Home » Sức khỏe, Tiêu biểu sideshow » ’Nhiệm vụ’ mới bạch tuộc: tìm thuốc quý

Ngoài chức năng tiên tri của Paul, đồng loại bạch tuộc của nó ở Nam cực hé mở triển vọng sản sinh các loại thuốc quý…

Các nhà khoa học cho biết lần đầu tiên thu thập được nọc độc từ các loài bạch tuộc mới phát hiện sống dưới vùng biển Nam cực mà chúng được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng để bào chế các loại thuốc trong tương lai.

Trong chuyến thám hiểm Nam cực kéo dài 6 tuần vào năm 2007, các nhà khoa học đã phát hiện 4 loài bạch tuộc mới có chứa nọc độc.

Các nhà nghiên cứu hy vọng những nọc độc này sẽ giúp họ điều chế các loại thuốc có tác dụng kiềm chế những cơn đau, chống dị ứng và điều trị ung thư.

Bạch tuộc Megaleledone selebos (ảnh trên) và Adelieledone polymorpha (ảnh dưới) - 2 trong số 4 loài bạch tuộc Nam cực mới được phát hiện mà nọc độc của chúng không bị “đóng băng”

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ Bryan Fry, công tác tại Đại học Melbourne (Úc) và các đồng nghiệp tại Đại học Hamburg (Đức) và Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy.

“Hoạt tính enzyme của nọc độc thông thường bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhưng các enzyme trong nọc độc bạch tuộc Nam cực lại hoạt động có hiệu quả trong môi trường nước có nhiệt độ dưới 0OC nhờ sử dụng các thủ thuật sinh hóa (biochemical tricks), bước tiếp theo chúng tôi tìm hiểu là chúng thực hiện những thủ thuật sinh hóa đó như thế nào”, tiến sĩ Fry cho biết.

Cho đến nay, sau khi phân tích nọc độc bạch tuộc Nam cực, cho thấy ẩn chứa một loạt các độc tố, 2 trong số các độc tố đó chưa từng được giới khoa học biết đến.

“Chúng tôi đã phát hiện các loại prôtêin mới với liều lượng nhỏ có trong nọc độc mà chúng hoạt động rất tích cực, đây sẽ nguồn nguyên liệu hữu ích trong việc điều chế các loại thuốc, nhưng vẫn phải chờ chúng tôi nghiên cứu thêm”, ông Fry nói.

Hiện nay, chúng ta biết được chất ức chế ACE (ACE inhibitors) được dùng để điều trị áp huyết cao (Hypertension) là được bào chế từ nọc đọc của rắn, còn một số loại thuốc điều trị tiểu đường có nguồn gốc từ nước bọt của quái vật Gila – loài thằn lằn Heloderma suspectum có nọc độc sống ở tây nam Hoa Kỳ và bắc Mexico.

Vậy nọc độc bạch tuộc Nam cực có thể điều chế được thuốc điều trị ung thư? Chúng ta hãy phấn khởi chờ đợi trong tương lai không xa!

Theo vietnamnet

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc