Dưỡng sinh đúng cách chú trọng vào phương pháp hít thở. Hoàng đế Nội Kinh có viết: “Vạn bệnh xuất hiện trên đời đều sinh ra bởi khí. Tất cả những nhân tố ảnh hưởng đến sự vận hành của khí đều khiến người sinh bệnh”. Tại sao ngày nay, khi chúng ta được sống hết mình với công việc yêu thích, được dành thời gian tán gẫu với bạn bè, được ăn uống và chăm sóc sức khỏe tử tế, mà đâu đó trong tâm ta vẫn luôn cảm thấy “thở chẳng ra hơi”
>> Đạo dưỡng sinh (Kỳ 1) – Tổng quan về dưỡng sinh và thịnh-suy của cơ thể theo độ tuổi
Trong kinh “Tứ Thập Nhị Chương”, có kể câu chuyện Đức Thích Ca hỏi đệ tử: “Sinh mệnh con người sống trong bao lâu?”
Có vị đáp “trong vài năm”, có vị lại đáp “trong một ngày”, cũng có vị trả lời chỉ “trong một bữa ăn”…
Cuối cùng, Phật Thích Ca nói: “Sinh mệnh của con người nằm trong hơi thở”.
Trong “Hoàng đế nội kinh” cũng viết: “Vạn bệnh xuất hiện trên đời đều sinh ra bởi khí. Tất cả những nhân tố ảnh hưởng đến sự vận hành của khí đều khiến người sinh bệnh”.Người xưa nhắc đến “Sự vận hành của khí” ấy, liệu có bao gồm cả hô hấp của con người hay không?
Đại đa số chúng ta thường coi nhẹ tầm quan trọng của hơi thở, bởi mỗi thời mỗi khắc chúng ta đều đã trong vô thức mà hít thở từ khi sinh ra, vậy nên không chú ý nhiều tới nó. So sánh với ăn uống, một người trung bình có thể nhịn ăn 3 tuần, có thể nhịn nước 3 ngày, còn nhịn thở khoảng 3 phút thì thông thường là đã không thể chịu nổi!
Hít thở như thế nào là đúng trong dưỡng sinh?
Việc hít thở được xếp vào bậc “trung học” của dưỡng sinh, cao hơn cả những phương pháp thực dưỡng. Khoa học hiện đại cũng nhìn nhận: toàn bộ quá trình vận hành của cơ thể đều cần tới oxy. Sự thiếu hụt oxy sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, uể oải tinh thần… Từ xưa đến nay, những người hít thở đúng cách đều luôn có một sức khỏe dẻo dai và tinh thần minh mẫn.
Có một sự thật, chúng ta đều biết hít thở đúng cách từ khi sinh ra, nhưng lớn lên thì quên mất. Quan sát các em nhỏ dưới 2 tuổi cho thấy, vùng bụng nhô lên xẹp xuống theo từng nhịp thở. Còn với người lớn, sự chuyển động của hô hấp chủ yếu lại nằm trên vùng ngực.
Sự khác biệt này được giải thích là: khi con người bắt đầu làm quen với việc đi đứng, hoạt động vững vàng với hai chân, thì cũng vào lúc này, hoạt động của phổi bắt đầu có xu hướng dịch chuyển từ 1/3 lá phổi dưới đi lên trên. Điều này vô hình đã khiến phổi hoạt động không được tối ưu, việc hít thở vì vậy mà cũng không làm được hết công suất.
Phương pháp hít thở đúng cách
Hít thở đúng cách đòi hỏi phải đáp ứng được hai yếu tố:
- Thở bằng bụng: khi hít vào thở ra, vùng bụng và phần dưới của ngực có nhô lên xẹp xuống;
- Toàn thân thả lỏng: phần vai xuôi tự nhiên; ngực, lưng, và chân tay thả lỏng.
Trong trường hợp để trí não có thể tập trung vào hơi thở, thì cần thêm yếu tố thứ ba:
- Thở ra chậm hơn hít vào (trái với thở tự nhiên thông thường)
Theo Trung Y, vùng bụng có 8 kinh 1 mạch đi qua, gồm tứ kinh: Can, Vị, Tỳ, Thận đối xứng hai bên, ngoài ra còn mạch Nhâm nằm giữa – đây đều là những kinh mạch trọng yếu của cơ thể. Thở bằng bụng sẽ giúp kích hoạt các kinh mạch vận hành – tất nhiên cũng giúp điều tiết oxy và cacbonic, cơ thể theo đó trở nên lưu thông và cải thiện sức khỏe một cách đáng kể.
Tư thế nào là phù hợp?
Hiện nay có rất nhiều các phương pháp và hướng dẫn tư thế tập thở, chúng đều có một điểm chung là sử dụng phần dưới của phổi để hô hấp (thở bằng bụng). Tuy đều mang lại lợi ích nhất định, nhưng chúng ta cũng chỉ nên tập giới hạn hai tiếng mỗi ngày.
Theo cuốn The Oxygen Advantage của tác giả Patrick Mckeown: khi oxy đạt tới điểm bão hòa, việc thải ra quá nhiều cacbonic [ngược lại] sẽ dẫn tới hội chứng suy thở, gây chóng mặt, thậm chí bất tỉnh đột ngột; cho nên chúng ta vẫn phải hít thở theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, và chú ý để tập làm quen dần với cách thở đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, có một tư thế mà người xưa và cả các nghiên cứu khoa học hiện đại đều đã thừa nhận là hoàn hảo: tư thế kiết già, hay còn gọi là thiền định.
Trong các môn khí công tu luyện thuộc Phật gia hiện nay thì phương pháp ngồi thiền luôn được yêu thích và đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe – đặc biệt khi biết kết hợp giữa thiền định đúng cách và rèn luyện tâm tính. Với nhiều hiệu quả ưu mỹ cho cả sức khỏe và tâm tính như môn khí công là Pháp Luân Công.
‘Ngồi thiền là con đường để trường sinh bất lão’
Theo Danh y triều đại nhà Đường Tôn Tư Mạc, thuật dưỡng sinh cần điều hòa đủ ba yếu tố: thân thể, hơi thở, và nhịp tim. Các yếu tố này có thể đạt được thông qua: thiền định, điều tức, và nhập tĩnh. Vị quan văn võ song tài nổi tiếng thời Minh Vương Dương Minh cũng từng nói: “Ngồi thiền là con đường để trường sinh bất lão”.
Nghiên cứu từ trường Đại học Trinity College Dublin, dẫn đầu bởi tác giả Michael Melnychuk cũng cho thấy: sau một thời gian luyện tập ngồi thiền, chúng ta có thể dồn sự tập trung của mình vào những công việc khác; hay cũng có thể nói: đây là lúc bạn đang vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp hiệu quả công việc được cải thiện.
Giải thích theo Trung Y, khi cơ thể được đặt vào trạng thái lý tưởng, kinh mạch được khai thông, âm dương cân bằng, năng lượng sẽ được tăng cường khắp lục phủ ngũ tạng cùng não bộ, từ đó giúp tăng khả năng tập trung và nhận thức.
Quốc y đại sư Trung Quốc, Giáo sư Đặng Thiết Đào luôn dành mười phút mỗi sáng để ngồi thiền, hít thở đều và sâu để cơ thể được nghỉ ngơi tốt, đồng thời tái tạo, sinh trưởng, và khỏe mạnh lâu dài.
Ông cũng nói: kể cả đạt được hiệu quả làm việc như trên, thì chúng ta cũng không thể ép não bộ liên tục làm việc với năng suất cao trong thời gian dài được; vì vậy khi áp dụng phương pháp này cũng cần sự phân bổ hợp lý. Giáo sư Đào hiện nay cũng đã 101 tuổi.
Kết
Trung Y từ xưa đã cho rằng: “Khí huyết đủ, kinh mạch thông” là điều kiện cần và đủ để đạt được sức khoẻ dồi dào và trường sinh bất lão. “Kinh mạch thông” có thể đạt được qua tập luyện khí công đúng cách. Còn “khí huyết đủ” sẽ được đề cập tới trong kỳ tiếp theo…
Hoàng Hoa
Theo ntdvn.com
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!