Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Người Anh muốn rời liên minh châu Âu, Thủ tướng từ chức
Sau khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10.

thu-ting-anh

Trong bài phát biểu sáng 24-6 (giờ địa phương), ông David Cameron nói ông sẽ tại vị cho vài tháng tới. Đến tháng 10 năm nay, đại hội đảng Bảo thủ được tổ chức sẽ chọn ra thủ tướng mới.

“Người dân Anh đã chọn một con đường khác. Và tôi nghĩ đất nước cần một sự lãnh đạo mới mẻ để dẫn dắt đi theo hướng này (rời EU)” – ông nói.

Theo Reuters, ông Cameron đã “cố không bật khóc” khi phát biểu: “Đây không phải quyết định dễ dàng nhưng tôi tin nó phù hợp với lợi ích quốc gia nhằm có một giai đoạn ổn định và cần có sự lãnh đạo mới.” Bên cạnh đó, ông cũng nhận định tân Thủ tướng sẽ là người phù hợp để ra quyết định khi nào bắt đầu tiến trình rời EU.

Thủ tướng Cameron trấn an các thị trường và các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Anh về cơ bản vẫn rất mạnh. Ông cũng đảm bảo với công dân Anh ở nước ngoài và công dân EU ở Anh rằng không có thay đổi bất ngờ nào.

Trong thời gian ở lại, ông Cameron nói mình sẽ cố gắng ổn định thị trường. “Tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ có thể với cương vị thủ tướng để củng cố con thuyền trong vài tuần và vài tháng tới. Nhưng tôi nghĩ sẽ không phù hợp nếu tôi ở lại vị trí người cầm lái” – ông nói.

“Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo”

Sau 4 tháng đấu tranh dai dẳng và quyết liệt giữa những nhóm người muốn Anh “rời đi” hay “ở lại” EU, gần 46,5 triệu người dân nước này đã tham gia bỏ phiếu từ lúc 13h ngày 23/6 cho đến tận 3h ngày 24/6 (theo giờ Hà Nội).

Đây là lần tổ chức trưng cầu dân ý thứ 3 trong lịch sử nước Anh, cũng là lần đạt kỷ lục về số lượng cử tri. Câu hỏi “Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời EU?” đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận thế giới trong nhiều ngày qua.

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng do Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức công bố cho thấy người Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu EU sau 43 năm gắn bó. Trong đó, có tới 17,4 triệu người ủng hộ Anh rời EU, cao hơn 4% so với 16,1 triệu người lựa chọn ở lại với khối.

Không lâu sau kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố, nhiều nhà chính trị ở Pháp, Hà Lan, Ý và Bắc Ireland kêu gọi trưng cầu dân ý trong nước.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chiến thắng của sự tự do. Như tôi đã nói nhiều năm qua, chúng ta nên có cuộc trưng cầu dân ý tương tự tại Pháp cũng như các nước EU khác”.

 Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp. Ảnh: AP

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp. Ảnh: AP

Ông Geert Wilders, chính trị gia Hà Lan chống nhập cư, cho rằng Hà Lan xứng đáng có cuộc bỏ phiếu “Nexit” (thuật ngữ chỉ việc Hà Lan rời khỏi EU). Thủ lĩnh đảng Tự do Hà Lan cho hay: “Chúng ta phải làm chủ đất nước, tiền bạc, biên giới và chính sách nhập cư của chính mình. Người Hà Lan cần phải có tiếng nói của riêng mình càng sớm càng tốt về tư cách thành viên của Hà Lan ở EU”.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 54% người dân Hà Lan muốn chính phủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Khả năng cuộc bỏ phiếu càng có thể xảy ra khi ông Wilders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về việc giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan. Lãnh đạo này tuyên bố: “Nếu tôi trở thành thủ tướng, sẽ có cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về việc rời khỏi EU. Hãy để người dân quyết định”.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng EU vẫn sẽ sống sót khi Anh “dứt áo ra đi” nhưng hiệu ứng domino ở các nước khác là không thể tránh khỏi”.

Tổng hợp từ nld.com.vn, vnexpress.net, kenh14.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc