Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Ông chủ giàu có và thành đạt từ bỏ 10 cơ sở sản xuất để khám chữa bệnh miễn phí
Người dân ở Lái Thiêu, Bình Dương hầu như ai cũng biết đến lương y Lương Bình, không chỉ ở bởi khả năng châm cứu bốc thuốc trị bệnh đại tài của ông,  mà còn vì ông trị bệnh rất hay nhưng không hề lấy một đồng nào.
Lương y Lương Bình. Ảnh phunuonline.com.vn

Lương y Lương Bình. Ảnh phunuonline.com.vn

Những câu chuyện về ông có rất nhiều, những người dân ở biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nhớ mãi công đức của lương y Lương Bình, nhiều người dân vùng biển này bị thoái hóa khớp háng không đi lại được và phải bỏ nghề.  Thế nhưng sau một thời gian được thầy Bình châm cứu miễn phí họ đã có thể đi lại được và tiếp tục hành nghề của mình.

Một bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Lịch ở Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương bị thoát vị đĩa đệm, đồng thời bị thần kinh tọa, gần như bị liệt hoàn toàn. Thế nhưng sau 1 tuần được thầy Bình châm cứu và uống thuốc bà đã có thể đi lại được. Bà Lịch cho biết lương y Bình không lấy một đồng nào mà chỉ thu 20.000 đồng tiền kim châm cứu.

Hoàng Thị Thanh Nga (ở Lái Thiêu, Bình Dương) bị bệnh Parkinson từ lâu rồi và phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ người khác chăm sóc. Từ khi đến bác sỹ Bình châm cứu chị đã dần dần khỏi bệnh, đi lại được và đã có thể đạp xe đạp bán gạo lứt muối mè kiếm sống.

Còn rất nhiều trường hợp gặp bệnh nan y tưởng như không thể chữa được, nhưng bàn tay của vị lương y này như có phép màu đã giúp bệnh nhân khỏi bệnh và hồi phục.

Thế nhưng câu chuyện về vị lương y tài đức vẹn toàn này không dừng lại ở đó, nếu ngược dòng thời gian sẽ còn nhiều câu chuyện lý thú hơn về vị lương y này.

12 tuổi đã bốc thuốc xem bệnh

Sinh năm 1952 trong một gia đình đông anh em ở vùng đất miền trung quanh năm nắng cháy, từ nhỏ ông Bình thường ghé ngôi chùa Bảo Tịnh gần nhà để xem các sư thầy bốc thuốc, lân la học hỏi tỉ mỉ, học thầy không đủ cậu bé tìm thêm sách về đông y để đọc thêm.

Như các cụ đã nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, từ nhỏ ông đã có thiện tâm sẵn trong người, vì thế mà Sư trụ trì đã rất quý mến, năm 12 tuổi ông được Sư trụ trì chọn làm truyền nhân để truyền lại nghề thuốc, bấm huyệt và đặc biệt là cách châm cứu bí truyền, ông bắt  đầu bốc thuốc  châm cứu từ đó.

Các ni sư trọng chùa rất quý cậu bé Lương Bình và truyền lại cho cậu nhiều tuyệt chiêu của môn võ Tây Sơn.

Năm 15 tuổi khắp xóm làng đều đã biết đến tài năng trị bệnh và khả năng dùng võ thuật để tự vệ tuyệt vời của ông. Ở tuổi 15 này cậu bé Bình rất được người dân tin tưởng tìm đến trị bệnh, đồng thời cũng có hàng chục môn sinh xin theo học võ.

Năm 1970 ở tuổi 18 ông Bình quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Với tài đức vẹn toàn ông nhận được tin yêu và giúp đỡ rất lớn của người dân.

Lập gia đình

Những năm đầu vào nam lập nghiệp, tiếng đồn về tài đức của ông đã bay xa. Có gia đình nọ hai vợ chồng đều là bác sỹ tây y, nhưng bà vợ bị căn bệnh không thể trị hết được bằng tây y, cô con gái là Trần Thị Kim Hoàn nghe tiếng tăm chữa bệnh của thầy Bình nên đưa mẹ của mình đến nhờ thầy chữa, và mối nhân duyên của hai người bắt đầu từ đây.

Sau khi mẹ mình được thầy Bình chữa khỏi, tình cờ bà Hoàn cũng được biết thầy Bình rất giỏi võ và bà quyết định theo thầy học võ và tìm hiểu cách trị bệnh của đông y, dần dần bà hoàn toàn bị chinh phục bởi tài năng và đức độ của người thầy này và hai người đã nên nghĩa vợ chồng.

Say mê nghiên cứu đông y để chữa bệnh cho mọi người, hai vợ chồng đã bán nhà cửa, đất đai để có tiền học đông y.

Trở thành ông chủ giàu có và thành đạt với 10 cơ sở sản xuất

Năm 1975 gia đình ông vào Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) lập nghiệp, ông học hỏi cách sản xuất mực rồi cho ra đời sản phẩm “bút bi sông bé” và xây dựng thành thương hiệu có tiếng vào thời điểm thập niên 80

Ngoài ra ông còn mở thêm cơ sở sản xuất “kem đánh răng Sông Bé”. Nhận thấy các cơ sở sản xuất của mình giúp rất nhiều người có công ăn việc làm, mang lợi ích cho nhiều người, thế là ông lại cứ tiếp tục cho ra đời liên tiếp các cơ sở sản xuất. Tổng cộng ông có 10 cơ sở sản xuất giúp nhiều người có việc làm thoát cảnh đói khổ, mang lại lợi ích lớn cho người dân tỉnh nghèo Sông Bé lúc đó.

Các quan chức tỉnh lúc đó xem ông Bình là nhân vật của tỉnh, giúp người dân giảm nghèo, giúp tỉnh nhà phát triển, ông cũng được xem là doanh nhân thành đạt điển hình lúc đó.

Nhưng ước mong làm thầy thuốc chữa bệnh từ thưở nhỏ vẫn cháy trong ông, vì thế sau khi giúp 9 người em của mình và 7 người em của vợ ăn học xong, cảm thấy nhẹ gánh nặng phải lo cho gia đình, ông quyết định từ bỏ tất cả:

Từ bỏ ông chủ giàu có với 10 cơ sở sản xuất có tiếng, từ bỏ danh hiệu doanh nhân thành đạt mà người ta phong cho ông, từ bỏ tất cả ánh mắt và cái nhìn ngưỡng mộ của người đời, ông đến chùa Thiên Phước ở Lái Thiêu, Bình Dương chữa bệnh miễn phí cho tất cả mọi người.

Không chỉ là lương y, ông còn là nhà biên kịch, võ sư đại tài

Năm 1995 ông Bình đã truyền lại bài thuốc trị tim mạch và tai biến cho Bệnh viện y học cổ truyền Sôn Bé (nay là tỉnh Bình Dương), và hai bài thuốc này vẫn được bệnh viện sử dụng cho đến nay.

Vốn thích nghệ thuật, ông Bình chính là tác giả của những vở cải lương, tuồng nổi tiếng một thời như: Lửa cháy thành Tây Đô, đường về Vạn Kiếp, lời thề sát Thát v.v…

Ông cũng viết nhiều vở kịch tặng cho các chi hội của thị xã Thuận An để đi thi như: Nỗi đau oan nghiệt, Hướng đẹp cuộc đời… các tác phẩm này đều đạt giải cao ở kỳ thi tỉnh.

Năm 2006 ông Bình viết kịch bản “Ai giết tôi” cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương tham gia thi toàn quốc tại Hà Nội đã được xếp hạng ba.

Để giúp người dân giữ gìn sức khỏe ông kết hợp đông y, võ thuật, nhạc vào các bài quyền dưỡng sinh của mình như: 18 thế gậy y võ dưỡng sinh, bài Kim phụng kỳ vân, long phụng giao kiếm… 

Các bài quyền của ông mang lại tác dụng lớn, nhiều người tập đến nỗi mỗi buổi sang Đài Truyền hình và Phát thanh tỉnh Bình Dương đều phát các bài quyền này để người dân tập luyện.

Vợ chồng lương y Lương Bình. Ảnh cắt từ video

Vợ chồng lương y Lương Bình. Ảnh cắt từ video

Vợ chồng ông Bình làm những điều này mà không phải vì tiền bạc hay danh lợi, mà quan niệm rằng sức khỏe và nụ cười của  mọi người là niềm vui của mình.

Vợ chồng ông Bình có bằng đông y do Bộ Y Tế cấp, giấy phép hoạt động phòng khám do Sở Y Tế Bình Dương cấp, với tài năng từ xưa đến nay của mình, ông hoàn toàn có điều kiện mở phòng khám thu tiền. Thế nhưng ông chủ giàu có một thời này đã chọn con đường khám bệnh miễn phí cho tất cả mọi người.

Hàng ngày vợ chồng em đều túc trực tại phòng khám trong chùa, vui vẻ đón từng bệnh nhân tới khám bệnh. Rất nhiều người gần xa từng khám bệnh nhiều nơi không khỏi, nay đến nhờ ông xem bệnh.

Đối với vợ chồng ông, niềm vui to lớn nhất là nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc