Home » Thời nay, Tiêu Điểm, Văn hóa » Văn hóa, tâm lý và ‘cái tôi’ của người Châu Á – Kỳ 2

Liệu văn hóa đóng vai trò gì trong ‘cái tôi’ cá nhân và sức khỏe tâm thần? Theo các nhà khoa học, ‘cái tôi’ ngầm mới là yếu tố thể hiện đúng nhất quan điểm và cách suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp nghiên cứu hiệu quả về vấn đề này được đưa ra.

>> Văn hóa, tâm lý và ‘cái tôi’ của người Châu Á – Kỳ 1

Giáo sư Yuri Miyamoto cho biết, trong văn hóa phương Tây, có mối tương quan giữa cảm xúc tích cực và sức khỏe tâm thần của con người, trong khi đó, mối liên hệ này trong văn hóa Châu Á thường ít hơn. Trên thực tế, trong thời gian gần đây khi so sánh về sức khỏe tâm thần giữa người Mỹ và người Nhật khi họ cùng trải qua những cung bậc cảm xúc tích cực và tiêu cực như nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy người Mỹ thường có các triệu chứng suy giảm sức khỏe nhiều hơn so với người Nhật. Điều này cho thấy, việc ổn định tâm lí có tác dụng tích cực. Người Á Đông thường có khả năng dung hòa cảm xúc tốt hơn nên sức khỏe của họ ít bị ảnh hưởng bởi tâm lí hơn so với người Tây phương. Nhiều ý kiến cho rằng người Á Đông không đề cao ‘cái tôi’ cá nhân trong khi đó đối với người Phương Tây, ‘cái tôi’ rất được coi trọng.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Yuri Miyamoto đã phát hiện thấy người Nhật ít tin tưởng vào bản thân hơn nhưng điều này không liên quan đến cách thức họ điều tiết cảm xúc. Tuy nhiên, lý do người Nhật nói riêng và hoặc Châu Á nói chung tự kiềm chế cảm xúc tích cực không hẳn là do họ có ‘cái tôi’ cá nhân thấp hơn. Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân có lẽ là do trong văn hóa Á Đông, ‘cái tôi’ thường ít được đề cao mà thay vào đó, người Á Đông thường nhìn vào thực tế để tự tìm cách thích nghi phù hợp. Trong khi đó, đối với văn hóa phương Tây, việc đề cao cũng như tin tưởng vào ‘cái tôi’ cá nhân và tìm cách thúc đẩy thúc đẩy tối đa khía cạnh tích cực của ‘cái tôi’ lại đặc biệt quan trọng.

Giáo sư Huajian Cai từ Viện Khoa học Trung Quốc có một quan điểm hoàn toàn khác biệt. Ông tin rằng ‘cái tôi’ cá nhân trong văn hóa phương Đôngvà Tây đều có tầm quan trọng ngang nhau.

Giáo sư Huajian Cai cho rằng ở các nước phương Tây, ‘cái tôi’ cá nhân đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần. Những người thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân ở mức độ cao có xu hướng ít bị trầm cảm hơn. Ông đã thực hiện một nghiên cứu tại Trung Quốc và cũng tìm ra kết quả tương tự và nó có thể được sử dụng để khái quát hóa vấn đề này trong văn hóa phương Đông. Kết quả nghiên cứu của ông cũng cho thấy những người Trung Quốc thể hiện rõ ‘cái tôi’ cá nhân thường có xu hướng ít bị trầm cảm và lo lắng hơn và họ có trạng thái tinh thần cũng như tâm lý tích cực hơn. Vì vậy, theo ông, một trong những cách thức để cải thiện sức khỏe tâm thần trong văn hóa phương Đông là đề cao ‘cái tôi’ cá nhân.

‘Cái tôi ngầm’ – yếu tố tối quan trọng

Giáo sư Huajian Cai là một trong số những nhà tâm lý học Châu Á tin rằng Steve Heine đã đặt ra câu hỏi đúng đắn về ‘cái tôi’ cá nhân trong môi trường xã hội theo chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nghiên cứu của Steve Heine chưa đủ thuyết phục.

Theo Giáo sư Susumu Yamaguchi đến từ Đại học Tokyo, tiêu chuẩn đo ‘cái tôi’ cá nhân trong nghiên cứu của Rosenberg vào năm 1999 được xây dựng dựa trên hàng loạt các hỏi được nhằm tìm hiểu quan điểm của người tham gia nghiên cứu về ‘cái tôi’ cá nhân, ví dụ: “Bạn có hài lòng với bản thân không?”; “Bạn có cảm thấy mình có giá trị hơn so với người khác không?”…Vì vậy, kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào việc trả lời câu hỏi của các cá nhân nên các nhà khoa chỉ học thu thập được một số thông tin nhất định về ‘cái tôi bề ngoài’ mà những người tham gia nghiên cứu muốn chia sẻ. Ông nhận định rằng phương pháp điều tra này gặp phải khó khăn khi đem áp dụng vào văn hóa phương Đông.

“Trong văn hóa Á Đông, đức tính khiêm tốn được đề cao và những người thiếu khiêm tốn hoặc thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân thường được coi là kiêu ngạo hay ích kỷ. Vì vậy, mọi người không muốn tạo ra ấn tượng không tốt nên họ thường kiềm chế bản thân và chỉ thể hiện ‘cái tôi bề ngoài’. Tuy nhiên, khi nói đến ‘cái tôi’ bên trong, nó nằm trong suy nghĩ của mỗi người và rất khó để có thể nhận biết được”, ông nói.

Giáo sư Yamaguchi đã sử dụng một phương pháp nghiên cứu khác, đó là bài kiểm tra ‘nội tâm ngầm’ nhằm tìm hiểu ‘cái tôi’ thực sự ẩn chứa bên trong mỗi người, tức là những cảm xúc thực sự của họ cho dù họ thể hiện ra bên ngoài như thế nào đi chăng nữa. Và kết quả nghiên cứu được đưa ra là hoàn toàn khác biệt.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực của họ cũng như của người bạn thân nhất của họ. Kết quả cho thấy họ có thể dễ dàng tìm thấy những mặt tích cực của bản thân hơn so với việc tìm thấy mặt tích cực của bạn bè họ. Điều này cho thấy họ tự đánh giá bản thân cao hơn. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Yamaguchi đã đăng một bài báo về tính toàn cầu của ‘cái tôi ngầm’ trong mọi nền văn hóa, trong đó đề cập đến việc người Nhật và người Trung Quốc thể hiện ‘cái tôi ngầm’ tương đương hoặc cao hơn so với người dân Bắc Mỹ. Sau đó, tất cả các tờ báo lớn ở Nhật Bản đã đăng tải bài này trên trang nhất. Điều này cho thấy ‘cái tôi’ cá nhân là yếu tố rất quan trọng với người Nhật.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của Giáo sư Cai cho thấy trong văn hóa Trung Quốc, nếu ai đó cảm thấy tự hào về bản thân nhưng lại buộc phải khiêm tốn thì sự tự tin của họ được thể hiện mạnh mẽ thông qua máy tính. Trong nghiên cứu của ông, những người tham gia được yêu cầu phản ứng lại với những từ ngữ tích cực và tiêu cực trên màn hình máy tính. Số liệu thu thập được cho thấy họ phản ứng nhanh hơn với những từ ngữ mang tính tích cực và ngược lại. Có thể nói rằng họ có sự tự tin ngầm vào bản thân rất cao.

Steven Heine cũng có ý kiến tương tự. Theo ông, trong tổng số 31 phương pháp nghiên cứu khác nhau về vấn đề này thì có tới 30 phương pháp cho ra kết quả tương tự. Duy chỉ có một phương pháp cho ra kết quả khác biệt, đó là phương pháp đánh giá ‘cái tôi ngầm’. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiến hành tìm hiểu về ‘cái tôi’ ngầm vì chỉ có nó mới thể hiện đúng nhất bản chất của ‘cái tôi’ trong mỗi con người. Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hoa Deborah Ko cũng cho rằng cần có những phương pháp nghiên cứu mới trong vấn đề này. Theo bà, hầu hết những tài liệu, những dụng cụ được sử dụng để tìm hiểu về ‘cái tôi’ cá nhân chủ yếu tập trung vào văn hóa phương Tây. Vì vậy, trong quá trình dịch tài liệu, những trợ lí của bà không thể hiểu được ý nghĩa của tài liệu đó bởi họ tư duy theo cách khác. Bà cũng cho rằng cần phải điều chỉnh tài liệu để có thể nắm bắt đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa văn hóa của ‘cái tôi’.

Ý nghĩa của việc nghiên cứu ‘cái tôi’

Giáo sư Yamaguchi là một trong số những nhà tâm lý học Châu Á đã đưa ra những dữ liệu chứng minh rằng ‘cái tôi’ cá nhân là một nhu cầu của con người trên toàn thế giới, không phân biệt nguồn gốc văn hóa.

Giáo sư Huajian Cai cũng tán đồng quan điểm trên. Theo ông, người phương Tây thường thể hiện trực tiếp ‘cái tôi’ cá nhân, ví dụ họ nói rằng mình thông minh. Tuy nhiên, người dân ở Trung Quốc và Nhật Bản lại không đề cập đến vấn đề một cách trực tiếp mà thay vào đó, họ sẽ cố gắng gợi mở những lời đánh giá tích cực về họ từ những người xung quanh thay vì tự nói ra. Một ví dụ khác là việc trả lời trực tiếp vấn đề là rất phổ biến ở các nước Bắc Mỹ và phương Tây nhưng trong văn hóa Á Đông, nếu bạn muốn biết được ý nghĩ thực sự của người khác thì có thể phải mất đến vài tuần đi uống bia để tạo dựng quan hệ.

Ngày nay, việc tìm ra những phương pháp nghiên cứu hiệu quả hơn không chỉ dựa vào những quan sát bên ngoài và hoạt động bên trong của vỏ não con người mà còn dựa trên việc tìm hiểu một số rào cản văn hóa có thể khiến con người che giấu những cảm xúc thực sự bên trong.

Theo giáo sư Taka Masuda từ Đại học Alberta, Canada , lý do khiến nhiều nhà khoa học coi trọng phương pháp tự đánh giá bản thân thông qua các câu hỏi là vì họ tư duy rằng tất cả mọi người đều có thể đưa ra cũng như trình bày rõ ràng ý kiến của mình. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ và phươngTây cũng như ở rất nhiều nước khác trên thế giới, có một thực tế rằng trong một số trường hợp, người dân cư xử mà không cần suy nghĩ bởi cách ứng xử đó là chuẩn mực văn hóa chung của xã hội. Vì vậy, điều cần thiết là phải phát triển một phương pháp nghiên cứu mới để tìm hiểu về những hành vi đa dạng của con người trong những bối cảnh văn hóa khác nhau.

Theo Giáo sư Shihui Han từ Đại học Bắc Kinh nhận định: “Nếu chúng ta hiểu được rằng cơ chế hoạt động của bộ não của những người đến từ các nền văn hóa khác nhau là khác nhau thì chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận thực tế là họ sẽ ứng xử theo các cách thức khác nhau.” Giáo sư Shihui Han cũng cho rằng những người đến từ những nền văn hóa khác nhau tất nhiên sẽ có sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như suy nghĩ và cách cư xử. Từ quan điểm tâm lý học và khoa học thần kinh, ông và các đồng nghiệp muốn hiểu rõ tại sao lại có những điểm khác biệt về văn hóa. Việc hiểu rõ điều này có thể giúp con người tránh được xung đột và xây dựng những mối quan hệ hòa hợp với nhau.

(Theo www.bayvut.com.au)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc