Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » 8 năm cực khổ của luật sư Cao Trí Thịnh nên kết thúc ở đây
Gia đình của luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, cùng với rất nhiều người ngưỡng mộ và ủng hộ ông trên thế giới, đang lo lắng trông chờ ngày 7 tháng 8. Hạn tù của ông sẽ kết thúc vào ngày đó.
Luật sư Cao Trí Thịnh

Luật sư Cao Trí Thịnh

Trong một buổi phỏng vấn với Đại Kỷ Nguyên, vợ ông là bà Cảnh Hạp đã kêu gọi trả tự do cho chồng vào ngày 7 tháng 8. “Vào ngày đó anh phải được trả tự do và đoàn tụ với gia đình. Sau đó anh sẽ quyết định hướng đi tiếp theo của mình”- bà Cảnh Hạp nói.

Là một luật sư tự học, ông trở nên nổi tiếng lần đầu khi ông bắt đầu đứng lên bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tàn tật mà không tính phí, trong bối cảnh các công việc pháp lý tình nguyện là không mấy phổ biến ở Trung Quốc.

Lớn lên trong gia cảnh cực kỳ khốn khó, ông có một sự đồng cảm với những người thấp cổ bé họng. Ông đã đứng lên bảo vệ những người có nhà hoặc ruộng đồng bị các quan chức thông đồng với những nhà phát triển bất động sản cưỡng chế, mặc dầu kết quả không thành công. Ông cũng đã bảo vệ cho những người Công giáo bị áp bức.

Vào tháng 12 năm 2004, ông đã được Bộ Tư pháp công nhận là một trong những Luật sư Giỏi nhất Trung Quốc. Nổi tiếng hơn nữa, ông cũng được mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc”.

Vào tháng 12 năm 2004, vai trò luật sư của ông đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của ĐCSTQ khi ông viết một bức thư đến Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc nhằm yêu cầu thả tự do cho một học viên Pháp Luân Công tên là Hoàng Duy, người đã bị kết án vào trại lao động chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của anh.

Vào tháng 10 và 12 năm 2005, ông đã cho đăng một bức thư ngỏ khác gửi đến giới lãnh đạo ĐCSTQ nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.

Sự đối đầu công khai của ông đã ngay lập tức bị đáp trả. Vào mùa thu năm 2005, các viên chức an ninh đã đặt ông và gia đình dưới tình trạng giám sát liên tục 24h trong ngày. Vào tháng 11 năm 2005, văn phòng luật sư của ông đã bị đóng cửa. Cũng có cả những âm mưu nhằm bắt cóc, đe dọa, và ám sát ông.

Vào ngày 15 tháng 8 năm 2006, ông bị cảnh sát bắt cóc và bỏ tù, và vào tháng 12 ông Thịnh đã chính thức bị kết tội “kích động chống phá nhà nước”. Bị kết án treo 5 năm và quản thúc tại gia, ông thường xuyên bị bắt cóc và tống giam.

Khi bị giam giữ, ông đã bị tra tấn. Khi có cơ hội, ông Thịnh phơi bày việc này. Một bức thư ngỏ được ông công khai năm 2009, đã miêu tả 50 ngày bị tra tấn ông phải chịu đựng vào năm 2007. Ông đã bị sốc điện nhiều ngày với baton điện, bao gồm ở cả bộ phận sinh dục, khói thuốc bị thổi vào mắt ông cho đến khi chúng sưng phồng lên, và xiên nhọn dùng để chọc vào bộ phận sinh dục của ông.

Như một biện pháp trừng phạt vì dám mở miệng, ông đã lại một lần nữa hứng chịu một phiên tra tấn mà sau đó ông nói rằng nó còn tệ hơn điều ông đã chịu đựng vào năm 2007. Ông đã trải nghiệm cảm giác mạng sống của mình chỉ như “mành treo chuông”.

Vào tháng 8 năm 2011, hạn tù 5 năm của ông đã kết thúc. Tuy nhiên, chính quyền tuyên bố rằng ông đã vi phạm án tù treo nên đã kết án ông thêm ba năm nữa ở Nhà tù Sa Nhã ở tỉnh Tân Cương phía Tây Trung Quốc xa xôi.

Trải nghiệm đau đớn của một gia đình

Khi ông trải qua những cuộc tra tấn đau đớn, gia đình ông cũng bị liên lụy. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Đại Kỷ Nguyên, vợ ông là bà Cảnh Hạp đã nói về áp lực mà gia đình phải chịu đựng.

Bà đã cố gắng gọi cho em trai của ông để hỏi về kỳ hạn ra tù của ông, nhưng không thể liên lạc được. Khi bà gọi cho anh trai của ông, bà được bảo rằng do có áp lực rất lớn lên phía gia đình của người em trai nên cậu ta đã không thể trả lời điện thoại của bà.

Bà Cảnh Hạp nhận thức một cách sâu sắc áp lực chính quyền có thể tạo ra. Bà và hai đứa con đã trốn thoát khỏi áp lực đó bằng cách trốn chạy khỏi Trung Quốc và đến New York định cư vào tháng 3 năm 2009.

Trong một cuộc họp báo sau khi đến New York, bà đã miêu tả những gì gia đình bà đã phải chịu đựng: “Căn hộ một tầng ở tòa nhà chung cư bị cảnh sát canh gác suốt ngày đêm. Cũng có cảnh sát ở trong căn hộ của chúng tôi. Nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị họ giám sát, bao gồm cả việc sử dụng nhà vệ sinh và phòng tắm”.

“Khi chúng tôi đi ngủ, cảnh sát ngồi bên cạnh chúng tôi, và chúng tôi không được phép tắt đèn. Lũ trẻ không thể ngủ được, ngay cả khi chúng cảm thấy buồn ngủ”.

“Họ cấm con tôi đến trường, vì thế nó đã cố gắng tự tử”- bà Cảnh Hạp nói. “Khi tôi biết chuyện này, tôi đã hoàn toàn suy sụp. Nên tôi đã quyết định chạy trốn vì quyền lợi của lũ trẻ”.

Ở Hoa Kỳ, con gái ông đã vượt qua được nỗi buồn của bản thân, trở thành một học sinh luôn được điểm A, và đỗ vào đại học.

Văn Kinh Mã là đạo diễn một bộ phim về ông với tên gọi “Vượt qua nỗi sợ: Câu Chuyện của Cao Trí Thịnh”. Trong một buổi phỏng vấn với Đại Kỷ Nguyên cô Mã đã nhớ lại việc cô đã từng hỏi bà Cảnh Hạp rằng đã bao giờ bà từng hối hận về con đường mà ông Cao đã chọn chưa? Rốt cục, nếu ông không cống hiến bản thân mình để bảo vệ nhân quyền, thì bà và gia đình đã có thể tận hưởng một cuộc sống thượng lưu, thoải mái ở Bắc Kinh.

“Bà Cảnh Hạp ngay lập tức đáp lại: “Tôi không hối hận, bởi lẽ bất cứ ai cũng sẽ hành xử như vậy’-” cô Mã nói. “Nó cho thấy trái tim bà thiện lương đến chừng nào. Bà cảm thấy rằng đây là điều ông phải làm”.

“Chỉ với một gia đình như vậy ông mới có thể trở thành một con người vĩ đại”- cô Mã nói. “Vợ ông cũng là một con người rất vĩ đại”.

“Khi một người đàn ông đối mặt với bộ máy đàn áp, ông đã bị nghiền nát hết lần này đến lần khác, nhưng mỗi khi có cơ hội, ông lại đứng lên lần nữa và làm điều đúng đắn một lần nữa”- cô Mã nói. “Đó là điều rất, rất cảm động đối với tôi”.

“Ông đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ, bởi vì ông là người đầu tiên dám công khai lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công”- cô Mã nói. “Vào thời điểm đó, hầu như không có ai dám làm điều này. Ông được lấy ra làm tấm gương để cố gắng làm nhụt ý chí bất cứ ai dám làm điều tương tự.

“Rất nhiều người, thay vì nản lòng, lại được khích lệ bởi tấm gương của ông để lên tiếng cho Pháp Luân Công. Hàng chục luật sư đã bắt đầu đứng lên bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công. Đó là điều không tưởng trước đây”.

Phóng Thích

Từ khi bị bắt, ông đã nhận được sự ủng hộ từ các nghị sỹ Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, Canada và các nước khác, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế và các tổ chức nhân quyền khác, các học viên Pháp Luân Công, và nhiều nhóm Công giáo khác nhau.

Ông đã ba lần được tiến cử cho giải thưởng Nobel Hòa Bình, và đã được Hội Luật sư Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng cho nhân quyền quốc tế. Ít nhất 150.000 người đã ký tên thỉnh nguyện yêu cầu thả ông ra.

Giờ đây khi thời gian mãn hạn tù của ông đến gần, câu hỏi đặt ra cho gia đình và những người ủng hộ ông là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trong buổi phỏng vấn với Đại Kỷ Nguyên, bà Cảnh Hạp đã nhấn mạnh nhiều hơn một lần rằng ông nên: “chọn nơi ông nên đi, chứ không phải chính quyền và cảnh sát xác định nơi ông nên đến”.

Hoành Hà, một chuyên gia trong lĩnh vực chính trị Trung Quốc, người thường xuyên viết bài cho Đại Kỷ Nguyên, đã nêu ra trường hợp của Hồ Giai – nhà hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS. Ông Hồ Giai đã được thả khỏi tù đúng hạn, nhưng lại bị quản thúc tại gia sau đó.

Hoành Hà sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu kết quả tương tự xảy đến với ông.

“Bỏ tù Cao Trí Thịnh là một điều sai trái”- Hoành Hà nói. “Ông ta chỉ đơn giản chỉ ra rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai trái”.

“Vào năm ngoái, các lãnh đạo ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp đã bị thanh trừ từng người một, nhưng ĐCSTQ vẫn không thay đổi chính sách của mình. Chỉ khi ĐCSTQ làm vậy, trường hợp của ông mới thật sự được đóng lại”.

Stephen Gregory

Báo cáo thêm bởi He Yi.

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc