Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Giải thích khác nhau về vụ chìm tàu cá VN
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng sau khi Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Đà Nẵng hôm 26/5 ở khu vực Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981, cách giàn khoan này 17 hải lý.

Ngày 27/5, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”.

Ông Lê Hải Bình nói Trung Quốc phải “tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Việt Nam, đưa ra giải thích khác về vụ chìm tàu cá ĐNa 90152.

Trung Quốc ‘truy đuổi’

Theo truyền thông Việt Nam, bà Huỳnh Thị Như Hoa, là chủ hai tàu cá ĐNa 90152 và ĐNa 90508.

Trả lời báo Lao Động, ông Trần Văn Vốn, chồng bà Hoa, kể: “Khoảng 16h chiều 26.5, tôi nhận được điện của anh Trần Đình Sinh – thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90508 gọi về, báo việc tàu ĐNa 90152 vừa bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển nam – tây nam cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý.”

Còn theo ông Sinh, “Tàu ĐNa 90152 và ĐNa 90508 đang đánh bắt hải sản gần nhau thì 2 tàu vỏ sắt giả danh tàu cá của Trung Quốc lao từ phía giàn khoan Hải Dương 981 đến để truy đuổi.”

“Khi chỉ cách nhau khoảng vài trăm mét, từ phía 2 tàu Trung Quốc, nào là chai lọ, đá, vật dụng cứng… được ném rào rào như mưa đá qua tàu Việt Nam. Tàu ĐNa 90508 chạy trước, tàu ĐNa 90152 chạy sau đều bị tàu Trung Quốc lao tới đâm vào đuôi tàu.”

“Thấy nguy hiểm, thuyền viên trên tàu ĐNa 90152 hét lên cầu cứu, chỉ sau đó ít phút, một tàu Trung Quốc khác đâm ngang thân tàu. Chỉ nghe một tiếng rầm, tàu ĐNa 90152 vỡ ra và bị nhấn chìm sau đó. May mắn các tàu gần đó xông vào ứng cứu và đưa anh em lên tàu”.

Báo Lao Động nói con tàu cùng phương tiện có trị giá hơn 5 tỉ đồng. Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ nói tàu cá ĐNa 90152 bị chìm khiến bà Hoa thiệt hại 2,5 tỉ đồng.

Nói với báo Tuổi Trẻ, bà Hoa cho biết khi tàu cá ĐNa 90152 chìm, 10 người trên tàu đã được tàu cá ĐNa 90508 ứng cứu.

Theo lời kể của bà Hoa với báo Tuổi Trẻ, tàu Trung Quốc trước tiên áp sát tàu cá ĐNa 90508.

“Do tàu này có công suất 615CV nên chúng không đuổi kịp và quay sang húc vào giữa tàu cá ĐNa 90152,” bà nói.

Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau ở vị trí xung quanh giàn khoan

Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau ở vị trí xung quanh giàn khoan

Phản ứng Trung Quốc

Trong khi đó, tại buổi họp báo ngày 27/5, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đưa ra giải thích khác về vụ chìm tàu.

Ông Tần Cương nói “nguyên nhân trực tiếp gây nên vụ việc này là, Việt Nam bất chấp Trung Quốc từng nhiều lần đưa ra phản ứng, cảnh báo và khuyến cáo, ráo riết tiến hành quấy nhiễu sự tác nghiệp bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc và đã áp dụng hành động nguy hiểm”.

Ông này nói: “Chiều 26/5, tại vùng biển quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, một tàu cá Việt Nam đã hung hăng tiến vào khu vực cảnh giới của giàn khoan 981 Trung Quốc, tàu cá Việt Nam bị lật sau khi đâm vào phía sau bên trái một tàu cá Trung Quốc đang tác nghiệp gần đó, ngư dân trên tàu cá Việt Nam đều được cứu.”

Trong khi đó, bình luận của Tân Hoa Xã về vụ việc hôm 28/5 cũng nói “tàu cá Việt Nam bị lật sau khi đâm vào một tàu Trung Quốc”.

“Vụ tai nạn tàu là kết quả của hành động tấn công liều chết theo kiểu kamikaze vì con tàu cố tình đi vào vùng biển Trung Quốc và va chạm với một trong những tàu bảo vệ giàn khoan,” Tân Hoa Xã nói.

Tân Hoa Xã cảnh báo Việt Nam “nên chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những hành vi liều lĩnh và nên kiềm chế không có những bước tiếp theo làm gia tăng căng thẳng và phá hoại an ninh ở Nam Hải”.

Phản ứng của Nhật, Mỹ

Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại sau vụ va chạm gần giàn khoan của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp khiến một tàu cá của Việt Nam bị chìm.

Đài truyền hình Nhật NTDTV dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói: “Chúng tôi thấy việc tàu cá Việt Nam có thể bị nhiều tàu cá Trung Quốc bao vây và đâm chìm là điều báo động.”

“Những việc như thế này xảy ra ngay cả khi tàu hải giám của Trung Quốc đang có mặt trong khu vực không phải là một tín hiệu tốt cho tương lai,” ông nói với các phóng viên.

“Có lẽ bạn thực sự phải đặt câu hỏi rằng vì sao một chiếc tàu cá, với nhiệm vụ đơn giản là đánh bắt cá, lại đâm một tàu khác như vậy.”

“Thật không thể tin nổi.”

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cũng được NTDTV dẫn lời nói:

“Bất chấp việc nhiều nước đã yêu cầu Trung Quốc phải tránh có những hành động đơn phương, nước này vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động khoan thăm dò.”

“Tôi cho rằng đây là một quyết định rất đáng tiếc.”

Còn hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Suga nói rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam là ‘một hành động vô cùng nguy hiểm’.

“Điều quan trọng lúc này là các bên liên quan phải tránh có các hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, theo đúng luật pháp quốc tế,” ông nói thêm.

Phía Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng hơn trước sự việc xảy ra hôm 26/5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki được hãng thông tấn AP dẫn lời trong buổi họp báo thường nhật hôm 27/5 cho biết Hoa Kỳ chưa thể kiểm chứng độc lập về thông tin một tàu cá Việt Nam bị đâm chìm.

Tuy nhiên bà cũng bày tỏ quan ngại trước “những hành động nguy hiểm và sự khiêu khích của các tàu Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực tranh chấp.”

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và thực hiện các bước nhằm tháo gỡ căng thẳng”, bà nói thêm.

Trong khi đó, truyền thông Việt Nam dẫn lời một thượng nghị sĩ Mỹ nói việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam là hành động “cực kỳ nguy hiểm, đơn phương của Trung Quốc”.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin thuộc Đảng Cộng hòa đang thăm Việt Nam và tổ chức họp báo hôm 28/5.

Báo Tuổi Trẻ tường thuật lời nói của ông Cardin: “Riêng về việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam, đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, đơn phương của Trung Quốc.

Vụ việc này xảy ra cách giàn khoan nhiều dặm. Đó là hành vi nguy hiểm không thể chấp nhận được, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng. Cần phải làm sao xuống thang tình hình.”

Các tàu cá Việt Nam thường bị 'tàu lạ' đâm chìm khi đánh bắt trên Biển Đông

Các tàu cá Việt Nam thường bị ‘tàu lạ’ đâm chìm khi đánh bắt trên Biển Đông

Theo bbc


2 ý kiến dành cho “Giải thích khác nhau về vụ chìm tàu cá VN”

  1. Hoàng Trung 01/06/2014

    Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, vào lúc 6 giờ ngày 26/5, tàu cá ĐNA 90152 của Đà Nẵng, do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cùng 9 ngư dân đang đánh bắt hải sản hợp pháp tại khu vực biển Hoàng Sa, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm ở phía nam tây nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 17 hải lý. 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá khác của Việt Nam ứng cứu kịp thời. Mặc dù không có ai bị thương vong nhưng tổng thiệt hại bao gồm tài sản, ngư lưới cụ, hải sản đánh bắt được trị giá trên 5 tỷ đồng. Còn giá trị con tầu theo bà Hoa khoảng 2,5 tỷ.
    Thế là hợp lý rồi, TĐC còn bắt bẻ gì ?
    Có thể PV không hiểu hết giá trị ngư cụ, xăng dầu,các thiết bị, dụng cụ dự trữ… tất cả là tiền cả. Ngoài ra còn hải sản đã đánh bắt trên tầu, lương trả cho thủy thủ trên tầu … tiền cả đấy ?

    Reply
  2. thanh ngoc 04/06/2014

    Tàu cá Việt Nam vỏ bằng gỗ nên dễ bị vỡ trước sự đâm va hung bạo vào vô nhân tính của tàu TQ. Là người Việt Nam tôi vô ùng bức xúc trước hành động trên của Trung Quốc.
    Vì vật trong khi chờ nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư tàu vỏ thép, theo tôi chúng ta có thể dùng thép góc (corner) để gia cố trên mạm thuyền và dùng thép lá để gia cố thân thuyền, tạo thành một khung xương vững chắc bên ngoài. Có như vậy theo tôi thuyền sẽ chịu đựng sức va đập gấp nhiều lần mà kinh phí đầu tư thêm không đáng kể và thời gian cũng gia cố nâng cấp, hoán cải cũng nhanh; vừa sử dụng được toàn bộ tàu vỏ gỗ, vừa đảm bảo tính nhẹ nhàng, linh hoạt của tàu vỏ gỗ.
    Đề nghị các nhà khoa học và các cơ sở đóng tàu thuyền nghiên cứu xem có khả thi không để áp dụng.
    PHC

    Reply

Ý kiến bạn đọc