Home » Thời nay, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Văn hóa » Không chiếu phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”
Không chiếu trong dịp Đại lễ – đó là thông báo chính thức từ Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện về “số phận” bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Phan Hòa (vai Thái hậu Dương Vân Nga) và Hoàng Hải (vai Lê Hoàn) trong phim - ảnh do diễn viên Phan Hòa cung cấp

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Minh – Phó Cục trưởng cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xung quanh bộ phim này và những vấn đề về yếu tố “thuần Việt” trong phim.

* Liệu sau này bộ phim có được trình chiếu nữa hay không, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Minh

– Điều đó còn phụ thuộc vào bản chỉnh sửa tới đây của nhà sản xuất, và quyết định của các cấp có thẩm quyền, các đài truyền hình. Phía nhà sản xuất tỏ ra cầu thị. Họ đã có thái độ tiếp thu và đưa ra phương án sửa chữa chi tiết nghiêm túc, kiên trì.

* Sau khi xem bản phim chưa chỉnh sửa, ông có nhận xét gì?

– Do công việc, tôi đã hai lần xem bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Trước hết phải nói rằng, bộ phim có những đoạn được dàn dựng công phu và hấp dẫn. Các diễn viên vào vai tương đối khá, đặc biệt là các vai Lê Hoàn (Hoàng Hải), Lý Công Uẩn (Phạm Tiến Lộc), Lê Long Đĩnh (Nguyễn Mạnh Quân), Dương Vân Nga (Phan Hòa)… Cũng nên ghi nhận công sức của ông Cận Đức Mậu – tổng đạo diễn của bộ phim.

Mặc dù phim chưa được công chiếu, dư luận vẫn rất quan tâm xung quanh vấn đề bối cảnh trang phục, đạo cụ có “thuần Việt” hay không, chi tiết lịch sử đã đúng chưa. Theo tôi đây là một vấn đề rất khó trả lời một cách thấu đáo. Bởi lẽ việc lưu trữ, tàng trữ các trang phục, đồ dùng, vật dụng mưu sinh, khí cụ chiến tranh… ở nước ta hầu như không có được bao nhiêu. Người làm phim hôm nay chủ yếu dựa vào thư tịch để phục chế lại các đạo cụ theo nội dung của phim. Trong phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, có một số đạo cụ bị cho là không “thuần Việt”, là “giống Tàu” như mũ tứ phương bình đỉnh, như mũ đầu mâu… thì trong Đại Việt sử ký toàn thư đều có chép, thậm chí còn chép khá kỹ như mũ bình đỉnh là loại mũ bằng da, được khâu bằng bốn mảnh, loại mũ đó đến thời vua Lê Lợi khởi nghĩa vẫn còn dùng; rồi năm 1002 vua Lê Đại Hành xuống chiếu “sai làm mấy ngàn mũ đầu mâu phát cho sáu quân”…

Trong bộ phim, các sự kiện lịch sử lớn như việc Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long cổn cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, việc vua Lê Đại Hành đánh quân Tống ở Bạch Đằng, Chi Lăng, Tây Kết, việc Lê Long Đĩnh giết anh cướp ngôi, việc Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế và quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La… đều được thể hiện. Các chi tiết lịch sử thì đôi chỗ bị gộp lại hoặc có trận đánh chỉ được thông báo kết quả.

Còn các đại cảnh như cung điện, chùa chiền… được quay ở Trung Quốc, thì chúng tôi đã yêu cầu sử dụng hạn chế tối đa các cảnh này và nhà làm phim đã “cắt gọt” phần lớn.

Không phải riêng tôi mà hẳn tất cả các nhà điện ảnh Việt Nam khi làm phim về đề tài lịch sử, dã sử đều mong muốn làm được những bộ phim thuần Việt 100%. Nhưng cái ta gọi là “thuần Việt” của nhiều thế kỷ trước, của nghìn năm trước là thế nào thì hiện nay vẫn đang còn mò mẫm tìm kiếm, vẫn đang là sự tranh luận. Bởi thế, nhà làm phim vừa phải nghiên cứu tìm cho ra cái “thuần Việt” đích thực nhưng cũng còn phải sử dụng cả sự linh cảm để tạo ra đạo cụ, phục trang chí ít là khác với những phim cổ trang của nước ngoài.

* Theo ông, khi làm phim lịch sử (mà bối cảnh là ở Việt Nam), việc thuê trường quay tại nước ngoài, thuê công nghệ làm phim của nước ngoài… có nên chăng?

– Đúng là ở Việt Nam hiện nay nhà làm phim truyện gặp nhiều khó khăn về điều kiện bối cảnh, phục trang, công nghệ… trong việc thể hiện tác phẩm. Riêng lĩnh vực phim đề tài lịch sử cổ trang còn khó khăn hơn nhiều, bởi đụng vào cái gì cũng thiếu thốn hoặc chưa có nên chúng ta cũng cần trân trọng sự dấn thân của các nhà đầu tư, các nghệ sĩ tha thiết với việc làm phim lịch sử cổ trang.

Trong làng điện ảnh thế giới, việc nước này thuê trường quay, công nghệ, nhân lực của nước khác để làm phim lịch sử cổ trang không có gì lạ. Các nhà làm phim lịch sử cổ trang Việt Nam thuê trường quay, công nghệ hoặc nhân lực của Trung Quốc (hay một nước nào đó) để làm phim cũng là chuyện bình thường.

Theo tôi, nếu có cái không bình thường là ở chỗ trong lúc đi thuê mượn ấy, chúng ta lại không khéo léo học lấy mẹo mực lành nghề của họ, lại không có cái ý chí biến những “điều trông thấy” thành hiện thực, thành cái tương lai mình sẽ có, lại không trăn trở khi lực bất tòng tâm trong sự phụ thuộc vào thuê mướn.

Ông Lê Ngọc Minh cho biết trong hai ngày 25 – 26.9, Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện đã duyệt phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long lần 2 và ngày 29.9, thường trực hội đồng đã họp với Công ty Trường Thành thông báo không chiếu bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vì 3 lý do: một, về mặt kỹ thuật, sau khi sửa chữa, ở tập 10 hình và tiếng không khớp nhau, nhiều đoạn tiếng không nghe được; hai là đang còn nhiều vấn đề tranh luận trái chiều về bộ phim; ba, hội đồng duyệt phim tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa để có bản phim tốt nhất.

Theo ông Minh, nội dung bộ phim không có sai phạm về chính trị, không hạ thấp vị trí lịch sử của VN. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng bộ phim có nhiều dấu ấn văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là các cảnh quay lớn. Bộ phim cần tiếp tục chỉnh sửa một số chi tiết cho đúng với những văn bản khoa học lịch sử đã được công bố…

Ý kiến

Họa sĩ Trịnh Quang Vũ: “Tôi cho rằng đây là quyết định khôn ngoan của hội đồng duyệt phim. Tôi đã từng được mời tham gia tư vấn phục trang nhưng từ chối. Tôi không hiểu sao bộ phim lịch sử Việt Nam thuê đạo diễn, diễn viên, thuê phục trang, trường quay bên Trung Quốc. Như thế thì làm sao thấy văn hóa Việt trong đó nữa”.

Ông Trịnh Văn Sơn (Giám đốc Công ty Trường Thành – nhà sản xuất phim): “Chúng tôi đã phối hợp với Hãng truyền hình EASTV (Hồng Kông) để sản xuất bộ phim này. Họ lo việc liên hệ với các đối tác làm phim như thuê đạo diễn, trường quay, may trang phục. Tiến sĩ Đoàn Thị Tình, người có nhiều năm nghiên cứu về phục trang lịch sử, đã thiết kế trang phục cho phim. Tuy không sang Trung Quốc cùng đoàn làm phim, nhưng có ba người trong ê-kíp thiết kế đã được cử sang giám sát việc may trang phục bên đó. Nhiều ý kiến cho rằng vào thời đó đất nước ta không thể có những cung điện hoành tráng như vậy. Nhưng tôi nghĩ mình đang làm điện ảnh chứ có phải là làm công việc của nhà bảo tàng đâu. Chúng tôi có thể cách điệu. Bộ phim không được chiếu đúng dịp Đại lễ, chúng tôi thấy buồn, nhưng là buồn cho khán giả vì không thể xem một bộ phim được dàn dựng công phu và hoành tráng như vậy. Chúng tôi sẽ chỉnh sửa lại theo đúng yêu cầu của hội đồng duyệt phim để phim có thể ra mắt khán giả”.

M.N (ghi)

Minh Ngọc (thực hiện)

Theo thanhienonline

Chuyên đề: ,

Comments are closed.