Home » Thế giới » Cảnh sát Hồng Kông dọn sạch chướng ngại vật của người biểu tình
Cảnh sát Hồng Kông bề thế xuất hiện ở Vượng Giác vào buổi sáng thứ sáu, 17/10, và bắt đầu phá hủy các địa điểm biểu tình.
xe 1

Xe tải đang dỡ bỏ các mảnh vụn từ tấm rào chắn do người biểu tình dựng lên để chặn một con đường chính ở Vượng Giác, 17/10/2014. Buổi sáng sớm hôm 17/10, cảnh sát đã càn quét, bắt giữ, và loại bỏ hầu hết mọi rào chắn mà người biểu tình nắm giữ kể từ cuối tháng Chín. (Benjamin Chasteen/ Epoch Times)

Vào khoảng 5:30 sáng theo giờ Hồng Kông, cảnh sát đột ngột xuất hiện tại khu vực biểu tình ở Vượng Giác. Họ cho người biểu tình 15 phút để đóng gói đồ đạc và sau đó, họ bắt đầu quét sạch khu vực này.

Cảnh sát nói rằng, họ đang dọn dẹp đường Di Đôn (Nathan Road) và Á Giai Lão Nhai (Argyle Street) cho giao thông qua lại.

Lều, trại, rào chắn và các tấm biểu ngữ đều bị gỡ xuống.

 don dep1

Cuộc biểu tình ở Vượng Giác bị quét sạch.

 

 canh sat

Nhiều cảnh sát tới Vượng Giác để xóa sạch các rào chắn biểu tình

 

Cảnh sát đã có cuộc đụng độ ngắn với những người biểu tình dựng lều trại trên các đường phố Hồng Kông ngày thứ Năm, nhưng họ tỏ ra lưỡng lự khi tháo dỡ các rào chắn mà người biểu tình dựng lên để ủng hộ dân chủ trong lãnh thổ Trung Quốc.

Cơn giận giữ của công chúng bắt đầu nổi lên sau khi có người công bố đoạn phim cho thấy: cảnh sát đã đánh đập một người biểu tình bị còng tay. Sự việc này xảy ra vào đêm thứ Tư, khi cảnh sát đang đối phó với các sinh viên chiếm đóng đường cao tốc và hầm đường. Họ đã bắn hơi cay vào người biểu tình, và lôi đi hàng chục người khác.

Sau đêm thứ Năm, cảnh sát lại sử dụng hơi cay để đẩy lùi những đám đông đang cố chiếm đóng một con đường bên ngoài trụ sở chính phủ. Cảnh sát cho biết, hai người biểu tình đã bị bắt giữ với lý do: một người đã đá chai lọ vào xe ôtô tư nhân, và người còn lại đã tấn công cảnh sát; ba cảnh sát đã bị thương.

Việc tấn công cảnh sát có vẻ như đang đánh dấu sự thay đổi trong thái độ của nhiều người biểu tình.

“Trong mọi lần biểu tình tôi đều nói là: các cảnh sát tiền tuyến chỉ làm theo mệnh lệnh. Chúng ta không nên làm thương tổn những sĩ quan tiền tuyến ấy chỉ bởi chúng ta đang giận dữ hay bởi chúng ta đổ lỗi cho họ. Cảnh sát tiền tuyến chỉ đang làm nhiệm vụ của họ”- Joshua Hoàng Chi Phong – 18 tuổi, lãnh đạo sinh viên nhóm Học Giả (Scholarism), một trong ba nhóm chủ chốt dẫn đầu cuộc biểu tình – phát biểu trong buổi tập trung tối thứ Tư tại địa điểm biểu tình ở Kim Chung.

“Nhưng tôi sẽ không nói như vậy nữa trong các cuộc biểu tình trong tương lai. Nếu họ chỉ làm nhiệm vụ của mình, tại sao họ lại phải đánh người?”

Cả hai bên dường như đang tham gia vào trò chơi “mèo và chuột”, khi cuộc biểu tình bước vào tuần thứ ba.

Đầu tuần này, cảnh sát đã tháo dỡ các rào chắn ở rìa khu vực biểu tình nhằm xóa sổ ba điểm biểu tình chính. Được biết, việc chiếm đóng và chắn đường đã ngăn trở giao thông và khiến một số doanh nghiệp địa phương nổi giận.

Những người biểu tình đã phản ứng trước động thái này của cảnh sát. Họ xây dựng các rào chắn mới kiên cố bằng tre, nhưng sau đó đã bị cảnh sát phá hủy. Tiếp theo, họ chuyển vào một đường hầm và đã bị cảnh sát dùng vũ lực đẩy lùi hôm thứ Tư.

Trước những chiến thuật mà cảnh sát sử dụng vào đêm thứ Tư, cơn thịnh nộ của công chúng đã bùng nổ sau khi một đài truyền hình địa phương phát sóng đoạn phim cảnh sát kéo một người biểu tình vào góc tối trong công viên, và liên tục đá anh ta nằm trên đất. Nguyên nhân của vụ việc này vẫn chưa được làm rõ. Hiện tại, đài truyền hình địa phương cho thấy, trước đó người này đã hắt nước vào cảnh sát.

Nhân vật trong đoạn phim nói trên là anh Ken Tsang, anh kể mình bị đánh đập trong khi “đã bị bắt giữ và không có khả năng tự vệ”. Anh cũng nói thêm rằng, sau đó anh lại bị đánh đập trong sở cảnh sát. Anh Tsang cũng kéo áo lên để các phóng viên thấy thương tích trên cơ thể. Anh cho biết sẽ cân nhắc các hành động pháp lý để chống lại cảnh sát. Được biết, Tsang là thành viên trong một đảng chỉnh trị ủng hộ dân chủ.

Phát ngôn viên cảnh sát, ông Steve Hui cho biết: bảy cảnh sát liên quan đến vụ việc trên đang tạm thời được bổ nhiệm lại, chính quyền sẽ tiến hành điều tra một cách khách quan.

Vài trăm người đã có mặt tại trụ sở cảnh sát Hồng Kông vào đêm thứ Tư để phản đối vụ việc của Tsang. Đây là cuộc biểu tình do công đoàn tổ chức, bởi Tsang cũng là một thành viên của công đoàn. Họ đã xếp hàng để khiếu nại về vụ đánh đập này.

“Anh ấy đã bị còng tay và không thể kháng cự, vậy mà anh vẫn bị đánh” – trích lời Maggie Yuen, một trong những người biểu tình. “Tôi không thấy có bất cứ lời giải thích nào ngoài việc cảnh sát đang lạm dụng quyền hành”.

Những người biểu tình đã đổ xuống đường phố kể từ 26/9 để phản đối quyết định của chính phủ trung ương Trung Quốc, đó là sẽ sàng lọc ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào năm 2017. Họ cũng kêu gọi vị lãnh đạo không được người dân ủng hộ, đồng thời cũng là vị lãnh đạo được Bắc Kinh lựa chọn – Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh – phải từ chức.

Bắc Kinh cũng ngày càng mất kiên nhẫn với các cuộc biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông. Đó là chướng ngại lớn nhất đối với chính quyền kể từ khi Trung Quốc tiếp quản vùng đất cựu thuộc địa Anh vào năm 1997. Dù không có dấu hiệu từ trước, nhưng Bắc Kinh đã lên kế hoạch tham gia trực tiếp vào việc đàn áp cuộc biểu tình này

Larry Ong

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc