Nghiên cứu gần đây cho thấy tập luyện thể lực quá mức có thể gây hại và khiến cơ thể lão hóa sớm. Trong khi, thiền định hay khí công lại giúp cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời tăng cường khả năng sáng tạo, trí nhớ và thông minh.
Tập thể dục có thể tăng cường trao đổi chất, đẩy nhanh quá trình phân chia tế bào và thay thế các tế bào đang dần già đi, giúp cơ thể luôn ở trạng thái tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, số lượng phân chia tế bào có giới hạn. Vì vậy, nếu chúng ta tập thể dục với cường độ cao, quá mức thì có thể gia tăng quá trình lão hóa, làm giảm tuổi thọ.
Trao đổi chất và quá trình lão hóa
Một phát hiện có liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể là telomere. Nó là một đoạn DNA có trình tự (TTAGGG) lặp lại nhiều lần ở đầu mỗi nhiễm sắc thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, sao chép, kiểm soát sự phát triển, quá trình tự chết (apoptosis) và tuổi thọ của tế bào. Độ dài của telomere quyết định tuổi thọ của con người, nếu càng ngắn thì tuổi thọ con người càng giảm, quá trình lão hóa sẽ đến sớm. Độ dài này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có thể liên quan đến quá trình trao đổi chất.
Tiến sĩ Joel Fuhrman đã viết trong một bài đăng trên blog: “Quan niệm phổ biến hiện nay là quá trình trao đổi chất nhanh đồng nghĩa với rất tốt vì nó khiến bạn giảm cân. Tuy nhiên, sự trao đổi chất nhanh không có nghĩa là bạn khỏe mạnh, trên thực tế, nó có thể khiến bạn già đi nhanh hơn“.
Ông trích dẫn kết quả từ một nghiên cứu do Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan thực hiện. Trong đó, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều anh chị em trong một gia đình sống trên 90 tuổi có quá trình trao đổi chất giảm liên quan đến việc giảm hoạt động của tuyến giáp.
Một nghiên cứu khác từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ thực hiện trên 600 tình nguyện viên cho thấy, những người có tốc độ trao đổi chất nhanh cũng già đi nhanh hơn. Các nghiên cứu trước đó trên động vật cũng cho kết quả tương tự. Động vật nào có quá trình đốt cháy calo nhanh chóng thì có tuổi thọ ngắn hơn động vật chuyển hóa thức ăn từ từ thành calo.
Trước đó, trên tạp chí Clinical Endocrinology & Metabolism, Reiner Jumpertz cho biết trong nghiên cứu của mình, họ đã phát hiện trong trường hợp bình thường không tập thể dục, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể nhiều hơn liên quan đến khả năng chết sớm vì các cơ quan bị hao mòn nhanh hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu không khám phá liệu sự gia tăng tỷ lệ trao đổi chất khi tập thể dục có liên quan đến tuổi thọ hay không.
Phong Lợi Lợi, giáo sư miễn dịch học nổi tiếng tại Đại học Y Baylor ở Houston (Mỹ), đã sử dụng nghiên cứu của mình về sự phân chia tế bào và phân tử để phân tích sâu hơn nguyên tắc này. Trong một bài phát biểu tại Đại học Harvard, GS Phong Lợi Lợi cho biết số lần phân chia tế bào của con người trong một đời là có hạn, và để duy trì phong độ thi đấu cao, một vận động viên cần phải luôn giữ cơ thể ở trạng thái tốt nhất.
Do đó, tập thể dục liên tục sẽ rút ngắn thời gian sống của các tế bào do chúng nhanh chóng được thay thế bằng các tế bào mới. Điều này khiến các tế bào mới tạm thời hưng phấn và mạnh mẽ, nhưng phải đánh đổi việc hệ thống miễn dịch bị suy giảm do quá trình trao đổi chất. Hậu quả khiến tuổi thọ bị rút ngắn theo. Do đó, chúng ta thường thấy một số vận động viên trẻ có vẻ già dặn hơn so với tuổi thực của họ.
Một cách rèn luyện sức khỏe khác hiện đang rất phổ biến trên thế giới là thiền định hay khí công. Đã có vô số báo cáo về lợi ích của nó đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trong những năm gần đây. Thiền định, khí công đang là xu thế ở các nước phương Tây, các chuyên gia y tế khuyến khích người dân luyện tập để giúp cải thiện sức khỏe cũng như tăng cường khả năng sáng tạo, trí nhớ và trí thông minh.
Nguyên lý dưỡng sinh phương Đông
Sở dĩ việc luyện khí công ngày càng được nhiều người quan tâm bởi nó hoàn toàn trái ngược với tập thể dục. Khi luyện khí công, số lần phân chia tế bào giảm dần, thậm chí thấp hơn nhiều lần so với người bình thường. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ của tế bào, đồng thời kéo dài tuổi thọ con người.
Hồ Nãi Văn, một bác sĩ Đông y nổi tiếng ở Đài Loan cho biết, chạy và bơi lội là những bài tập luyện với cường độ tương đối cao, có thể tăng tốc độ trao đổi chất, làm cho cơ bắp chắc và khỏe hơn, đồng thời khiến người ta trông tràn đầy năng lượng hơn. Tuy nhiên, trao đổi chất nhanh hơn có nghĩa là phân chia tế bào nhanh hơn, sau một thời gian tế bào không còn có thể phân chia nữa, khi đó lão hóa sẽ xuất hiện.
Hoa Đà, một danh y thời Trung Quốc cổ đại cho rằng, thân cần siêng năng lao động, nhưng không quá mức. Có nghĩa là, phải có phương pháp tập thể dục đúng đắn, vì vậy, Đông y không bao giờ khuyên chúng ta phải tập thể dục với cường độ cao và nhanh. Ví dụ, Ngũ Cầm Hí của Hoa Đà, Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong đều là những động tác chậm.
Chuyển động chậm rãi sẽ khai thông các kinh mạch trong cơ thể. Bác sĩ Đông y Hồ Nãi Văn cho biết, nếu kỳ kinh bát mạch hoặc mười hai kinh mạch được khai thông thì toàn bộ cơ thể sẽ ở trong tình trạng tốt.
Thiền định giúp kéo dài tuổi thọ tế bào
GS Phong Lợi Lợi cho biết, hệ thống thần kinh tự chủ có hai loại: hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Chúng thường loại trừ lẫn nhau. Khi con người nhìn thấy biển, rừng bao la, hay nghe được những bản nhạc hay, thì chính thần kinh phó giao cảm sẽ đóng vai trò chủ đạo. Trong khi con người bị kích động lại liên quan đến hệ giao cảm. Nhiều bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường,… đều ít nhiều liên quan đến thần kinh giao cảm hoạt động quá mức. Vì vậy, nếu con người không tìm cách tự mình kiểm soát và ổn định nội tâm thì thần kinh giao cảm của họ sẽ ở trạng thái hưng phấn một phần. Điều này sớm muộn cũng sẽ khiến họ phát bệnh.
Nhưng khi bạn ngồi thiền mà tâm tĩnh lại được thì tự nhiên dây thần kinh giao cảm sẽ giảm kích thích, đồng thời dây thần kinh phó giao cảm sẽ hưng phấn. Khi đó, nhịp tim giảm xuống, nhưng máu lưu thông vẫn dồi dào. Do mạch máu bớt căng nên lượng oxy đầy đủ, đây là trạng thái rất tốt của cơ thể. Ngay khi sự trao đổi chất giảm xuống, các tế bào sống lâu hơn.
Với sự điều tiết của các dây thần kinh phó giao cảm, cùng với sự cân bằng nội môi theo thời gian, hệ thống tim mạch ở trạng thái tốt nhất, có thể mang lại một môi trường rất tốt cho các tế bào. Duy trì môi trường này trong thời gian dài, rất ít chất oxy hóa được tạo ra. Đây là những chất gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình.
GS Phong đã công bố một trong những nghiên cứu của mình, trong đó 12.000 gen được chiết xuất từ tế bào của các học viên khí công. Nghiên cứu đã phát hiện trao đổi chất và số lượng bạch cầu trung tính đã giảm đáng kể. Thông thường, các bạch cầu trung tính của một người bình thường có thể tồn tại từ 9 đến 12 giờ và cần tủy xương bổ sung số lượng mỗi ngày. Tuy nhiên, ở học viên luyện khí công, tuổi thọ của tế bào này có thể được kéo dài gấp 3 đến 4 lần người bình thường, do đó sự trao đổi chất của nó được giảm bớt, giúp họ khỏe mạnh hơn.
GS Phong giải thích chỉ lấy bạch cầu trung tính làm đại diện, trong cơ thể người còn có rất nhiều tế bào, nếu tốc độ trao đổi chất của mỗi tế bào giảm xuống thì thời gian tồn tại của nó sẽ được kéo dài. Đây là một quá trình tiết kiệm năng lượng giúp tủy xương không bị lão hóa một cách nhanh chóng.
Do đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu một người có thể bình tĩnh và thực sự đạt được trạng thái tĩnh tại thì lúc này cơ thể đang ở trạng thái thoải mái nhất.
Thiện Đức
Theo ntdvn.net
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!