phát triển như thế nào thì dường như nó sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn là cho Nga. Nếu Trung Quốc có thể không xa rời các nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô hiện tại và các đối tác thương mại khác nói chung, nền kinh tế của nước này, sau một quãng thời gian điều chỉnh, sẽ không mất gì cho việc phát triển mối quan hệ.

Một điều quan trọng hơn đối với Bắc Kinh chắc chắn là việc Nga, để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, thậm chí sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tài chính của Trung Quốc. Đây là điều đã xảy ra với hầu hết các quốc gia đã mở cửa với BRI của Trung Quốc.

Theo thời gian, mối quan hệ có thể tiến triển đến mức khiến một nước Nga mắc nợ và phụ thuộc sâu sắc sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, trở thành chỉ còn là một quốc gia phụ thuộc vào Bắc Kinh. Đây sẽ là một sự mỉa mai cay đắng đối với Putin, người đã bắt đầu mối quan hệ với Trung Quốc (và cả việc chiếm đất của ông ta ở châu Âu) để đảm bảo cho Nga vị thế của một “cường quốc”.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Theo The Epoch Times

Biên dịch: Bảo Nguyên/ ntdvn.net

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc