Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nga giúp Trung Quốc ‘giăng bẫy’ Nhật Bản?
Việc Tổng thống Dmitry Medvedev có kế hoạch thăm bốn hòn đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật không chỉ thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng với Tokyo mà còn đẩy nước này vào thế bí trong tranh chấp đảo Senkaku với Bắc Kinh.

Ngọn lửa bùng cháy

Kế hoạch thăm Kuril bị Nhật coi là hành động có tính khiêu khích bởi chưa có lãnh đạo Nga nào từng làm như vậy từ trước đến nay.

Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara nhanh chóng triệu hồi Đại sứ Nga Mikhail Bely đến và tuyên bố, ý định thực sự của Nga “rất đáng nghi ngờ” và việc Tổng thống Medvedev đến thăm quần đảo Kuril sẽ “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Nga-Nhật”.

Căng thẳng Nga - Nhật về quần đảo Kuril lại bùng nổ.

Tokyo và Moscow tranh chấp bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nhật “nhượng lại” cho Liên Xô sau khi thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó, trên cơ sở tuyên bố Nhật-Xô năm 1956, Liên Xô cam kết trả lại hai đảo Habomai và Shikotan trong quần đảo Kuril cho Nhật. Tuy nhiên, cách đây vài năm, phía Nhật lại đòi Nga trả lại cả hai hòn đảo lớn hơn là Etorufu và Kunashiri bởi theo họ, hai đảo trên không nằm trong quần đảo Kuril. Ngọn lửa tranh chấp này cháy âm ỉ cho đến tận ngày nay dù hai nước nhiều lần cố gắng dập tắt nó. (Theo Global Times)

Moscow nhanh chóng đáp trả bằng tuyên bố rằng, phản ứng của Tokyo là hết sức phi lý. Theo ông Konstantin Kosachyov, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Nga, việc Tokyo đòi chủ quyền đối với quần đảo Kuril chỉ khiến cho tình hình rơi vào bế tắc.

“Quần đảo Kuril đã và sẽ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nga và vì thế, Tổng thống cũng như các công dân khác của chúng tôi có đủ lý do để đến thăm những hòn đảo ở đây mà không cần sự cho phép của bất kỳ ai, trong đó có Nhật Bản”, quan chức này nhấn mạnh.

Theo nhật báo Kommersant của Nga, tranh cãi mới đây giữa Nga và Nhật Bản cho thấy vấn đề tranh chấp quần đảo Kuril không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Nhật ‘dính bẫy’

Tuy nhiên, sự căng thẳng này dường như “hợp lòng” Nga và Trung Quốc. Ông Sergei Luzyanin, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Viện khoa học Nga nhận định, Moscow có ý đồ riêng khi “tung” kế hoạch tới quần đảo Kuril.

Theo ông, vị thế của Nga trong tranh chấp về quần đảo Kuril này rất giống Nhật trong “vướng mắc” với Trung Quốc về Senkaku.

“Một khi Tokyo không muốn mất chủ quyền ở khu vực Senkaku (hay Diaoyu) thì không có cớ gì để tranh giành với Moscow. Vì vậy, Nhật hoàn toàn rơi vào thế khó xử trong cách giải quyết hai cuộc tranh chấp này”, Phó giám đốc Sergei Luzyanin phân tích.

Bối cảnh căng thẳng trên quần đảo Diaoyu cũng tương tự tại Kuril.

Bối cảnh căng thẳng trên quần đảo Diaoyu cũng tương tự tại Kuril.

Làm rõ nhận định này của ông Sergei Luzyanin, tờ Yomiuri của Nhật Bản cho hay, thời điểm Tổng thống Medvedev tuyên bố ý định gây tranh cãi của mình là mấu chốt của vấn đề.

Theo Yomiuri, tuyên bố của lãnh đạo điện Kremlin nằm trong chuỗi các sự kiện “ủng hộ” Trung Quốc với hy vọng thu lợi từ “cơn khát” năng lượng của cường quốc châu Á này.

“Moscow nhìn thấy rõ, quốc gia láng giềng với sự lớn mạnh không ngừng của quân đội và kinh tế có thể trở thành một mối đe dọa không nhỏ. Do vậy, chia sẻ quan điểm với Bắc Kinh trong khía cạnh lịch sử có thể giúp Nga thể hiện thiện chí hợp tác với Trung Quốc. Chiến lược này cùng với tinh thần cảnh giác cao có thể mang lại cho Nga một cảm giác an toàn hơn”, Yomiuri cho hay.

Bên cạnh đó, Moscow cũng đang rất hào hứng với nền kinh tế đang phát triển như vũ bão với nhu cầu năng lượng khổng lồ của Bắc Kinh. Vì vậy, quan điểm gần Trung Quốc có thể giúp Nga dễ dàng thâm nhập một thị trường đầy tiềm năng.

Và dường như Nga đang thu được thành quả từ “tấm chân tình” của mình đối với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tham gia lễ khánh thành hệ thống ống dẫn dầu đầu tiên giữa hai nước. Hệ thống này trải rộng từ thị trấn Skovorodino ở phía Đông Siberia tới Daqing ở phía Đông Bắc tỉnh Heilongjiang Trung Quốc.

Hệ thống ống dẫn mới dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu của Nga tới Trung Quốc mà hiện tại chủ yếu được vận chuyển qua tuyến đường sắt chậm chạp và đắt đỏ, đồng thời khiến Nga trở thành một trong ba nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc (cùng với Arab Saudi và Angola).

Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng thỏa mãn mọi nhu cầu khí đốt của Trung Quốc”. Theo ông, Nga lên kế hoạch bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ năm 2015 và khoảng giữa năm tới sẽ ký kết các hợp đồng kinh doanh.

Nếu các bản hợp đồng cung cấp năng lượng cho Trung Quốc nhanh chóng được hiện thực hóa thì sự hy sinh của Nga trong mối quan hệ căng thẳng với Nhật dường như không hoàn toàn là vô ích.

Theo baodatviet

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc