Home » Thế giới » Đường đến trường đáng sợ của học sinh vùng cao Trung Quốc
Con đường đi học của những đứa trẻ sống ở vùng hẻo lánh ở miền núi phía tây nam Trung Quốc này thuộc loại khủng khiếp. Cứ mỗi hai tuần, những học sinh từ 6 – 15 tuổi trú ở thôn A Thổ Lặc Nhĩ, huyện Chiêu Giác, châu tự trị dân tộc Di, tỉnh Tứ Xuyên, lại bắt đầu hành trình gian khổ từ ký túc xá về nhà. Chúng phải vượt qua đoạn vách núi thẳng đứng bằng thang mây với độ cao hơn 800 mét.

Thôn A Thổ Lặc Nhĩ có 72 hộ dân, mỗi phiên chợ, khi người dân trong thôn đến vùng bên cạnh buôn bán là họ phải vượt qua đoạn dốc nguy hiểm này. Một người bản địa cho biết, để leo lên hết đoạn núi mất khoảng 2 tiếng, còn leo xuống mất 90 phút. Cái thang mây này có tuổi đời khoảng 200 năm, tương đương với tuổi của thôn trang. Khi người dân làng thấy có đoạn thang nào có dấu hiệu bị hư hỏng thì họ phải nhanh chóng sửa chữa.

Một quan chức địa phương cho biết, số người đã bị ngã chết là 78 người, còn bị thương thì rất nhiều.

Hình ảnh hơn mười trẻ em thôn A Thổ Lặc Nhĩ đi học được công bố đã gây chấn động. Chính quyền địa phương lên tiếng, “sẽ sớm làm cho người dân một cái thang thép chắc chắn tạm thời”. Họ cũng dự tính sau này sẽ xây dựng một con đường lộ để mở mang du lịch và phát triển kinh tế, nhưng có lẽ đây là kế hoạch còn xa đối với vùng đất nghèo khó này.

(Ảnh: Getty Image). Đường đến trường
Con đường đến trường khủng khiếp (Ảnh: Getty Image).

Một cán bộ địa phương cho biết, trước đây từng có một đường cáp treo đi xuống núi, nhưng vì chạy tốn quá nhiều điện nên không dùng nữa, sau đó đường cáp treo đã bị dỡ bỏ.

Phóng viên ghi hình chia sẻ

Phóng viên Trần Kiệt của báo Tân Kinh nghe nói vào ngày 14/5 hàng tháng những trẻ em này sẽ trở về nhà, anh đã tham gia vào hành trình vượt núi cùng các em và ghi hình lại. Vào năm ngoái, hình ảnh về vụ nổ ở Thiên Tân do phóng viên này chụp từng được giải thưởng ảnh báo chí quốc tế.

Trần Kiệt chia sẻ với CNN: “Khi leo lên cảm giác đã vô cùng sợ hãi, thật không thể tưởng tượng leo xuống sẽ như thế nào.”

Phía dưới là vực thẳm, chỉ cần sơ xẩy là có thể rơi xuống thiệt mạng (Ảnh: Getty Image). Đường đến trường
Phía dưới là vực thẳm, chỉ cần sơ xẩy là có thể rơi xuống thiệt mạng. (Ảnh: Getty Image)

Trần Kiệt nói, chứng kiến cảnh tượng này anh chợt liên tưởng so sánh với trẻ em nhà giàu ở Bắc Kinh. “Hãy tưởng tượng, một phụ huynh ở thành thị chỉ thấy con mình vất vả một chút là bất an, không vui, nhưng bọn trẻ này phải đối diện với cả vực thẳm khổng lồ, chúng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.”

Quan chức địa phương cho biết, có 78 người đã bị rơi chết, còn người bị thương thì không tính hết (Ảnh: Getty Images). Đường đến trường
Quan chức địa phương cho biết, có 78 người đã bị rơi chết, còn người bị thương thì không tính hết. (Ảnh: Getty Images)

Anh Trần Kiệt cũng cho biết, các em dường như không thấy sợ, chỉ có một em nói cảm thấy sợ trong một lần chứng kiến người bạn bị rơi xuống.

Hơn 100 triệu người dưới mức nghèo

Theo hãng tin AP, cảnh nghèo khổ của thôn dân A Thổ Lặc Nhĩ cho thấy khoảng cách lớn giữa phát triển kinh tế giữa Trung Quốc hiện nay và phương Tây. Theo thông tin của chính quyền Trung Quốc, sau khi thực hiện cải cách kinh tế vào thập niên 80, Trung Quốc có 700 triệu người thoát nghèo, nhưng vẫn còn khoảng 10% dân số dưới mức nghèo.

Theo AP, đa số những người dân nghèo khổ nhất ở Trung Quốc là những dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới hoặc dân du mục hay nông dân vùng núi phía tây nam. Tại những vùng này, đường giao thông chính để người dân làng kết nối với thế giới bên ngoài thường là cầu treo, thuyền gỗ, thang treo…

Theo The Guardian, mức sống của người dân thôn A Thổ Lặc Nhĩ chưa tới 1 Đô la Mỹ/ ngày. (Ảnh:
Theo The Guardian, mức sống của người dân thôn A Thổ Lặc Nhĩ chưa tới 1 Đô la Mỹ/ ngày. (Ảnh: Getty Images)

Lớp người nghèo mới ở đô thị

Có chuyên gia nhận định, con số người nghèo mà nhà nước Trung Quốc tính là chưa kể “lớp người nghèo mới ở đô thị”. Lớp người nghèo này xuất hiện vào thập niên 90 sau khi hàng chục triệu công nhân phải nghỉ việc.

Giáo sư Dorothy Suolin Jie thuộc khoa Chính trị Đại học California chia sẻ với The Guardian, bà tin hiện có khoảng 40 triệu người dân thành thị ở Trung Quốc sống dưới mức nghèo. Bà nói, nhiều đô thị nghèo thường không muốn công khai thông tin này. Chính quyền có hỗ trợ tài chính để làm yên lòng họ, nhưng không giúp cho họ thoát nghèo được. Họ chỉ được giúp đỡ để có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu.

Tinh Vệ biên dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc