Home » Thời nay, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Lật tẩy ‘quái chiêu’ làm phim truyền hình

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nổi tiếng với hàng loạt bộ phim “nóng” về đề tài nông thôn như: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình…, mổ xẻ nguyên nhân suy giảm chất lượng phim truyền hình hiện nay.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (ngoài cùng bên phải).

Những năm gần đây khán giả truyền hình đã có nhiều thất vọng với phim truyền hình. Phim truyện truyền hình ngày càng đơn giản, nhiều tính giải trí nhưng thiếu vắng những vấn đề xã hội. Hơn nữa cách làm phim ngày càng dễ dãi, nghiệp dư. Nếu như trước đây thời gian quay mỗi tập phim khoảng 7-8 ngày thì nay chỉ 2 đến 3 ngày. Việc viết kịch bản phân cảnh ngày nay bị coi như một việc làm xa xỉ.

Nói về nguyên nhân của sự suy giảm chất lượng, nghiệp dư hoá các khâu sản xuất phim truyền hình chắc chắn ai cũng có thể viện dẫn lý do đầu tiên là sự thúc ép về thời gian.

Nguyên nhân thứ hai chắc chắn sẽ được nói tới là kinh phí sản xuất phim rất eo hẹp. Cho đến nay các nhà quản lý sản xuất phim vẫn giữ cách đầu tư cho phim (các thể loại) theo lối đồng hạng. Bất kể nội dung phim chiến tranh, lịch sử, tâm lý xã hội, bất kể phạm vi thực hiện ở ngay thành phố hay phải về nông thôn, lên miền núi… vẫn chỉ có một mức khoán giá sản xuất cố định. Kể cả hiện nay khi hoạt động sản xuất phim truyện đã được các hãng phim tư nhân làm theo phương thức xã hội hoá mức giá được duyệt, giá mua phim vẫn là những con số bất di bất dịch.

Nói về giá sản xuất chúng tôi không có ý định kêu ca, đòi hỏi Nhà nước, lãnh đạo nhà Đài cho thêm bằng này, bằng kia tiền cho đủ. Điều mà chúng tôi muốn nói là quan niệm và cách đầu tư của nhà Đài.

Như chúng ta đều biết, các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương dù là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng vẫn đang được giao hạch toán kinh phí theo dạng doanh nghiệp. Các đài đều phải lo số thu quảng cáo để có nguồn kinh phí đầu tư sản xuất chương trình. Nghĩa là các đài hoạt động theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Nếu đã theo phương thức này thì sản phẩm càng có chất lượng cao sẽ càng thu được nhiều quảng cáo… Vậy tại sao nhà đài không đầu tư cho chất lượng sản phẩm của mình mà lại áp dụng quy định về giá đã rất lạc hậu của nền kinh tế bao cấp?

Tôi không nghĩ là nhà đài nên chi thêm cho mỗi tập phim hai, ba chục triệu nữa vì có cho thêm như vậy cũng sẽ hoàn toàn không có được sản phẩm chất lượng tốt hơn đâu. Tôi cho rằng nhà đài nên có cơ chế đánh giá đúng chất lượng của sản phẩm. Tức là nhóm làm phim nào thu hút được nhiều quảng cáo sẽ được hưởng một tỷ lệ phần trăm nào đó trong tổng giá trị quảng cáo mà Đài thu được. Như vậy người làm phim sẽ được đánh giá đúng công sức, tài năng của mình và cố gắng làm phim có chất lượng tốt hơn để thu hút quảng cáo.

Những bộ phim nghiêm túc ngày càng thiếu vắng.

Nguyên nhân tiếp theo là sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ các nhà làm phim. Thiếu chuyên nghiệp trước hết là vì hai nguyên nhân trên: sức ép thời gian và mức độ đầu tư đồng hạng. Đáp ứng yêu cầu về thời gian thì phải làm nhanh, làm ẩu với mức kinh phí như vậy cũng không nên đầu tư nhiều công sức làm gì vì chỉ cần lọt qua hệ thống duyệt phim, chứ hay dở cũng chả được gì mất gì cả. Thậm chí ngược lại, làm phim dở – nhanh – ẩu thường lại bớt xén được một chút kinh phí. Làm phim kỹ, tử tế có khi lại phải bù cả khoản nhuận bút nhỏ bé của mình.

Thiếu chuyên nghiệp nữa là vì những người làm phim luôn bị quá tải vì chỉ tiêu được giao hàng năm, vì quá nhiều cơ sở lôi kéo. Khi làm phim, từ đạo diễn đến các thành phần trong đoàn làm phim không bao giờ giới hạn trong 8 hay 10 tiếng làm việc mỗi ngày. Vậy mà cứ làm phim liên tục, năm này qua tháng khác thì lấy đâu ra thời gian, sức lực để đọc sách, cập nhật thông tin, suy nghĩ về nghề nghiệp. Cứ như vậy, người làm phim ngày càng xơ xác, lạc hậu, trống rỗng về trí tuệ chứ chưa nói gì đến sự cập nhật những tiến bộ nghề nghiệp hoặc công nghệ của thế giới.

Thêm nữa là các nhà làm phim ngày càng phụ thuộc vào nhà tài trợ và các doanh nghiệp tham gia quảng cáo, nhất là trong thời kỳ xã hội hoá hoạt động sản xuất phim như hiện nay…. Các cơ sở sản xuất phim nhà nước cũng như tư nhân muốn thu hút đầu tư, tài trợ đều cần phải chiều ý các doanh nghiệp  mạnh, có khả năng tài chính mạnh tham gia. Mà các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ quan tâm đến quyền lợi mà họ được hưởng khi quyết định đầu tư vào một phim nào đó. Những quyền lợi ấy là quảng bá được thương hiệu, sản phẩm của họ với các đối tượng khách hàng, người tiêu dùng mà họ hướng đến.

Ví dụ một doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động sẽ hướng đến lực lượng khách hàng tiềm năng của họ là tuổi teen, con nhà giàu ở thành phố, thích ăn diện. Vì vậy họ sẽ đầu tư vào những kịch bản có đối tượng này chứ chắc chắn không muốn đầu tư vào phim về đề tài nông thôn, nông dân, những người nghèo khổ, vượt khó, đáng thương… Đó là lý do vì sao mấy năm gần đây phim truyện truyền hình có quá nhiều phim về tuổi teen, quá nhiều phim giải trí vô bổ với các nhân vật giàu có, các bối cảnh xa hoa lộng lẫy còn những đề tài mang tính chính luận, xã hội, đề tài người nông dân, người nghèo…. bị quên lãng.

(Trích tham luận tại Đại hội Hội điện ảnh Việt Nam lần thứ 7)

  • Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc