Home » Thời nay, Văn hóa » Ba “thương binh” gần 10 năm bám nghề sửa xe sống qua ngày
Ba người họ đã tàn nhưng không phế, đùm bọc nhau vượt qua những mất mát của chiến tranh, bám víu tại tiệm sửa xe trên vỉa hè để sống qua ngày…
Một người bị mất chân phải, một người thì không còn bàn tay phải và một người lại thường xuyên bị những cơn đau giày vò. Ba người họ đã tàn nhưng không phế, đùm bọc nhau vượt qua những mất mát của chiến tranh, bám víu tại tiệm sửa xe trên vỉa hè để sống qua ngày.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Chúng tôi đến thăm tiệm sửa xe của các anh vào một chiều đầy nắng đầu tháng 7, vừa dựng xe thì một người đàn ông bị mất bàn tay phải cười niềm nở bảo: “Xe em bị hư gì dắt vào chú coi thử?”, đó là chú Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1970, quê tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). 

Khi nghe chúng tôi hỏi thăm, chú Vinh liền kéo chiếc ghế mời ngồi và chỉ tay về phía người đàn ông dáng gầy yếu đang cặm cụi sửa xe và nói đó là chú Huỳnh Thống (sinh năm 1960, quê tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Chú Vinh trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa: “Tiệm này còn có “sư huynh” của chú nữa, đó là anh Thạch (ông Nguyễn Thạch, sinh năm 1952 – PV), hai chú có chỗ ăn chỗ ở và công việc ổn định hơn 7 năm qua cũng là nhờ “sư huynh” hết.

3 anh em trong tiệm sửa xe vỉa hè của mình - chú Thạch, chú Thống, chú Vinh (từ trái qua phải)

3 anh em trong tiệm sửa xe vỉa hè của mình – chú Thạch, chú Thống, chú Vinh (từ trái qua phải)
Một lần gặp gỡ trong “Hội những người khuyết tật vì chiến tranh” đã khiến cho ba anh em chú đồng cảm với nhau và quyết định mở một tiệm sửa xe nhỏ trên vỉa hè ni với sự cho phép của chính quyền. Hồi đó chú với chú Thống đây không có nghề ngỗng chi hết, ai kêu chi thì làm nấy, may có anh Thạch chỉ dạy cho cách vá xe và sửa mấy cái cơ bản, về sau mới học tiếp và thành thạo”.

Khi chúng tôi thắc mắc về nguyên nhân bị mất bàn tay phải của mình thì chú Vinh cười lớn và lắc đầu kể: “Ai cũng nhìn bàn tay phải của chú rồi kêu chú là thương binh, nhưng thực ra không phải rứa. Hồi trước đi bộ đội, vì là tuổi trẻ và không ngăn được cái tính tò mò với bom mìn, nên chú đã lén đơn vị tự “nghiên cứu” quả lựu đạn, rồi rút chốt không cẩn thận nên đi luôn bàn tay phải”.

Chú Thống đang sửa xe ngoài lề đường nghe câu chuyện của chú Vinh cũng ngừng tay và ngước lên mỉm cười. Dáng người nhỏ bé và nước da xanh xao vì bệnh tật luôn chờ chực trong cơ thể chú Thống, cứ hằng đêm là buốt lên đau nhói. Mặc dù chân tay lành lặn, nhưng hiện tại chú đang phải chịu rất nhiều bệnh. 

Chú Thống đưa tay lên che miệng đang ho sặc sụa rồi kể: “Hồi tham gia chiến trường Campuchia, nước sông bị bỏ thuốc độc mà mình không biết, cả đơn vị có mặt lúc đó sau khi uống nước đã nôn mửa, giải phóng xong mới biết mình bị viêm loét dạ dày cấp tính. Rồi chưa kể nào là vũ khí hóa học, nào là bom khói mù, độc lắm! Thế là thêm cái bệnh viêm phổi và viêm xoang, cả con mắt chừ cũng mờ mờ, không đeo kính là chịu!”.

Chú Thống nói đến đoạn ấy thì một người đàn ông cao tuổi chân khập khiễng đi đến. Chú Vinh cười nhìn chúng tôi bảo đó là “sư huynh” của chú. “Than với thở miết, tui đi chân giả đây chưa nói mà mấy ông bày đặt” – chú Thạch cười chọc hai người em của mình. Hôm nay chú nghỉ làm vì gia đình có đám, xong xuôi hết thì cũng chiều nên giờ mới ra tiệm với chú Vinh và chú Thống.

Chú Thạch ngày trước cũng tham gia chiến tranh, sau ngày hòa bình, chú trở về và đã để lại chiến trường cái chân phải cùng 2 ngón tay. Lúc còn tham chiến, chú đã học “lỏm” được cách sửa xe máy và không nghĩ chính cái tò mò ấy đã giúp được nửa cuộc đời còn lại của mình và cả hai người em kết nghĩa này nữa .

Tiệm vỉa hè nuôi lớn 11 người con…

Cả 3 chú đều đã có gia đình. Chú Thống có đến 5 người con (2 người đã lập gia đình, 1 người đang đi làm, 1 người đi bộ đội và 1 người đang học lớp 9); Còn 4 người con của chú Thạch nay đã lớn và cũng đã lập gia đình; chú Vinh nhỏ tuổi nhất nên đứa con lớn chỉ mới học lớp 1, đứa còn lại thì đang học mẫu giáo. Tất cả 11 người con của 3 anh em đều đã lớn lên nhờ tiệm sửa xe vỉa hè này. 

Thu nhập bình quân hằng ngày mỗi người là 100.000 đồng, số tiền chỉ lo được bữa cơm sơ sài qua ngày cho gia đình, còn chuyện ăn học của con cũng nhờ phần lớn vào vợ. Chú Thống tháo kính, mắt nhiu nhíu kể: “Biết chú có bệnh, vợ chú cũng thương lắm, nên cặm cụi làm tối ngày lo cho mấy đứa con đi học. Cứ như thế rồi đứa nào đi làm trước thì lo cho đứa sau, ngày qua ngày cũng tạm bợ…” 

“Con cái cũng hiểu được gia cảnh mà cố gắng thành người, chẳng đứa nào phân bì hay hơn thua gì với nhà người ta hết á…” – chú Thạch tiếp lời chú Thống. Khi chúng tôi hỏi tại sao con cái đã kiếm được đồng tiền rồi mà vẫn để ba đi làm cực khổ như thế này thì chú Thống mỉm cười nhìn hai người anh em còn lại nói: “Quen rồi cháu ơi! hơn 7 năm nay, nuôi tụi nó ăn học cũng nhờ cái tiệm sửa xe này. Giờ bỏ sao được! Với lại ba anh em đùm bọc nhau lâu nay rồi, một người nghỉ thì hai người kia buồn lắm! Lúc đau ốm hay có chuyện gia đình không đi làm được thì chiều chiều cũng tranh thủ ghé ra nói chuyện với nhau cho vui!”.

Nhọc nhằn những ngày mưa gió

Khi chúng tôi hỏi thăm về những khốn khó của 3 anh em thì mới biết được nỗi lòng của từng người. Che một tấm bạt màu xanh và để một vài bộ đồ nghề sơ sài và gọi đó là tiệm sửa xe. Vào những ngày nắng ráo thì không sao, nhưng cứ mưa xuống là tiệm phải đóng cửa. Vì bệnh tật trong người nên 3 chú chẳng thể làm việc gì khác ngoài việc “bám” lấy từng cái vít, trục, lốp xe…

Vì bị cụt mất bàn tay nên chú Vinh rất khó khăn trong từng thao tác

Vì bị cụt mất bàn tay nên chú Vinh rất khó khăn trong từng thao tác
Đó là mưa gió ảnh hưởng đến tiệm, còn với từng chú, những ngày trời trở gió hoặc vào mùa đông, những vết thương từ chiến tranh như chờ chực trỗi dậy tê buốt và đau nhói. Chú Thạch lấy tay thoa lên cái chân giả bằng nhựa nói: “Cứ đang nắng hễ mưa, hay lạnh chút xíu là xương nhức ghê gớm, chú với chú Vinh đây còn đỡ, có nhức cũng nhức một chỗ, chứ còn chú Thống thì tội lắm! Miệng ho hen, mũi khụt khịt cả ngày, đi đứng còn không nổi nữa thì nói chi đến chuyện làm xe cho khách…”.

Bấy lâu nay, cả 3 anh em luôn ước mơ có một tiệm sửa xe cho “ra trò”, nhưng mà ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Chú Vinh tâm sự: “Tính tới tính lui miết, mấy tháng trước định thuê đất rồi xây cái quán trú mưa trú gió, nhưng tiền bạc thu vô đâu có bao nhiêu, bữa nắng thì mỗi người được 100.000 chứ mưa mưa là không có một đồng, bởi rứa cứ “tàng tàng” như thế này miết đây”.

Có một kỷ niệm đáng nhớ mà chú Thống trầm ngâm một hồi lâu mới nhớ ra và kể cho chúng tôi: “Cách đây đâu khoảng 1 tháng, 3 anh em đều có mặt ở tiệm. Chú thì đang làm cái lốc máy cho chiếc xe Wave, chú Thạch thì đang cân cái vành xe đạp, chú Vinh cũng đang cắm cúi vô cái lốp xe cho chiếc Exciter. Cả buổi chiều trời nắng ghê lắm, đùng một phát trời làm mưa giông. Mà giọt nào giọt nấy nặng trịch giống y như mưa đá rứa. Cái tấm bạt che trên đầu bị gió tung rách hết, 3 anh em cuống cuồng dọn đồ vô mà không kịp, ướt như chuột lột. Chẳng biết xui xẻo thế nào, “sư huynh” của chú lúc đó trượt chân rồi té chúi đầu xuống lề đường làm chú với chú Vinh hốt hoảng chạy lại đỡ lên dìu về nhà”.

Ông Nguyễn Văn Hoan, một người chạy xe ôm lâu năm ở gần tiệm sửa xe của 3 anh em chia sẻ với chúng tôi: “Người dân gần đây ai cũng hiểu hoàn cảnh của 3 anh em ông Thạch hết, nghĩ tội mà cũng khâm phục, bệnh tật thế đó mà còn phải mưu sinh. Quanh đây, xe ai bị hư cũng đều dắt qua cho mấy ổng sửa. Như cái xe tui đây, có bữa trời mưa, tiệm không mở, tui cũng dắt qua tận nhà mấy ổng luôn. Một mặt tạo được việc làm cho mấy ổng, mặt khác mấy ổng sửa chắc nên ai cũng thích!”. 

Ông Hoan dừng một lát rồi như nhớ ra điều gì lại tiếp: “Tuy khó khăn, bệnh tật, nhưng thấy ai khổ mấy ổng cũng thương, sửa không lấy tiền, nhất là mấy đứa sinh viên ở trọ quanh đây, bơm hay vá lại cái lốp nhiều khi họ cũng làm giúp thôi”.

Ông Đặng Văn Thông – tổ trưởng tổ 135, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng – cũng chia sẻ với chúng tôi: “Hoàn cảnh của chú Thạch, chú Thống và anh Vinh thì chính quyền địa phương cũng nắm rõ và thông cảm, nên đã tạo điều kiện hết sức cho 3 người có được một chỗ mưu sinh qua ngày. Riêng trường hợp của chú Thống, hiện chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ gửi lên Bộ Lao động, thương binh và xã hội để phê duyệt cho chú được hưởng chế độ trợ cấp thương binh”.

Chúng tôi ra về khi trời bắt đầu tối, trong đầu cứ mải nghĩ về nghị lực mạnh mẽ và tình cảm khăng khít của 3 anh em chú Thạch, chú Thống và chú Vinh. 

 

Phước Vinh – Hà Kiêu (Dòng Đời)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc