Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Hà Nội: đá lát vỉa hè đắt đỏ tuổi thọ 70 năm đã nhanh chóng bị hỏng hàng loạt

Trị giá mỗi mét vuông loại đá này lên đến 500.000 đồng, đá có tuổi thọ lên đến 50 – 70 năm, nhưng đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng hàng loạt.

Lý giải của quan chức ngành xây dựng

Trao đổi với báo chí về việc này, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng chất lượng đá lát trên vỉa hè có đảm bảo hay không còn phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới. Do dưới lớp đá lát tự nhiên là lớp bê tông, nhiều khi lớp bê tông còn liên quan tới trạm điện, gốc cây trên vỉa hè. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới chất lượng lớp đá.

Đá tuổi thọ 70 năm mới lát vỉa hè đã nứt vỡ - Ảnh 2.
 

Theo ông Trung, việc nhiều tuyến phố dù gạch cũ vẫn còn tốt nhưng lại bị cạy lên để lát đá tự nhiên là có thể do nhiều quận huyện đang hiểu sai ý kiến chỉ đạo nên đã lát đá tự nhiên thay vào lớp gạch cũ trên vỉa hè. Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã kiểm tra và đánh giá về chất lượng, có phần cần chấn chỉnh, ví dụ trên tuyến Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, các chủ đầu tư đã khắc phục ngay. Sở Xây dựng đã tham mưu TP yêu cầu rà soát, không lát ở các tuyến đường vỉa hè còn tốt, chỉ lát ở các tuyến đã xuống cấp.

Đá tuổi thọ 70 năm mới lát vỉa hè đã nứt vỡ - Ảnh 3.

Nhiều tuyến phố tại Hà Nội đang tiến hành lát lại vỉa hè

Đá tuổi thọ 70 năm mới lát vỉa hè đã nứt vỡ - Ảnh 4.
 

Về vấn đề này, ông Đào Quang Tâm, Phó Phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm, cho biết vỉa hè khi được lát đều phải tuân theo quy chuẩn và thiết kế được cơ quan chức năng duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc chỉnh trang giữa các đơn vị không được thực hiện đồng bộ, dẫn đến vỉa hè thường xuyên bị biến dạng sau mỗi lần thi công điện, nước, viễn thông, đến khi hoàn trả thường chỉ đạt 70% chất lượng ban đầu. 

Để khắc phục tình trạng, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành thiết kế, thực hiện việc chỉnh trang vỉa hè bằng đá tự nhiên thay thế vật liệu gạch. Qua khảo sát, quận Hoàn Kiếm quyết định lựa chọn nguồn đá từ Thanh Hóa do quãng đường vận chuyển ngắn, giá thành phù hợp và dễ dàng thay thế về sau nếu phải chỉnh sửa.

Theo đó, việc lát đá thay thế chỉ được triển khai sau khi các đơn vị khác hoàn thành hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông. Sau khi các đơn vị hoàn thành hạ ngầm bề mặt vỉa hè sẽ buộc phải hoàn trả, lúc đó UBND quận sẽ thực hiện thay thế đá cho phù hợp với mỹ quan đô thị.

Ý kiến của người dân

Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn được đưa vào sử dụng, một số vỉa hè đã xuất hiện tình trạng xuống cấp. Theo quan sát, dọc đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Trung Kính (quận Cầu Giấy), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân),… đá tự nhiên đã bị hư hỏng, nhiều điểm bong tróc và thậm chí bị vỡ thành nhiều mảnh.

Hiện nay dọc các tuyến đường Nguyễn Du, Đại Cồ Việt, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Bà Triệu, … cơ quan chức năng tiếp tục thay mới vỉa hè bằng đá tự nhiên khiến những khu vực này như một đại công trường.

Trao đổi với chúng tôi, bác Thiện (tổ phó tổ dân phố số 4 phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Nói chung đá tự nhiên này rất dễ vỡ bởi nền móng xây dựng làm không được tốt lắm. Nếu như xe máy, ô tô đi lên là vỉa hè nguy cơ hỏng hóc nhanh. Trước mắt thì bác thấy đường đẹp nhưng để bền được 50-70 năm thì khó lắm. Bác chỉ mong được 5 năm là tốt rồi!”.

Trước tình cảnh này, nhiều người dân cũng cho rằng một số đoạn vỉa hè xuống cấp nhanh chóng là do ý thức của người dân còn chưa tốt. Thay vì chỉ dành riêng cho người đi bộ, một số vỉa hè bất đắc dĩ thành nơi qua lại của nhiều xe ô tô, xe máy, thậm chí là tụ điểm kinh doanh.

“Vỉa hè thời gian này bị bong tróc, nhiều chỗ lởm chởm nhìn như ổ gà, ổ vịt nên mấy đứa trẻ đi qua có thể bị vấp ngã. Thỉnh thoảng lại thấy xe máy cũng leo lên nên tình trạng ngày một nghiêm trọng”, một người dân sống trên đường Đại Cồ Việt cho hay.

Ảnh báo Người Lao Động

Tổng hợp từ nld.com.vn, kenh14.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc