Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Những người khiếu kiện ở Bắc Kinh tăng lên cả về số lượng và sự bần cùng

Những người khiếu kiện vô gia cư này sống trong đường hầm ngầm ở Bắc Kinh.

Khi Trung Quốc đang nổi nhanh lên vị trí nổi bật trên toàn cầu với những số liệu thống kê kinh tế ấn tượng tương ứng, thì một bộ phận người dân đang tiếp tục bị phớt lờ bởi dòng chủ lưu xã hội: những người đi khiếu kiện.

Hiện với số lượng hàng ngàn người, họ túm tụm lại với nhau, đi ăn xin, ngủ và bị cảnh sát đuổi trên đường phố thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

“Khiếu kiện” là thuật ngữ để chỉ một chế độ tìm kiếm sự bồi thường cho những mối bất bình ở bên ngoài hệ thống tòa án; những người đi khiếu kiện đệ trình các trường hợp của họ lên Văn phòng Khiếu nại Nhà nước – một cơ quan không hữu hiệu và gần như không có quyền lực.  Họ thường phải đợi kết quả rất lâu, nếu như có kết quả.

Nhiều người khiếu kiện ở Bắc Kinh trở thành những cư dân bất đắc dĩ sau khi hết tiền và trường hợp của họ vẫn không được giải quyết.  Họ buộc phải ở lại thủ đô, sống ở trong hệ thống tàu điện ngầm, dưới gầm cầu, và đôi khi, nếu bị cảnh sát bắt, trong các “hắc lao” – các trại giam nằm ngoài vòng pháp luật, nơi họ có thể bị đánh đập, tra tấn, hoặc nếu là phụ nữ, bị cưỡng hiếp, mà không được luật pháp bồi thường gì cả.

Các hắc lao được dựng lên bởi các cơ quan chính quyền cấp tỉnh để tìm cách ngăn chặn những người đi khiếu kiện ở khu vực của họ đến Bắc Kinh, từ đó duy trì ‘sự sủng ái’ đối với các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Xu Chongyang có một thân nhân đang sống ở Mỹ và ông đã đi khiếu kiện trường hợp của mình trong hơn 10 năm qua.  Ông Xu nói ông đã bị cướp nhà và của cải hơn 10 năm trước.  Thế nhưng khi đến Bắc Kinh để khiếu kiện, ông đã bị đưa trở lại quê mình bởi nhà chức trách, vì chính quyền nói rằng ông là một học viên Pháp Luân Công.  Ông đã bị lột hết quần áo, giam trong xà-lim, và bị bức thực bằng nước tiêu cay.

Chính vì vậy, ông đã trải qua những kinh nghiệm trực tiếp về sự thối nát trong chính quyền và hiểu được nỗi khổ của những người dân thường.  Ông nhận xét rằng chế độ không còn có thể ngăn chặn tham nhũng được nữa.  Ông cảm thấy rằng chính quyền đã mất đi quyền lực, khả năng trị nước và đã gần như sụp đổ.

Những người khiếu kiện vô gia cư ngủ ở trong đường ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Những người quan sát ở Bắc Kinh để ý thấy rằng những nhóm người khiếu kiện vô gia cư, từ khoảng hơn chục người, và ở một số khu vực lên tới hàng trăm người, sống trên đường phố dưới cầu vượt Ga tàu hỏa Nam Bắc Kinh, gần Văn phòng Khiếu nại Nhà nước và công viên Taoranting ở phía nam Bắc Kinh.

Vào ngày 16 và 19 tháng 8, một phóng viên của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) đã phỏng vấn những người khiếu kiện vô gia cư đang ngủ gần Ga tàu hỏa Nam Bắc Kinh và có được một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống của họ.

Ông Song Xili, một người khiếu kiện 60 tuổi đến từ tỉnh Hắc Long Giang, đã bị từ chối thủ tục về hưu ở tuổi 55, và hiện nay sau 5 năm, trường hợp của ông vẫn chưa được giải quyết.  “Tôi đã ngủ trên đường phố 2 tháng rồi, và không biết khi nào tôi mới nhận được bữa ăn tiếp theo đây,” ông nói.

Bà Jiang Meixiang, 52 tuổi, từ tỉnh Chiết Giang đến Bắc Kinh năm 2008 để phản đối các vấn đề cưỡng bức phá dỡ nhà, nhưng trường hợp của bà vẫn chưa được giải quyết. Họ chuyển đi chuyển lại trường hợp của bà giữa Bộ Lao động và Bộ Xây dựng.  Hiện bà đang sống trên đường phố Bắc Kinh và chuẩn bị ngủ qua đêm tại Gia tàu hỏa Nam Bắc Kinh.

Vào hôm 16 tháng 8, đêm Lễ Tình nhân của Trung Quốc, khi các đôi trai gái thường hẹn hò nhau theo truyền thống Trung Quốc, thì một người phụ nữ từ tỉnh Hồ Bắc đang ngủ trên đường dưới ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Bà nói rằng bà đến Bắc Kinh để khiếu kiện bởi vì nhà bà đã bị cưỡng chế phá dỡ.  Quyết tâm theo đuổi vụ kiện lâu ngày không được giải quyết, bà đã buộc phải ở lại Bắc Kinh và tự kiếm sống nuôi thân bằng cách đi nhặt rác.

Bà Lu, 60 tuổi, từ Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đến Bắc Kinh để khiếu kiện việc từ chối bảo hiểm người cao tuổi của bà.  Bà nói, “Hôm nay lẽ ra phải là ngày đoàn tụ của tôi và chồng tôi, nhưng tôi lại phải ở đây để khiếu kiện.  Không có tiền để thuê khách sạn,tôi phải ngủ ở nơi màn trời chiếu đất.”

Những người đi khiếu kiện vô gia cư ngủ trên đường phố Bắc Kinh.

Ông Yan Yuguo, một người đàn ông làm cùng công ty bà Lu, nói rằng ông đến Bắc Kinh vì những vấn đề kế hoạch chăm sóc sức khỏe liên quan đến cải cách và tái cơ cấu xí nghiệp nơi ông làm việc trước kia.  “Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đến đây khiếu kiện, và khi hết tiền, tôi buộc phải ngủ lại trên đường phố.”

Ngủ bên cạnh ông Yan là một người đàn ông có tên là Bai Guanjian, người tự giới thiệu là công nhân tại một nhà máy sản xuất máy móc công nghiệp nhẹ ở thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm.  Ông đã bị bức hại vì vạch trần những bê bối của người thủ trưởng.  “Tôi đã đi khiếu kiện ở Bắc Kinh 5 năm rồi và trường hợp của tôi vẫn chưa được giải quyết.”

Cảnh sát đôi khi bắt đầu bắt người nếu có quá nhiều người khiếu kiện ngủ trên đường phố.  Bất chấp hàng xe cảnh sát ở gần đó có trang bị camera theo dõi, vẫn có ít nhất 100 người ngủ ngoài trời gần Ga tàu hỏa Nam Bắc Kinh mỗi đêm.

Theo các báo cáo, nhiều người khiếu kiện đã bị cảnh sát Bắc Kinh tấn công và bắt giữ.  Mặc dù họ không phải là tội phạm, nhưng một số đã bị bỏ vào tù hay trại lao động cưỡng bức chỉ vì các hoạt động đi khiếu kiện của mình.

Li Dagang là một người đi khiếu kiện như bao người khác.  Ngôi nhà do tổ tiên để lại của gia đình ông đã bị ĐCSTQ tịch thu và cho thuê khi đảng lên nắm chính quyền nhiều năm trước.  Ông đã bị kết án 2 năm vì tội “sở hữu bí mật nhà nước.”

Một người đi khiếu kiện vô gia cư ngủ trên lối đi dưới ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Người khiếu kiện, ông Du Mingong từ tỉnh Cát Lâm đã bị bắt 2 lần ở Bắc Kinh và bị đưa trở lại một trại lao động cưỡng bức ở Cát Lâm, nơi ông bị tra tấn nghiêm trọng.

Những người đi khiếu kiện vô gia cư ở Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với mối nguy hiểm bị chính quyền bắt giữ và đánh đập.  Hơn nữa, nhiều người đã bị chết do bị rét và bệnh tật trong những tháng mùa đông.

Chế độ khiếu kiện là độc nhất vô nhị chỉ có ở Trung Quốc.  Sau khi bị chấm dứt khi nhà Thanh sụp đổ năm 1912, những người cộng sản đã tái thiết lập nó, với những thay đổi quan trọng, sau năm 1949.  Chế độ này có mục đích là một cơ chế ở bên ngoài hệ thống tòa án để các công dân tìm kiếm sự bồi thường chống lại những viên chức thối nát, những phán quyết tòa án bất công, hay những mối bất bình khác vẫn chưa được giải quyết ở cấp địa phương.

Trên thực tế, có rất ít mối oan khuất được giải quyết thông qua khiếu kiện, mặc dù cơ chế này vẫn là hy vọng cuối cùng cho nhiều người tìm kiếm công lý.

Theo The Epoch Times

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc