Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nước Đức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ (phần 1)
Để kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ. Kính mời quý vị cùng thông tín viên Tường An nhìn lại những thành tựu cũng như những bất cập còn tồn đọng sau 25 năm thống nhất qua những chia sẻ của người Việt sống tại Cộng Hòa Liên Bang Đức

>> Ký ức 25 năm cuộc cách mạng nhung: Hungary

Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án "Lichtgrenze 2014" để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014  AFP

Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án “Lichtgrenze 2014” để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014
AFP

 Bức tường Berlin

Đêm 13 tháng 8 năm 1961, tại Berlin, một bức tường dài 156 km được dựng lên chia đôi 2 miền ý thức hệ. Bức tường đã giam cầm sự tự do của hơn 3 triệu người dân ròng rã 28 năm.

Mảng tối của hàng triệu cư dân Đông Đức chỉ thực sự được phơi bày sau khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989.

25 năm trôi qua, sau ¼ thế kỷ thống nhất, nước Đức còn, mất những gì, người dân của xứ sở Karl Marx và Einstein này thua thắng ra sao ở buổi chung cuộc ?

Mặc dầu trong một sớm một chiều, 40 triệu người dân Tây Đức đã phải cưu mang thêm 18 triệu người dân Đông Đức, thế nhưng, tinh thần dân tộc đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn ban đầu để vực dậy nền kinh tế và đưa nước Đức thành một quốc gia cường thịnh như hôm nay. Ông Lê Nam Sơn , ngụ tại thành phố Hannover nói :

« Trước đó, cuộc sống bên Tây Đức rất là dễ dàng, thoải mái. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, toàn nước Đức thống nhất thì nói chung cuộc sống không khá như trước. Nhưng để bù lại, cả một nước Tây Đức họ đã vực dậy phần còn lại bên Đông Đức và sánh ngang hàng với các nước Châu Âu. Nhưng người lãnh đạo của nước Đức có cái viễn kiến và họ đã đưa nước Đức lên ngang hàng với các nước Tây Âu, chuyện đó không phải là dễ »

Theo chị Thục Quyên ở Munchen, đa số người dân Đức hài lòng với cuộc thống nhất đất nước. Họ đặt tinh thần dân tộc lên trên mọi khác biệt để xây dựng đất nước. Chị Thục Quyên nói :

« Có khoảng 70% dân chúng đánh giá là cuộc thống nhất của đất nước họ từ tốt đến rất tốt. Phần lớn dân chúng rất là bằng lòng với tình hình chính trị và xã hội của đất nước họ. Điểm son của dân tộc Đức là tuy họ đã sống dưới 2 thể chế chính trị đối ngược với nhau trong hơn 40 năm trời nhưng người dân Đức vẫn có lòng tin tưởng ở tình anh em, tình dân tộc của họ. Và cái rất là hay là họ rất là sáng suốt, họ đã tách cái đảng Cộng sản của Đông Đức ra, là cái chính quyền phải chịu trách nhiệm. Người dân Tây Đức Tự do và người dân Đông Đức đã dẹp bỏ được những nghi kỵ với nhau, và vì vậy họ mới bắt được tay với nhau và làm việc »

Thực vậy, dưới sự điều hành của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck, cả 2 đều xuất thân từ Đông Đức , nước Đức đã trở thành một nền kinh tế đứng thứ tư trên thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế Âu châu. Từ Hannover, ông Lâm Đăng Châu nói :

« Đa số người dân 2 miền Đông Tây sống hoà thuận. Chính trị Đức ổn định, kinh tế Đức cho đến bây giờ rất ổn định, coi như là vững mạnh nhất ở Âu châu bây giờ. »

Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức

Nhìn vào sự cư xử của người dân Đức, theo ông Nguyễn Đình Tâm ở Berlin thì người ta có cảm tưởng hình như chưa hề có một bức tường nào ngăn cách giữa người dân Đông và Tây Berlin trước và sau năm 1961. Ông nói :

« Hồi đó, bức tường chưa sập nhưng vẫn có những người bên Đông Đức sang bên này để gặp bà con. Chính quyền Tây Đức còn tặng cho những người dân Đông Đức 100 Đức Mã. Rồi đến khi bức tường sập, thì người dân Tây Đức mở rộng vòng tay họ đón tiếp (người dân Đông Đức) như người thân thiết của họ »

Cho tới nay, người dân Đức đã phải đóng góp hàng ngàn tỷ Đức Mã để cưu mang thêm một nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm dưới chế độ Cộng sản. Từ Berlin, ông Hoàng Kim Thiên nói :

« Kinh tế của Đông Đức trước 1989 thì không phát triển gì nhiều. Nhưng sau khi bức tường đổ , Tây Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ở Tây Đức, mỗi người dân đi làm phải đóng 7% thuế để xây dựng Đông Đức. Sau 25 năm thống nhất, kinh tế nước Đức vẫn giữ rất là vững. Thì đó là sự hãnh diện của người Đức 

Sự khác biệt về mặt vật chất đã được san bằng, còn về con người thì sao ? Theo chị Anh Đào ở Berlin, thì đâu đó vẫn còn sự khác biệt về tư tưởng giữa những con người của thế giới tự do và những người đã sống một thời gian dài dưới chế độ cộng sản. Chị Anh Đào nói :

« Nói chung sau 25 năm, sự thống nhất của nước Đức rất là hoàn hảo. Mặc dù còn một số ít những người dân Đông Đức vẫn còn những tư tưởng của chế độ cũ, nhưng từ từ họ vẫn hoà mình với phía bên Tây Đức này » 

Sự khác biệt này, theo ông Hoàng Kim Thiên dần dần cũng đã được san bằng : 

« Trước đây khoảng 10 năm. Thí dụ như trong hãng, xưởng, thí dụ như người Tây Đức có vẽ phóng khoáng hơn, tức là họ nghĩ gì thì họ nói đó. Còn người Đông Đức họ hơi dè dặt một chút xíu. Nhưng bây giờ, sau 25 năm qua, tôi thấy cái tinh thần đó không còn nữa » 

Một điều ngoạn mục là sau một thời gian đầu tư để lấp đầy khoảng trống giữa Tây và Đông Đức. Giờ phía bên Đông Đức lại hình như vượt trội cả Tây Đức về mặt hạ tầng cơ sở cũng như chất xám. Ông Lâm Đăng Châu nói :

« Trước đây người dân Đông Đức qua Tây Đức để tìm công ăn việc lắm để sinh sống. Nhưng từ năm 2013 thì ngược lại : Những người dân Tây Đức đã bắt đầu qua Đông Đức để bắt đầu xây dựng sinh sống làm ăn. Đấy là những sự phát triển rất là ngoạn mục. Nước Đức họ vui mừng thấy đó là một trong những tiến bộ »

Từ Berlin, chị Mỹ Lâm cũng ghi nhận những thành quả thực tế mà Tây Đức đã đóng góp cho Đông Đức :

« Phải nhìn nhận rằng sự giúp đỡ của Tây Đức cho Đông Đức rất là lớn và những thành quả đó cũng thấy được , bằng chứng là ở Berlin có nhiều những bệnh viện được xây ở Đông Đức còn tối tân gấp mấy lần những bệnh viện đã có sẵn ở Tây Berlin. Hạ tầng cơ sở, đường xá, bệnh viện , trường học, nhà cửa được xây dựng lại rất là mới »

Với hàng chục ngàn người Việt đang lao động tại Đông Đức trước 1989, sự hội nhập tuy quả là không dễ dàng sau khi cánh cửa tự do mở ra, nhưng sau 25 năm , ông Nguyễn Thành Lương ở Frankfurt cũng đã ghi nhận những thành công đáng kể của họ :

« Người Việt sau khi bức tường Berlin sụp đỗ chạy qua bên này (Tây Đức) thì không được hưởng những ưu đãi (như người Tây Đức lúc đó) nhưng dần dần người mình cũng chịu khó làm ăn và hội nhập. Mấy năm trở lại đây thấy họ cũng bắt đầu làm ăn đàng hoàng, không còn lối làm ăn chụp giựt trước đây nữa. Đó cũng là một thành công ! Và nhất là một trong những thành công mà báo chí Đức mấy năm gần đây nó rất nhiều về sự học hành của con em người Việt mình ở bên Đông »

Được sống trong một không khí hoàn toàn tự do, từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng sản phát biểu : 

« Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia và việc của nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền Tự do »

Đó cũng là sự may mắn của ông Nguyễn Thành Lương, một thuyền nhận tị nạn ở Tây Đức khi gặp được người phối ngẫu là chị Mai, một công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức. 25 năm bức tường sụp đổ là gần 25 năm mà ông Nguyễn Thanh Lương sống chung dưới một mái nhà :

« Từ sự may mắn của tôi, tôi cũng chia sự may mắn đó cho nhà tôi sớm được hội nhập »

Từ sự thống nhất của một quốc gia, đến sự thống nhất của hai tâm hồm. Đây có phải là một thí dụ tuyệt vời về sự hoà giải ? Chị Mai vui cười nói :

« Đấy mới là thống nhất nhỉ ??? »

Tường An

Theo rfa 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc