Theo tạp chí The National Interest (TNI) của Mỹ, Trung Á cũng quan trọng đối với Nga không kém gì Ukraine. Do vậy, Moscow sẽ không để yên cho Trung Quốc giành được ngày càng nhiều ảnh hưởng ở đây.
TNI cho rằng, mặc dù mối quan hệ Nga – Trung gần đây có những tiến triển rất lớn với các thỏa thuận trị giá tới hàng trăm tỷ USD nhưng việc hai nước này sẽ biến thành một khối để đối đầu với Mỹ là điều không thể. Nền tảng cho mối quan hệ Moscow – Bắc Kinh sẽ bị xói mòn bởi một cuộc cạnh tranh địa chính trị ngấm ngầm ở mảnh đất màu mỡ Trung Á.
![]() |
Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đang ngày càng tăng. Chiến lược hướng tây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Á đối với kinh tế và sự phát triển của Trung Quốc.
Trung Á có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Hơn nữa, với vị trí địa lý gần với Trung Quốc nên nơi đây trở thành một nguồn cung cấp tài nguyên giá rẻ và đáng tin cậy cho Bắc Kinh. Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tại đây bao gồm hàng loạt thỏa thuận với Kazakhstan có trị giá tới 30 tỷ USD, 31 thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD với Uzbekistan, và các giao dịch khí đốt với Turkmenistan năm 2013 đạt khoảng 16 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã cung cấp các khoản vay và viện trợ 8 tỷ USD cho Turkmenistan cũng như dự kiến sẽ cung cấp ít nhất 1 tỷ USD cho Tajikistan. Năm ngoái, Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ với Kyrgyzstan lên một tầm cao chiến lược.
Bắc Kinh cũng xem các nước Trung Á là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan, được cho là đang kích động bất ổn sắc tộc ở miền tây Trung Quốc.
Trong khi đó, nếu coi Ukraine là sân trước của Nga, thì Trung Á sẽ là sân sau. Nga có mối quan hệ lịch sử, kinh tế, và chính trị lâu dài với các chính phủ Trung Á. Moscow đã tìm cách củng cố những mối quan hệ này thông qua các sáng kiến hội nhập khu vực như Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên minh Hải quan và Liên minh kinh tế Á-Âu. Moscow đặc biệt quan tâm đến việc duy trì khả năng kiểm soát xuất khẩu năng lượng và tài nguyên Trung Á để bảo vệ vị trí của mình trên thị trường thế giới vì Trung Á là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với việc xuất khẩu năng lượng của Nga, huyết mạch của nền kinh tế Nga. Quyền sở hữu các mạng lưới đường ống của Liên Xô cũ giúp Nga có thể kiểm soát xuất khẩu năng lượng của Trung Á. Nga cũng có thể nâng cao chất lượng sản phẩm dầu khí của mình bằng cách kết hợp nó với dầu chất lượng cao hơn từ Kazakhstan.
![]() |
Nếu coi Ukraine là sân trước của Nga, thì Trung Á sẽ là sân sau. |
Như vậy, cho đến nay, Nga và Trung Quốc đều có lợi ích lớn ở Trung Á. Trong khi các vấn đề an ninh như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đưa hai nước tới gần nhau hơn thì việc Trung Quốc đang xâm nhập sâu hơn vào Trung Á khiến cho Bắc Kinh – Moscow không thể tránh khỏi việc trở thành đối thủ cạnh tranh.
Nếu các nước Trung Á giàu năng lượng khám phá ra các tuyến đường vận chuyển dầu mới, chẳng hạn như các đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Kazakhstan, Nga sẽ bị rơi vào tình thế rất đáng ngại. Lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng sụt giảm kết hợp với những thách thức kinh tế sẽ có thể khiến nền kinh tế Nga gặp nguy hiểm.
Về mặt kinh tế, hiện nay Nga vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các nước Trung Á. Nguồn kiều hối từ lao động Trung Á ở Nga hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế của các nước Trung Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng sẽ đem lại cho các nước Trung Á cơ hội đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của họ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Năm 2012, thương mại giữa Trung Quốc với khu vực này đạt 46 tỷ USD, gần gấp đôi so với Nga. Đối mặt với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ hơn về kinh tế, Nga sẽ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn để theo kịp và giữ Trung Á trong “quỹ đạo” của mình. Với tình trạng trì trệ kinh tế và khả năng xảy ra bất ổn kéo dài ở sân trước (Ukraine), điều này sẽ là một thách thức lớn đối với Moscow.
Chẳng gì ngăn được
Theo TNI, cơ chế đa phương dường như không thể ngăn được cuộc cạnh tranh Nga – Trung. Nga không chấp nhận một khuôn khổ đa phương nào không nằm dưới sự lãnh đạo của nước này; còn Trung Quốc thì tỏ ra hoài nghi các tổ chức mà Bắc Kinh không được kiểm soát. Bắc Kinh đã thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm 6 nước: Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Tuy vậy, có rất ít khả năng SCO có thể dung hòa và kiềm chế những áp lực cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc trong hội nhập kinh tế tại khu vực này.
Theo nhận định của TNI, các lợi ích chung cũng không thể ngăn được sự cạnh tranh trên. Nhiều người coi việc buôn bán vũ khí là một ví dụ về một trục Trung Quốc – Nga mạnh mẽ. Tuy nhiên, mặc dù Nga bán hàng ngàn vũ khí cho Trung Quốc, nhưng vẫn bán nhiều vũ khí hơn cho Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc. Nga từ chối bán cho Trung Quốc những loại vũ khí tiên tiến nhất để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và vì sợ rằng quân đội Trung Quốc có thể trở nên quá mạnh mẽ. Do đó, thực tế là, buôn bán vũ khí còn trở thành một nguồn gốc cho sự căng thẳng giữa hai nước và số lượng giao dịch vũ khí giữa Moscow và Bắc Kinh đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Hơn nữa, ngoài Trung Á, còn một vấn đề lớn khác đang là trở ngại cho mối quan hệ Trung – Nga. Ở vùng Viễn Đông Nga, Moscow đang lo ngại về sự xâm lấn của Bắc Kinh. Ở cách xa thủ đô và có dân cư thưa thớt, vùng Viễn Đông của Nga đang xuất hiện ngày càng nhiều thương nhân Trung Quốc, thay đổi nhân khẩu học có lợi cho Trung Quốc và có nhen nhóm nguy cơ khu vực này có thể đòi sáp nhập vào Trung Quốc khi số người Trung Quốc ở đây vượt qua nhiều so với người Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo Infonet
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!