Sài Gòn ngày càng phát triển ngày càng ô nhiễm, một thành phố Sài Gòn xanh ngát những hàng cây chỉ còn lại trong ký ức.
Thị trấn trong rừng
Trước khi có người Việt đến đây khai phá, vùng đất này được người Khmer gọi là Prei Nokor, với “Prei” là rừng, “Nokor” là thị trấn, như vậy Prei Nokor nghĩa là “Thị trấn trong rừng”.
Vào thời chúa Nguyễn người Việt đến vùng đất này phiên âm Prei Nokor chệch đi thành Brai Kor hay Brài Knòr. Dần dần âm Việt bị đổi từ “Brai” thành “Rai” rồi thành “Sài”; từ “Kor” thành ra “Gòn”. Tên gọi Sài Gòn được gọi cho đến nay.
Như vậy tên gọi Sài Gòn có nghĩa là “Thị trấn trong rừng”
Khu vực Bến Nghé thuở xưa là sông rạch chằng chịt với rừng gòn, rừng sác bạt ngàn. Đặc biệt rất nhiều cây gòn, chính vì thế mà có một thuyết cho rằng tên gọi Sài Gòn xuất phát từ xưa do có rất nhiều cây gòn.
Người Pháp xây dựng Sài Gòn
Sau khi người Pháp chiếm được Gia Định đã xúc tiến quy hoạch xây dựng thành phố Sài Gòn. Năm 1865 Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành nghị định quy hoạch lại Sài Gòn với diện tích chỉ 3km2 nằm ở trung tâm quận 1 ngày nay.
Cũng năm 1865 Vườn Bách Thảo (Sau này đổi tên là Thảo Cầm Viên) qua 1 năm xây dựng đã hoàn thành. Nhiều cây nguyên sinh được giữ nguyên trước khi xây dựng. Vườn Bách Thảo trở thành nơi chuẩn bị giống và cung cấp cây cho Sài Gòn.
Quy hoạch của người Pháp rất chú trọng đến cây xanh, nhất là Sài Gòn oi bức vào mùa nắng. Có 26 con đường đầu tiên xây dựng được phủ kín cây xanh, cứ 5 mét là trồng 1 cây, nhiều nhất là cây me, cây xoài.
Năm 1878 bản phúc trình của Uỷ ban Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ có đoạn mô tả như sau: “Tất cả những con đường này đều đã có những vỉa hè đẹp ống cống lớn, xây bằng gạch và được che mát bởi những loại cây khác nhau tràn trề sức sống như cây me, xoài, bàng…”.
Rừng cây trong lòng thành phố
Công viên Tao Đàn xưa kia rộng lớn hơn bây giờ rất nhiều, như một khu rừng nằm ở phía tây ngoài thành Bát Quái (thành Gia Định). Nơi đây do gia đình Tổng trấn Lê Văn Duyệt cai quản, khu rừng này được gọi là “Vườn thượng uyển”, còn dân chúng thì gọi đây là “Vườn Ông Thượng”, với “Ông Thượng” ý chỉ ông quan lớn, “Vườn Ông Thượng” ý là vườn chỉ dành cho quan lớn.
Khi người Pháp xây dựng thành phố đã xây dựng Dinh Toàn quyền trong khu rừng cây này. Năm 1869 Toàn quyền Pháp đã cắt “Vườn Ông Thượng” này cho thành phố, đồng thời làm con đường Poulo Condor tức Côn Đảo (sau này là đường Huyền Trân Công Chúa) để tách khu rừng này ra khỏi Dinh Toàn quyền.
Sau đó Vườn Ông Thượng được chỉnh trang lại đẹp đến nỗi một người phương Tây là A. Delreil khi đến đây vào năm 1882 đã phải thốt lên rằng đây là “khu rừng Boulogne của người Sài Gòn”.
Đường Tôn Đức Thắng
Ban đầu thành phố chọn trồng cây me, cây xoài, cây bàng, nhưng cây lớn lên thì cây xoài và cây bàng có tán lá thưa, trái cây rơi rụng làm bẩn đường phố, vì thế mà Hội đồng thành phố rút kinh nghiệm chọn trồng loại cây khác là cây xà cừ hay còn gọi là cây sọ khỉ.
Người dân Sài Gòn vẫn còn nhớ về con đường Tôn Đức Thắng rợp bóng cây xà cừ cao lớn, con đường này được làm từ năm 1865 gọi là đường Boulevard de la Citadelle
Năm 1873 người Pháp chọn trồng cây cà cừ cho đường này, theo thời gian cây cao lớn tỏa bóng mát cho thành phố, vào mùa nắng nóng người dân hay đến ngồi nơi đây hóng mát.
Theo lịch sử đường Boulevard de la Citadelle đổi tên thành đường Boulevard Luro năm năm 1901, Năm 1955 đổi thành đường Cường Để, năm 1980 đổi tên thành đường Tôn Đức Thắng.
Sau này Sài Gòn càng phát triển thì cây xanh ngày càng bị đốn hạ, nhưng mỗi khi người dân chạy xe qua đường Tôn Đức Thắng đều cảm thấy mát hơn với hàng cây xà cừ cao vút.
Thế nhưng đến năm 2017 đến lượt 300 cây xà xừ trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ để phục vụ cho công trình cầu Thủ Thiêm 2. Nhiều người đi ngang qua thấy nuối tiếc khi cây bị chặt, sau khi cây bị chặt xong nhiều người đã mang hoa hồng tới đặt lên gốc cây mới bị chặt tỏ ý nuối tiếc cũng là để tưởng niệm khi cây xanh đã không còn.
Những con đường rợp lá me bay
Năm 1882 Hội đồng thành phố chọn cây sao trồng cho các tuyến đường mới ở Sài Gòn, công viên 30/4 thời đấy chính là rừng cây sao được trồng vào năm 1882.
Người Pháp thích trồng cây me bởi cây me có tán lá dày, xanh mát quanh năm, vừa cho bóng mát, vừa có quả hai mùa. Quả rụng xuống cũng không gây nguy hiểm cho người đi lại nên được chọn trồng hầu hết các con đường. Đường Nguyễn Du là đường có nhiều cây me nhất.
Sau năm 1954 Sài Gòn dù có nhiều cao ốc những vẫn lọt thỏm dưới những hàng cây xanh cao vút. Các tuyến đường có rất nhiều cây me, các đường Tự Do, đường Duy Tân, Pasteur, Công Lý, Phan Đình Phùng hay Bùi Thị Xuân rợp bóng cây dầu, cây sao, cây me.
Nhà thơ Bùi Đức Ánh đã gửi cảm xúc của mình qua bài thơ “Đi giữa Sài Gòn”
Chắc em từng qua con phố ấy
Hàng cây xào xạc lúc hoàng hôn
Tôi như lữ khách trong miền nhớ
Mắc nợ dài vạt áo chờ mong
Những con đường rợp bóng cây me như đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Pasteur, Đồng Khởi, Trương Định, Võ Văn Tần (gọi theo tên mới ngày nay) đã trở thành kỷ niệm đối với người Sài Gòn đến tận thập niên 80, 90 và đi vào vần thơ, lá me bay trở thành kỷ niệm khó quen với lứa tuổi học trò
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
(Thơ Diệp Minh Tuyền – bài thơ được phổ thành nhạc)
Sài Gòn càng phát triển cây xanh cũng ngày càng thưa thớt. vắng bóng trên các tuyến đường. Đến nay Sài Gòn có tỷ lệ diện tích cây xanh trên người thấp nhất cả nước, chỉ có 0,55 m2/người, kém xa thành phố xếp kế mình là Hà Nội 2,06 m2/người. Trong khi đó tiêu chuẩn của Liên Hợp quốc là 10 m2/người, tiêu chuẩn với các thành phố hiện đại là 20 – 25m2/người.
Sài Gòn dù phát triển nhưng không đọng lại điều gì khi nằm trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Người dân vẫn hoài niệm về một Sài Gòn xưa với những con phố xanh ngát hàng me, qua những giai diệu và vần thơ mà đến nay đã trở thành ký ức.
Trần Hưng
Theo trithucvn.co
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!