Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Vui buồn chuyện Tây đón Tết ta
“Tết Nguyên đán ở Việt Nam là dịp đặc biệt khiến lòng tôi hân hoan như một đứa trẻ” – Cathy, nữ giáo viên người Anh sang Việt Nam dạy học từ hai năm qua, bày tỏ nỗi háo hức đón chờ ngày Tết Tân Mão 2011 ở Hà Nội.
  • [title]

Tết Việt là một lễ hội văn hóa ấn tượng trong mắt người phương Tây. Trong ảnh: Một cô gái Úc chụp ảnh lưu niệm với ba thanh niên Việt đóng vai ba ông Phúc – Lộc – Thọ trong Hội chợ Tết Tân Mão 2011 ở Úc. (ABC)

‘Nhập gia tùy tục’

Cathy thích nhất là khoảng thời gian chuẩn bị cho Tết: từ dọn dẹp nhà cửa đến bày biện và trang trí đồ dùng, mâm quả. Cô cũng mua đào và bánh chưng ở ngoài chợ về “bày cho đẹp nhà”.

“Không khí Tết (ở Việt Nam) rất đặc biệt mà tôi không diễn tả được. Tết rất thú vị, đặc biệt là khi bạn chưa từng một lần được trải nghiệm Tết. Ở trường mà tôi dạy tiếng Anh được trang trí rất vui mắt với đủ mọi màu sắc. Dường như Tết làm mọi cảnh vật và con người tươi tắn hơn: trẻ con mặc quần áo đỏ, hoa đào màu hồng và những cây quất xanh quả vàng. Nhiều nhà cũng dùng các đồ vật mạ vàng rất đẹp”.

Điều khiến Cathy cảm thấy đặc biệt nhất về Tết là ai ai cũng vui vẻ. “Đây là thời gian gia đình đoàn tụ, mọi người ai cũng nhớ đến nhau khiến tôi cũng hơi chạnh lòng nhớ về gia đình của mình ở bên Anh! Tôi cũng đặc biệt thích truyền thống người Việt dành hai ngày đầu tiên của Tết với gia đình và họ hàng, còn ngày thứ ba là dành cho bạn bè”.

Cathy cũng mua những phong bao màu đỏ để đựng tiền lì xì cho học sinh của mình ở trường. Tuy nhiên, Cathy cho rằng: “Mặc dù phong tục lì xì trẻ em có ý nghĩa rất hay nhưng tôi không thích phong tục ấy nhiều nữa. Tôi cảm thấy nó gây áp lực cho mọi người phải lì xì nhiều và nhiều hơn mỗi năm”.

Để chuẩn bị cho phong bì lì xì, Cathy thường hỏi xin bạn bè những đồng xu tiền các nước khác nhau để tặng cho học sinh của mình ngày Tết. Cô muốn cho bọn trẻ biết thêm nhiều điều mới chứ đừng chú trọng giá trị tiền được lì xì nhiều hay ít.

Vui Tết ở miền quê

Kris và Ola là hai người Ba Lan ở Hà Nội đã hơn 2 năm để học thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học. Ola cho biết Tết là lúc cô cảm nhận được nhiều nhất về các nét văn hóa của Việt Nam, từ việc ăn uống, thăm hỏi gia đình và cả thờ cúng.

Mặc dù được học và nghiên cứu nhiều về Việt Nam từ sách vở và trường lớp nhưng không gì ấn tượng mạnh với hai bạn trẻ người Ba Lan bằng lần ’về quê ăn Tết’ ở Hưng Yên theo lời mời của một anh đồng nghiệp làm cùng trung tâm ngoại ngữ.

“Tôi biết Tết của các bạn là dịp để gia đình gặp gỡ. Tôi rất cảm động khi mọi người ở Thái Nguyên rất niềm nở và vui vẻ với chúng tôi. Đi đến đâu chúng tôi cũng được chào đón, được mời dùng bữa nhiệt tình. Dù ngôn ngữ khác biệt nhưng những cử chỉ thân mật và những tiếng cười làm mọi người gần nhau hơn!”.

Vào sáng mùng một Tết, Kris và Ola cùng mọi người đi lễ chùa như nhiều người dân địa phương. Họ cũng cố cầu nguyện bằng tiếng Việt theo đúng cách mà bạn đồng nghiệp địa phương dạy. Ola còn khoe cô xin được quẻ trên chùa và thành tâm cất vào ví rất cẩn thận. Đối với cô, đây là những kỉ niệm vô cùng thú vị mà không phải khách du lịch nào khi đến Việt Nam cũng có dịp trải nghiệm.

Tết Tân Mão 2011 này, Ola và nhóm mấy người bạn nước ngoài lại có kế hoạch mới: phóng xe lên Hà Giang để xem người dân tộc ăn Tết với mong muốn hiểu hơn về đất nước Việt Nam.

Rick, một người Mỹ tới Việt Nam để học bộ môn võ thuật cổ truyền, thì lại thích chu du “lãng tử” vào dịp Tết Nguyên đán. Rick tổ chức cả một nhóm bạn đi cắm trại ở những vùng quê hẻo lánh vào đúng những ngày Tết vì theo anh lúc này “đường phố ở khắp mọi nơi đều vắng, chạy xe máy trên đường rất thích!”.

Rick kể anh và bạn bè thường phải chuẩn bị rất nhiều lương thực cho nhiều ngày rong ruổi vì nơi hẻo lánh mà họ đến cắm trại chợ không hề hoạt động trong mấy ngày Tết. Tuy vậy, cũng có lúc nhóm bạn hết sạch lương thực và “bí quá” đành phải vào nhà dân xin nước, rau. Không ngờ Rick lại được người dân mời ăn cơm cùng và đãi như khách quý mặc dù hai bên không hiểu nhau do rào cản ngôn ngữ.

“Ở bên Mỹ, việc đón ngày lễ cùng những người xa lạ là điều không bao giờ xảy ra. Ở Việt Nam thì ngược lại, Tết khiến mọi người lại càng niềm nở hơn với người chưa quen biết” – Rick nhớ mãi những cử chỉ tiếp đón nồng nhiệt và chân tình của những người dân ở vùng sâu, vùng xa thị thành Việt Nam mà anh gặp ngẫu nhiên trên đường ngao du ngày Tết.

“Tết: dịp đặc biệt để ăn”

Với một người Úc như Mark Lowerson, chủ nhân của blog http://stickyrice.typepad.com – một trong 50 blog chuyên về món ăn hay nhất thế giới 2009 theo bình chọn của TimesOnline thì cho rằng phong tục quây quần bên mâm cỗ của người Việt là một nét văn hóa rất đặc trưng mà anh thích nhất.

Theo quan sát của Mark, “Tết là dịp mà các bạn thường ăn rất nhiều. Dường như tinh túy của Tết tập trung ở bữa ăn gia đình. Hay nói cách khác, Tết là một dịp vô cùng đặc biệt để ăn!”.

“Có lần Tết tôi về nhà người bạn ở Nha Trang. Mẹ anh bạn tôi nấu chè kho gồm gạo nếp và đậu xanh trộn với đường và gừng khi còn nóng hổi. Quả là một bữa tráng miệng tuyệt vời. Không một nhà hàng nào có thể cho tôi một bữa Tết ngon đến vậy”.

Mark cũng rất tinh ý: “Đặc biệt là trong Tết, các hàng bún riêu xuất hiện rất nhiều, ở bất kì phố nào ở Hà Nội. Người ta thường ăn món này khi cảm thấy ngấy các đồ ăn thức uống khác ”.

Mark từng reo lên vì sung sướng khi phát hiện ra một loại quả mới chỉ xuất hiện trong dịp Tết: quả Phật Thủ (loại quả chỉ chuyên để trưng bày trên bàn thờ cúng tổ tiên ở miền Bắc). Xôi gấc thì được Mark miêu tả: “Xôi có màu đỏ rực rỡ rất bắt mắt, được đúc thành hình vuông vắn là một trong những món ăn phổ biến của ngày Tết vì nó tượng trưng cho may mắn”.

Tuy nhiên, cũng có vài điều về Tết ở Việt Nam mà Mark Lowerson cảm thấy không vui. Mark kể về chuyến đi đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh những ngày đầu năm: “Ở đây vàng mã và nhang hương được đốt với một tốc độ mà các nhà khoa học cũng phải rùng mình khi nghĩ đến lượng carbon nó thải ra. Người người chen lấn, xô đẩy và to tiếng. Tiếng loa liên tục nhắc mọi người để phòng bị móc túi. Tôi không chắc trong bầu không khí như thế, các vị thánh thần có thể nghe thấy bất kì điều gì mà mọi người khấn vái!”.

Mark cũng đặc biệt chú ý đến các mâm đồ cúng: “Trên các mâm đồ cúng được mọi người bưng có rất nhiều thứ như hương nhang, gà luộc, hoa quả, bia, bánh kẹo, nước ngọt, xôi gấc và tiền. Đó là những đồ cúng lễ để người ta cầu xin sức khỏe, tài lộc, thành công và sung túc. Tôi thấy rất ít người đem những đồ cúng từ nhà đi mà chủ yếu là họ mua sẵn ở các sạp hàng ngoài đường. Quả là tiện lợi nhưng liệu cách này có chứng tỏ được sự thành tâm đi lễ chùa của bạn hay không?”.

Ngoài ra, Mark cũng đề cập đến những chiếc bánh chưng, bánh tét được một vài doanh nghiệp làm để lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam: “Tôi đã từng mua vé vào hội chợ có trưng bày chiếc bánh tét lớn nhất Việt Nam dài hơn 31 mét để xem một lát và… không thể tưởng tượng được. Có lẽ chiếc bánh tét này có thể chỉ được sử dụng như một cái cột mà thời trung cổ người ta dùng để phá tường thành. Tất cả chỉ vì kỷ lục mà thôi!”.

“Tôi vẫn thích những chiếc bánh chưng bình thường hơn. Ăn kèm bánh với một ít nước mắm và vài củ dưa hành thật là tuyệt làm sao!” – Mark nói.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc