Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » New Zealand ngăn cản một nhà đầu tư Trung Quốc mua đất nông nghiệp
New Zealand đã chặn lại một dự án mua đất của một công ty Hồng Kông, khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Một bộ phận công luận New Zealand lo ngại việc các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, mua đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác của nước này. Mặc dù không nói thẳng ra là quyết định kể trên bắt nguồn từ nỗi lo ngại trước người Trung Quốc, kể từ một tháng nay, Wellington đã siết chặt quy chế đầu tư và mua lại đất nông nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của New Zealand.

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của New Zealand. Nguồn: wikipedia

Theo La Croix hôm nay, đảo quốc New Zealand đã chặn lại một dự án mua đất của một công ty có mặt trên sàn chứng khoán Hồng Kông, khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngày hôm qua, theo khuyến nghị của Văn phòng đầu tư nước ngoài (OIO), chính phủ New Zealand đã từ chối đề nghị của nhóm Natural Dairy Holding, mua một khu đất nông nghiệp, hiện đang dùng sản xuất sữa, của một công ty New Zealand, với giá tiền là 200 triệu đô la New Zealand, tương đương 110 triệu euro, với lý do bên mua đất có khả năng bị phá sản, và những người chủ của Natural Dairy Holding không đáng tin cậy.

Công ty Hồng Kông này có ý định mua đất và cả nhà máy sản xuất hộp các-tông bảo quản sữa, để bán sữa New Zealand sang Trung Quốc. New Zealand vốn là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sữa, và ngành sản xuất này trong tương lai gần có khả năng phát triển mạnh vì nhu cầu sữa của châu Á đang tăng nhanh.

Tuy nhiên một bộ phận công luận New Zealand lo ngại việc các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, mua đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác của nước này. Mặc dù không nói thẳng ra là quyết định kể trên bắt nguồn từ nỗi lo ngại trước người Trung Quốc, kể từ một tháng nay, Wellington đã siết chặt quy chế đầu tư và mua lại đất nông nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của New Zealand.

Ngoài việc bảo vệ các sản phẩm quốc gia mang tính chiến lược, từ nhiều năm nay, Wellington rất lo lắng vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc láng giềng như Tonga hay Fidji. Tài trợ quân sự của Trung Quốc cho các nước này đã vượt quá phần viện trợ của New Zealand, điều này trở thành một vấn đề an ninh thực sự đối với Wellington.

Trả lời câu hỏi : tại sao trong số các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đặc biệt chịu sự phân biệt đối xử, báo La Croix giải thích : Ấn Độ, Ả rập Xê út hay Hàn Quốc cũng mua lại đất nông nghiệp, hay các công ty nước ngoài, nhưng điều khác biệt là hoạt động của các nhà đầu tư Trung Quốc thường rất không minh bạch. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường do đảng Cộng sản quản lý và mục tiêu của họ không chỉ là kinh tế, mà đồng thời còn mang tính chính trị nữa. Các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ bị nghi ngờ tại New Zealand, mà còn ở nhiều nước, trước hết là Hoa Kỳ, rồi tới Châu Âu, Canada và Úc.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, cho dù các công ty Trung Quốc có những vụ mua bán rất được truyền thông chú ý, như vụ công ty Geely mua lại hãng xe hơi Volvo Thụy Điển với giá 1,8 tỷ đô la, hay các vụ mua cổ phần trong các doanh nghiệp điện quốc gia của Brazil hay dầu lửa Achentina. Phần vốn đầu tư của Trung Quốc trên thế giới chỉ chiếm 6% và Trung Quốc cũng chỉ nắm 10% chứng khoán toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ mở cửa bước đi những bước đầu tiên ra bên ngoài từ khoảng mười năm nay.

Theo tin rfi


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc