Home » Sức khỏe » Thấy gì từ vấn nạn tiêm nhầm vắc xin hiện nay
Những năm gần đây nổi lên vấn đề tiêm nhầm vắc xin, gây hoang mang và mất niềm tin của người dân đối với Ngành Y tế, cùng điểm lại những trường hợp gần đây và cùng nhìn xem nguyên nhân xuất phát từ đâu.

31 Thai phụ bị tiêm nhầm vắc xin

Sự việc gần đây nhất là 31 thai phụ bị tiêm nhầm vắc xin vào ngày 20/12 ở Bắc ninh, trong đợt tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, y sỹ Nguyễn Quyết Thắng (Phó trạm trưởng Trạm y tế xã, cán bộ chuyên trách chương trình tiêm chủng) đã tiêm nhầm vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) cho 31 phụ nữ có thai từ 14 đến 32 tuần thay vì tiêm vắc xin AT (uốn ván).

Sau đó y sỹ Thắng không hề biết đã tiêm nhầm, cho đến khi y sỹ khác tên Loan dọn dẹp mới phát hiện sự nhầm lẫn qua vỏ thuốc.

Sau sự việc trên nhân viên y tế khẳng định rằng sự cố tiêm nhầm thuốc này không ảnh hưởng gì đến thai nhi, tất nhiên những giải thích như thế không thể làm nạn nhân hết lo lắng.

60 trẻ em bị tiêm nhầm nước cất

Vào ngày 27/10/2014 tại Trường Mầm Non Sao Mai, Tp Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp, có 60 trẻ em tại đây bị tiêm nhầm nước cất thay vì vắc xin sởi rubella.

Cán bộ tiêm chủng khi lấy vắc xin chỉ thấy các ống dung dịch nước cất, không để ý các lọ vắc xin nằm ở đáy. Vì thế, cán bộ đã tiêm nước nước cất thay vì tiêm vắc xin. Khi cán bộ giám sát phát hiện thiếu sót thì 60 cháu đã được tiêm.

Sở Y tế Đồng Tháp đã lên tiếng xin lỗi về chuyện này. Rất may dung dịch tiêm nhầm là nước cất nên không gây hậu quả nghiêm trọng.

3 trẻ em bị tử vong do tiêm nhầm thuốc độc

 tre em mat

Người thân đau buồn trước cái chết của các bé – ảnh zing

Sự việc diễn ra vào T7/2013 Tại Quảng trị, công an tỉnh đã vào cuộc điều tra nhưng phải mãi tận đến T5/2014 mới có kết quả.

Theo kết quả điều tra thì y tá Nguyễn Thị Thuận nhận y lệnh của bác sĩ đã viết 3 phiếu tiêm chủng vắcxin viêm gan B rồi đến phòng khám của bệnh viện lấy vắcxin.

Thời điểm này, bệnh viện mất điện nên bà Thuận dùng ánh sáng điện thoại di động để lấy 3 lọ thuốc. Bà Thuận “xạc” thuốc vào 3 bơm kim tiêm đặc chủng rồi lần lượt tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.

Ít phút sau, gia đình của 3 trẻ sơ sinh kêu cứu, 2 trẻ được đưa lên phòng đơn nguyên để cấp cứu. Lúc này, bà Thuận nghĩ tiêm nhầm thuốc nên chạy đến tủ lạnh phòng khám lấy hộp đựng 3 lọ thuốc trước đó đã tiêm cho 3 trẻ sơ sinh, đồng thời lấy thêm 3 lọ vắc xin viêm gan B đổ hết thuốc ra rồi bỏ vỏ lọ vào sọt rác, đồng thời vứt vỏ 3 lọ thuốc tiêm nhầm ra gốc cây nhãn ở khoa sản bệnh viện.

Xem hộp thuốc tiêm nhầm, bà Thuận thấy ngoài hộp ghi chữ “Thuốc độc” bằng bút lông, vỏ hộp có in nhãn nhưng không biết tiếng Anh nên bà Thuận không rõ đây là thuốc gì. Bà Thuận vò hộp thuốc vứt ra ngoài cửa sổ rồi bồng trẻ thứ 3 lên phòng đơn nguyên cấp cứu nhưng cả 3 trẻ tử vong.

Kết quả điều tra xác định, thuốc bà Thuận tiêm nhầm là Esmeron – loại thuốc giãn cơ, dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc do bác sĩ gây mê Lê Huỳnh Sơn gửi vào tủ lạnh phòng khám để bảo quản. Trước khi gửi, bác sĩ Sơn đã lấy bút lông viết ngoài vỏ hộp chữ “Thuốc độc”, thời gian gửi từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2013.

Nhầm dung dịch phun sương là nước cất

Vào ngày 25/7, một cháu bé 7 tháng tuổi, nằm điều trị viêm phổi và nhiễm trùng tiêu hóa tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Phương Châu.

Tới sáng 31/7, điều dưỡng tưởng thuốc dùng để phun sương là nước cất nên truyền cho cháu.

Ngay sau đó, cháu bé quấy khóc, da nổi bông tím, được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng Tp. Cần Thơ cấp cứu. Nữ điều dưỡng tiêm nhầm cho cháu bé đã bị đình chỉ công tác.

Thử đi tìm nguyên nhân

Đó là những vụ việc điển hình tiêm nhầm vắc xin thời gian gần đây

Có một điểm chung ở các vụ tiêm nhầm vắc xin là khi truy cứu trách nhiệm thì chỉ có y tá hay y sỹ trực tiếp tiêm cho bệnh nhân là phải chịu trách nhiệm, chưa hề thấy một vụ việc nào mà trách nhiệm là của cả một trạm y tế hay cả bệnh viện. Cũng chưa thấy ai đứng ra nói rằng đó là trách nhiệm của ngành y tế, hay do quy trình tiêm vắc xin chưa hợp lý.

Trong vụ việc 3 trẻ em bị tử vong do tiêm nhầm vắc xin ở Quảng trị, sự việc diễn ra là T7/2013, nhưng mãi đến T5/2014 công an mới điều tra xong vụ việc, và kết quả của 10 tháng điều tra cũng vẫn chỉ có y tá Thuận, người trực tiếp tiêm là bị trách nhiệm. Một sự việc mà phạm vi điều tra không nhiều, mà phải tới 10 tháng điều tra chỉ để ra một kết quả là người trực tiếp tiêm chịu trách nhiệm cũng gây cho nhiều người suy đoán có gì không bình thường.

Sau cái chết thương tâm của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị, khi được hỏi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hăng hái phát biểu: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…”

Phát biểu trên của bà Bộ Trưởng được lọt vào TOP các phát biểu hài hước nhất của quan chức Việt.

Một lần khác Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 diễn ra hồi tháng 6/2013, khi trả lời các nhà báo về vấn đề quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, bà Bộ trưởng Y tế đã trả lời rằng: “Thiếu giường bệnh thì…phải hỏi Nhà nước”.

Phát biểu hài hước cho thấy rằng Ngành Y tế hiện nay, mỗi khi có vấn đề xảy ra thì đều đổ trách nhiệm cho nhau, không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Có lẽ chính vì lẽ này mà từ năm ngoái đến nay có rất nhiều ý kiến đề nghị bà Kim Tiến từ chức Bộ trưởng. Một nhóm người đã lập trang facebook mang tên “Bộ trưởng Bộ Y tế hãy từ chức”, đến ngày 31/12/2014 đã có 118.533 fan, kèm một danh sách 11.540 người đứng tên đề nghị bà Tiến từ chức (link danh sách).

Trong Ngành Y nước nhà Hải Thượng Lãn Ông là một tấm gương sáng về ‘lương Y như từ mẫu’, những lời giáo huấn của ông còn lưu truyền đến nay: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”

Ngành Y tế là ngành nắm giữ sức khỏe và tính mạng của người dân, vì thế mà các y bác sỹ cần phải là những người làm việc có trách nhiệm, có ý thức được tầm quan trọng việc mà mình đang làm. Thế nhưng có những nhầm lẫn không hẳn nằm ở kiến thức mà là ở sự cẩu thả vô trách nhiệm

Chừng nào ngành Y tế vẫn còn tình trạng tìm cách từ chối trách nhiệm và đẩy cho nhau, không có biện pháp cải tiến quy trình tiêm vắc xin, cũng như quản lý bổ sung kiến thức cho đội ngũ y bác sỹ, tình trạng cẩu thả còn tồn tại thì tình trạng tiêm nhầm thuốc và những cái chết thương tâm sẽ vẫn còn xảy ra./.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc