Home » Thời nay, Văn hóa » Văn hóa, tâm lý và ‘cái tôi’ của người Châu Á – Kỳ 1

Trong môi trường hợp tác quốc tế hiện nay, nhiều người ngày càng quan tâm tới việc yếu tố văn hóa đã định hình tinh thần và ‘cái tôi’ cá nhân ra sao. Liệu có phải người Á Đông muốn thể hiện cá tính ở mức độ thấp hơn để cảm thấy thoải mái trong cuộc sống?

Việc sinh ra trong một xã hội theo chủ nghĩa tập thể hay theo chủ nghĩa cá nhân có khiến con người suy nghĩ khác nhau hay không? Điều gì tạo nên cảm giác của bạn về bản thân mình và tạo nên thế giới nội tâm? Bao nhiêu trong số những yếu tố đó được định hình và nuôi dưỡng bởi nền văn hóa nơi bạn sinh ra?

Ví dụ, bạn có thể nghĩ người phương Tây thiên về chủ nghĩa cá nhân hơn, nghĩa là suy nghĩ về bản thân xoay quanh ý niệm ‘tôi’, ‘của tôi’. Nếu sống trong một nền văn hóa phương Đông, bạn được coi là có thiên hướng chủ nghĩa tập thể, trong đó, ý niệm về bản thân thường được diễn đạt dưới dạng ‘chúng ta’, ‘của chúng ta’ và gắn chặt với mối quan hệ gia đình và xã hội.

Người Á Đông không đề cao ‘cái tôi’

Năm 1999, nhà tâm lý học Steven Heine người Canada đã thực hiện một bài trắc nghiệm về ‘cái tôi’ cá nhân với người Mỹ và người Nhật. Kết quả thu được trong nghiên cứu này cho thấy ‘cái tôi’ cá nhân không quan trọng trong nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể. Trong văn hóa Á Đông, hình ảnh của bạn dưới con mắt người khác ra sao quan trọng hơn việc bạn tự nhìn nhận bản thân mình.

Chính vì vậy, nhiều người xuất thân từ các nền văn hóa Á Đông thường chú ý tới những điểm yếu của bản thân bởi vì việc đó giúp họ định hướng cách thức để làm việc chăm chỉ hơn và trở nên tốt hơn dưới con mắt người khác.

Ngược lại, trong văn hóa phương Tây, con người có thiên hướng suy nghĩ tích cực đến mức phi thực tế về bản thân. Một ví dụ điển hình là 94% giáo sư đại học Mỹ nghĩ rằng họ giỏi hơn các giáo sư đại học Mỹ bình thường khác. Điều này còn được thể hiện trong hầu hết mọi tiêu chí khi người phương Tây tự đánh giá bản thân.

Những phát hiện này khiến một số nhà tâm lý học từ các nền văn hóa Á Đông cảm thấy thất vọng và thậm chí tức giận. Theo Giáo sư Masaki Yuki, giảng viên chuyên ngành tâm lý học hành vi tại Đại học Hokkaido của Nhật Bản, một số người cho rằng người Châu Á cảm thấy bị xúc phạm hoặc coi thường khi cho rằng họ không có ‘cái tôi’ cá nhân. Một số nhà tâm lý học Á Đông thậm còn cố gắng bác bỏ nhận định này.

Giáo sư Huajian Cai từ Viện Khoa học Nghiên cứu Tâm lý Bắc Kinh cho biết hầu hết những người phương Tây có một số định kiến về người phương Đông. Họ cho rằng người Á Đông thường khiêm tốn, không muốn gây ấn tượng và thích tự chỉ trích bản thân.

Còn Giáo sư Susumu Yamaguchi, Đại học Tokyo, thì nhận xét một số nhà nghiên cứu phương Tây có quan điểm rất “lãng mạn” và “lạ lùng” về người Á Đông. Họ có định kiến rằng người Châu Á rất khác biệt. Trên thực tế, về mức độ nào đó, người Châu Á khác với người phương Tây. Tuy nhiên, tất cả đều là con người và chia sẻ nhiều điểm chung và những gì mà cuộc thử nghiệm đưa ra quá cơ bản khi so sánh với thực tế.

Thể diện

Luận điểm chủ yếu của Steven Heine là trong môi trường xã hội theo chủ nghĩa tập thể, bạn không cần thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân hay những thành tích đạt được. Những người khác sẽ làm cho bạn nếu bạn duy trì quan điểm của mình trong cuộc tranh luận xã hội; một tương tác xã hội phức tạp được gọi là thể diện.

Theo nhà tâm lý học Steven Heine, thể diện hay bộ mặt rất khác với ‘cái tôi’ cá nhân. ‘Cái tôi’ cá nhân nghĩa là ‘tôi nghĩ tôi tốt’, điều đó rất quan trọng, ‘tôi nghĩ tôi tự tin và có khả năng’ và điều đó sẽ giúp tôi hoàn thành tốt công việc.

Khi bạn lo lắng về thể diện hay bộ mặt là bạn nghĩ đến danh tiếng công khai, là hình ảnh bạn trong mắt của mọi người, liệu họ có nghĩ rằng bạn sống đúng theo những tiêu chuẩn họ đặt ra cho bạn thực hiện trong vai trò của mình hay không. Khi quan tâm tới thể diện, người ta phải cảnh giác ở những nơi mà bạn có thể bị mất mặt bởi vì việc này gây nhiều rắc rối hơn. Người ta thường dễ bị mất mặt hơn là lấy lại được thể diện. Thể diện thường được gắn kết với vai trò của mỗi người trong xã hội. Do vậy, uy tín của bạn chỉ được nâng lên khi bạn được thăng chức. Tuy nhiên, khi bất cứ điều rắc rối gì xảy ra, bạn có thể mất mặt. Như vậy, nếu lo bị mất thể diện, người ta sẽ chú ý kỹ hơn đến những hạn chế của bản thân và cố gắng khắc phục nó.

Mặt trái của việc đề cao ‘cái tôi’

Một người phương Tây với ‘cái tôi’ cá nhân được đánh giá là trung bình đồng nghĩa với việc người đó thiếu tự tin hoặc có cá tính không rõ rệt. Nhà tâm lý học Steven Heine tin rằng đó là một vị trí mặc định an toàn ở phương Đông, nơi việc thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân được coi là kiêu ngạo hay khoe khoang.

Trong các xã hội phương Tây, mọi người có thiên hướng đề cao ‘cái tôi’ cá nhân bởi nó thực sự mang lại cảm giác tích cực. Trên thực tế, đây là cảm giác chung của mọi người trên khắp thế giới. Ngay cả đối với những người Đông Á thì họ cũng cảm thấy hạnh phúc khi có những suy nghĩ tích cực về bản thân.

Tuy nhiên, cảm giác này có cái giá của nó. Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại các nước phương Tây và Đông Á, khi mọi người thể hiện thiên hướng đề cao ‘cái tôi’ cá nhân, cái giá mà họ nhận được là họ trở nên xa lạ với những người xung quanh. Mọi người không muốn những người quanh mình nghĩ rằng họ quá tuyệt vời và không cần ai khác. Như vậy, cảm giác hạnh phúc kể trên có thể mang ý nghĩa tích cực nhưng người ta phải trả giá bằng việc bị mọi người xa lánh.

Giả thuyết này được Giáo sư Masaki Yuki ủng hộ. Ông giải thích: “Theo quan điểm của người phương Tây, người Nhật và người Á Đông thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân ở mức độ thấp hơn. Điều đó không chính xác. Người Châu Á thể hiện cá tính ở mức độ vừa phải. Họ không cần thể hiện ‘cái tôi’ cá nhân ở mức độ cao bởi vì điều này gây ra lắm vấn đề rắc rối. Khi bạn cảm thấy bạn giỏi hơn những người xung quanh thì điều đầu tiên bạn muốn làm là thoát ra khỏi nhóm người này vì ‘tại sao mình phải nằm trong nhóm những người dốt nát này?’. Tiếp đến, nếu bạn thể hiện ‘cái tôi’ với những người khác, họ sẽ ghét bạn bởi bạn coi thường họ nhưng họ vẫn phải duy trì mối quan hệ với bạn. Những điều này dẫn đến kết quả là những người xung quanh sẽ không ưa bạn.”

Điều tiết cảm xúc

Trong các môi trường văn hóa, khi không cần thiết hoặc không phù hợp để khoe khoang về bản thân, những thành công và thất bại có thể tạo ra những cảm nhận khác nhau. Giáo sư Yuri Miyamoto từ Đại học Wisconsin đã so sánh phản ứng của sinh viên Nhật và sinh viên Mỹ khi nhận kết quả thi. Trong khi sinh viên Bắc Mỹ nói họ sẽ đi chơi và ăn mừng vì đạt được điểm tốt thì sinh viên Nhật cố gắng không bộc lộ niềm vui của mình.

“So với người phương Tây, người Châu Á ít ăn mừng thành công hơn. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là họ không bao giờ ăn mừng. Họ sẽ thực hiện nhưng với mức độ ít hơn so với người phương Tây bởi người Châu Âu có mục tiêu tăng tối đa cơ hội thưởng thức những cảm giác tích cực. Khó có thể nêu lý do tại sao người Nhật hay người Châu Á muốn giảm bớt những cảm giác tích cực, liệu có phải bởi họ có ý thức trong việc làm này hay bởi họ không có phản ứng gì cả. Phải chăng họ không quan tâm tới việc điều tiết cảm xúc? Chúng ta cần nghiên cứu thêm về vấn đề này”, Giáo sư Yuri Miyamoto cho biết.

Thất bại

Giáo sư Miyamoto cho rằng hành vi văn hóa này được củng cố bởi những câu chuyện cổ tích có phần kết trung hòa hơn là những phần kết có hậu thể hiện hạnh phúc mãi mãi.

Giáo sư Yuri Miyamoto kể lại một giai thoại thú vị của Trung Quốc có tựa đề ‘Tái Ông Thất Mã’. Trong câu chuyện, Tái Ông là một ông già khôn ngoan. Khi có điều gì không hay xảy ra, người hàng xóm tới an ủi, ông nói rằng đây có thể là một phước lành. Và điều ông nói trở thành sự thật. Khi người hàng xóm sang chúc mừng thì ông lại nói điều này có thể trở thành một thảm họa nên đừng quá vội vui mừng. Sau đó, điều này lại trở thành hiện thực, những gì xảy ra thực sự là một thảm họa. Câu chuyện cứ thể tiếp diễn. Câu chuyện này khá nổi tiếng trong các nền văn hóa Á Đông được truyền khẩu từ lời kể của ông bà cha mẹ. Câu chuyện thực sự nhắc nhở mỗi người rằng khi cảm thấy những gì tốt đẹp đang xảy ra thì nên nghĩ tiếp đến điều có thể xảy ra tiếp theo. Hiện giờ bạn cảm thấy vui mừng nhưng điều xấu có thể sắp xảy ra. Như vậy, chúng ta cần thận trọng suy nghĩ ở mức độ ‘vừa phải’ và cố gắng kiềm chế cảm xúc.

Có bằng chứng cho thấy thất bại không phải là thảm họa cá nhân với cá tính của người phương Đông bởi họ ít chú trọng vào ‘tôi’ và những gì là ‘của tôi’. Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Deborah Ko từ Đại học Hong Kong, việc trải nghiệm thất bại cho thấy ‘cái tôi’ cá nhân rất quan trọng trong nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, chỉ có điều có nhiều con đường khác nhau để tới cùng một điểm chung.

Theo nhà tâm lý học Deborah Ko, trong các nền văn hóa phương Tây, ‘cái tôi’ được coi là yếu tố ổn định và mọi người nói về bản thân với những đặc điểm như tôi là người tốt, anh ấy là người xấu. Do vậy, họ thường chọn những yếu tố họ giỏi thật sự và họ không có xu hướng tìm kiếm thất bại bởi họ không nghĩ rằng họ có thể thay đổi những điều đó dễ dàng.

“Trong nghiên cứu của mình, Steve Heine đề cập đến việc chỉ trích bản thân của người phương Đông và ý tưởng về ‘cái tôi’ thực sự thay đổi theo thời gian. Như vậy, có thể hiểu rằng ‘cái tôi’ có thể được cải thiện thường xuyên. Chính trong quá trình nâng cao cá tính, người ta có thể rút ra được ‘cái tôi’ riêng. ‘Tôi’ có thể nghĩ mình thật tuyệt nhưng điều đó không có nghĩa như vậy nếu mọi người nghĩ rằng ‘tôi’ không giỏi giang. Để đảm bảo mình là một công dân tốt trong xã hội và làm hài lòng những người quan trọng đối với mình có lẽ sẽ là yếu tố quan trọng trong ‘cái tôi’ cá nhân”, bà Deborah Ko nói.

(Theo www.bayvut.com.au)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc