Home » Thế giới » Trung Quốc kiểm duyệt từ khóa ‘phong trào dân chủ’ ở Hồng Kông
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đại lục lo ngại sức mạnh và tầm ảnh hưởng của làn sóng biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, nên đã tìm cách ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp cận được các thông tin này.
Những người biểu tình dùng điện thoại di động để thắp sáng đường phố bên ngoài Khu phức hợp Chính quyền Hồng Kông vào ngày 29/09/2014 tại Hồng Kông. Các thông tin về làn sóng biểu tình ở Hồng Kông đã bị chặn ở Trung Quốc Đại lục, nhưng nhiều người Trung Quốc đại lục vẫn lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ trên mạng Internet. (Chris McGrath / Getty Images)

Những người biểu tình dùng điện thoại di động để thắp sáng đường phố bên ngoài Khu phức hợp Chính quyền Hồng Kông vào ngày 29/09/2014 tại Hồng Kông. Các thông tin về làn sóng biểu tình ở Hồng Kông đã bị chặn ở Trung Quốc Đại lục, nhưng nhiều người Trung Quốc đại lục vẫn lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ trên mạng Internet. (Chris McGrath / Getty Images)

Cuộc biểu tình vào đêm chủ nhật đã thu hút sự chú ý của cả thế giới, khi cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay và bình xịt tiêu cay để giải tán hàng chục ngàn người biểu tình tại khu vực trung tâm thương mại để yêu cầu phổ thông đầu phiếu. Theo một tuyên bố của cảnh sát, họ đã sử dụng 87 bình xịt hơi cay để bắn vào đám đông.

Một cư dân mạng Trung Quốc đã nêu lên những quan ngại của chính quyền Trung Quốc trong một bài viết của mình.

Đại Chiêu Quân, đến từ tỉnh Quảng Đông viết rằng “Người ta có thể nhận thấy chế độ độc tài của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua sự kiện bất tuân trong hòa bình của người dân Hồng Kông”. “Chính quyền sử dụng bạo lực để đàn áp quyền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông. Điều này khiến người dân Hồng Kông, người dân Trung Quốc đại lục, và cả thế giới vô cùng thất vọng.”

“Các nhà độc tài sẽ luôn luôn bị lật đổ, và dân chủ là tất yếu,” Đại viết thêm.

Theo một tác giả, bình luận viên đồng thời là cựu sinh viên của cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Trần Ba Khúng cho biết “Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn chặn tin tức về yêu cầu dân chủ ở Đài Loan và Hồng Kông. ĐCSTQ không muốn phong trào dân chủ tại Hồng Kông lan rộng đến Đại lục.”

“Họ không muốn dân chủ lan rộng ở Trung Quốc, vì như vậy người dân Trung Quốc cũng sẽ lên tiếng kêu gọi quyền dân chủ,” Trần nói trong một cuộc phỏng vấn điện thoại.

Ủng hộ mạnh mẽ

Bài viết của Đại được đăng tải trên một trang web bên ngoài Trung Quốc Đại lục có tên là “Weibo Tự do”. Đây là nơi lưu trữ các bài đăng trên Weibo – một trang Twitter- bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ.

Trên các trang mạng Internet vốn bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc không hề xuất hiện bất kỳ hình ảnh hoặc thông tin nào liên quan đến các sự kiện kịch tính xảy ra vào đêm chủ nhật, vốn được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông bên ngoài Trung Quốc.

Các cư dân mạng giống như Đại phải sử dụng phần mềm chống kiểm duyệt. Các sản phẩm như Freegate do Hãng Công nghệ Internet Năng động (Dynamic Internet Technology ) có trụ sở tại Mỹ sản xuất, cho phép người dùng “vượt tường” – đánh bại sự kiểm duyệt của “Great Firewall” và truy cập vào các trang mạng Internet bên ngoài Trung Quốc.

Bài viết của Đại là một trong số rất nhiều bài viết phản ứng trước sự kiện biểu tình ở Hồng Kông. Cuộc điều tra các bài viết trên Weibo Tự do cho thấy có hơn 1.000 bài viết về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bị gỡ bỏ trong vòng 8 tiếng rưỡi, từ 19h ngày 29/09 đến 15h30 ngày 30/09. Weibo Tự do không cho phép tìm kiếm sâu hơn nội dung của các bài viết do có hạn chế.

Trong khi một số bài viết chỉ đơn giản là hỏi thông tin, thì hầu hết đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào đêm chủ nhật khởi nguồn từ cuộc bãi khóa của sinh viên bắt đầu từ ngày 22/09. Các sinh viên biểu tình trong các trường đại học của họ và trong khu trung tâm thương mại của Hồng Kông kêu gọi quyền phổ thông đầu phiếu, là nguyên tắc mỗi người một lá phiếu.

Vào năm 1984, Tuyên bố chung Trung-Anh đã quy định các điều khoản để Vương quốc Anh trao trả Hồng Kông về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997, trong đó có điều khoản hứa cho phép Hồng Kông được quyền bầu cử dân chủ. Gần đây, Bắc Kinh đã hứa cho phép Hồng Kông được quyền bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu vào năm 2017.

Tuy nhiên, vào ngày 31/08, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc- cơ quan lập pháp của chính quyền Trung Quốc đã ban hành Quyết định quy định các ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2017 sẽ do một ủy ban bầu cử (do Bắc Kinh kiểm soát) lựa chọn.

Quyết định này được những người Hồng Kông ủng hộ dân chủ coi như một hành động thất hứa, và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình diễn ra ở Hồng Kông gần đây.

Phong trào “Chiếm đóng Trung tâm với Tình yêu và Hòa Bình” đã được tổ chức vào đầu năm nay, khởi nguồn cho sự bất tuân dân sự tại Hồng Kông nếu quyền phổ thông đầu phiếu không được thực thi. Phong trào bắt đầu tổ chức các sự kiện nhằm nỗ lực kêu gọi người dân Hồng Kông tham gia biểu tình cho phổ thông đầu phiếu.

Cuối tuần qua, hàng ngàn người Hồng Kông cùng với sinh viên bắt đầu các cuộc biểu tình tại khu thương mại trung tâm sầm uất của Hồng Kông.

Những người sáng lập Phong trào Chiếm đóng Trung tâm đã nắm bắt khoảnh khắc này để đẩy nhanh tiến trình phản đối của họ. Cuộc biểu tình diễn ra vào hôm chủ nhật thay vì vào đầu tháng 10 theo dự kiến. Trước đêm chủ nhật, hàng chục nghìn người tụ tập chật cứng tại các địa điểm biểu tình cho đến khi cảnh sát bắt đầu xịt hơi cay để giải tán đám đông.

Biểu tình ngày càng gia tăng

Mặc dù cảnh sát thành công trong việc giải tán các đám đông vào đêm chủ nhật, nhưng hành động của họ dường như càng thổi bùng khát vọng đấu tranh hòa bình của người dân Hồng Kông. Vào thứ hai vừa rồi, các tờ tin tức cho biết số lượng người tham gia biểu tình tại các địa điểm đông hơn rất nhiều so với hôm chủ nhật.

Lưu Hải, đến từ thành phố Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, phía đông nam của Trung Quốc, đã sử dụng phần mềm chống kiểm duyệt để đăng bài lên Facebook kêu gọi bên ngoài Trung Quốc ủng hộ cho Hồng Kông. Bài viết của cô phản ánh rõ rệt sự phấn khích thể hiện ở rát nhiều thông điệp đã bị kiểm duyệt: “Ủng hộ Hồng Kông! Nếu bạn [những người biểu tình] chậm trễ, thì tình hình hiện nay của chúng tôi sẽ là tình hình của các bạn trong tương lai!!! “

Trong các trang tin tức chính thức của Đại lục, có rất ít thông tin về Phong trào Chiếm đóng Trung tâm và các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, ngoại trừ các bài viết phê phán phong trào này là “hoạt động bất hợp pháp.”

Ứng dụng chia sẻ video và hình ảnh phổ biến Instagram có các thông tin liên quan đến cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bắt đầu bị chặn ở Trung Quốc Đại lục từ buổi chiều chủ nhật. Instagram giờ đây cùng với Facebook, Youtube, Twitter là những phương tiện truyền thông xã hội, hiện tại đã bị chặn ở Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Hoa Xuân Ánh, cảnh báo các quốc gia nước ngoài nên “thận trọng với lời phát biểu của mình”, “không được ủng hộ Phong trào Chiếm đóng Trung tâm”, và “không can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông,” trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Trong một tuyên bố cẩn thận vào chiều thứ hai, Phát ngôn viên báo chí của Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ ủng hộ phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông.

‘Đốm lửa nhỏ’

Theo Trần Ba Khúng, chính quyền Trung Quốc không biết nên phản ứng thế nào.

“Đảng Cộng sản không mong đợi có những cuộc biểu tình như vậy, đặc biệt Phong trào Chiếm đóng Trung tâm nổ ra rất mạnh mẽ”, Trần cho biết. “Họ nghĩ rằng có nhiều người bảo thủ trong đó, hoặc các nhóm có những quan điểm khác nhau, vì vậy họ không bao giờ nghĩ rằng sự phản đối lại mạnh mẽ đến vậy.”

“Họ đã không ngờ tới. Họ đang bị sốc, hoảng loạn, và không biết làm thế nào để đối phó với tình huống này. ”

Hằng Hòa, một nhà bình luận về Trung Quốc thường xuyên viết bài cho báo Đại Kỷ Nguyên, trong một email ông đã giải thích lý do tại sao ông tin rằng các cơ quan chức năng Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tình hình hiện nay ở Hồng Kông.

“Hiện nay, ĐCSTQ đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn có liên quan đến cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, một nền kinh tế sút kém và bất ổn xã hội”, Hằng Hòa nói. “Trung Quốc đang chờ đợi một biến chuyển lớn sẽ xảy ra.”

Ông Hằng cũng nói thêm “Củi khô ở khắp mọi nơi, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây ra một đám cháy lớn. Những gì ĐCSTQ lo ngại nhất chính là các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ khuyến khích người dân Trung Quốc làm điều tương tự “.

“Nếu người dân Trung Quốc yêu cầu thay đổi hệ thống chính trị và quyền lợi của mình, điều này có thể làm lung lay hoặc thậm chí vô hiệu hóa các quy định của ĐCSTQ.”

Với báo cáo bổ sung bởi Matthew Robertson.

Lu Chen

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc