Home » Thế giới » Các Nghị sĩ Mỹ kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Một nhóm Nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và những người lãnh đạo của các tổ chức nhân quyền hôm 17 tháng 7 năm 2014 đã tham dự một buổi lễ kỷ niệm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn người ta quên đi – 15 năm đàn áp Pháp Luân Công.

Hàng trăm học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ đã tụ họp trên Thảm cỏ phía Tây của trụ sở Quốc hội Mỹ để chào đón những bài phát biểu kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp được khởi động ngày 20 tháng 7 năm 1999 này ở Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Dana Rohrabacher (Đảng Cộng hòa – California) phát biểu tại cuộc mít-tinh ủng hộ Pháp Luân Công và hối thúc Quốc hội Mỹ có hành động để giúp chấm dứt cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc nhằm vào môn tập thiền này, tại trụ sở của Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 17 tháng 7 năm 2014. (Edward Dai/Epoch Times)

Những người tham dự tưởng niệm 3.769 học viên Pháp Luân Công được xác minh là đã bị chính quyền Trung Quốc giết hại.  Con số thực tế những người đã bị chết do tra tấn và ngược đãi trong khi bị giam giữ trong các nhà tù, trại giam, trại cải tạo lao động và cơ sở tẩy não, không nghi ngờ gì, còn lớn hơn gấp nhiều lần.  Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tin rằng hàng chục ngàn học viên nữa đã bị giết chết để lấy nội tạng để dùng cho cấy ghép.

Hạ Nghị sĩ Sam Farr (Đảng Dân chủ-California) phát biểu tại cuộc mít-tinh ủng hộ Pháp Luân Công và hối thúc Quốc hội Mỹ có hành động để giúp chấm dứt cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc nhằm vào môn tập thiền này, tại trụ sở của Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 17 tháng 7 năm 2014. (Edward Dai/Epoch Times)

Các đại biểu cũng vinh danh hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vì đã thực hiện việc “bất tuân dân sự trên một phạm vi chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc,” theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Hạ Nghị sĩ Sam Farr (Đảng Dân chủ-California) nghiêm nghị nói:

“Ước tính rằng nhiều triệu người đã bị lôi cuốn bởi các nguyên tắc giá trị đạo đức Chân, Thiện và Nhẫn của Pháp Luân Công.  Ba nguyên tắc này là hòn đá tảng vững bền của một xã hội dân chủ.  Thế nhưng… như một trò đùa là các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại và tra tấn, và phải chịu cả những hành động ghê tởm không thể hiểu được.”

Hạ Nghị sĩ Blaine Luetkemeyer (Đảng Cộng hòa-Missouri) đã viết một bức thư ủng hộ cuộc mít-tinh rằng, “Bước theo một phong trào được xây dung trên các nguyên tắc đạo đức ôn hòa, các học viên Pháp Luân Công đã đáp lại cuộc đàn áp này bằng cách phản đối phi bạo lực và cung cấp thông tin cho nhân dân Trung Quốc về tín ngưỡng của mình.  Tuy nhiên, những thành viên Pháp Luân Công bị giam giữ vẫn bị ngược đãi và tra tấn, bao gồm cả bị cưỡng bức cải đạo, cưỡng bức lao động, và thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.”

Tính chất đặc thù của cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã được quan sát bởi ông William J. Murray, Chủ tịch Liên minh Tự do Tôn giáo, người đã đến Trung Quốc năm ngoái và nói chuyện với nhiều người Trung Quốc.

Ông Murray thấy một số người chỉ trích quá khứ của Trung Quốc, đặc biệt là Đại Cách mạng Văn hóa và chính sách một con hiện thời của Trung Quốc.  “Tuy nhiên, khi tôi nêu lên chủ đề về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, thì tôi gặp phải sự im lặng.  Một chủ đề khác mà không ai muốn nói về là [cưỡng bức] thu hoạch nội tạng từ các tù nhân ở Trung Quốc…”

Ông Murray cảm thấy kinh hoàng khi thấy ĐCSTQ dùng nhiều thời gian và nguồn lực để trấn áp “những giáo hội Cơ Đốc không đăng ký và Pháp Luân Công hơn là các nhóm đề cao thánh chiến bạo lực đã thực hiện cuộc tấn công chết người trên Quảng trường Thiên An Môn.”

Thu hoạch nội tạng cưỡng bức

Áp lực phải làm gì đó về vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác đã thường được nhắc đến bởi gần như tất cả các đại biểu.  Tại Hạ viện, Nghị quyết 281 đã nhận được “sự ủng hộ đáng kể từ cả hai đảng” với 182 nghị sĩ đồng bảo trợ, Nữ Hạ Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen (Đảng Cộng hòa-Florida) nói.

Bản nghị quyết này lên án “việc thu hoạch nội tạng do nhà nước bảo trợ một cách có hệ thống từ các tù nhân lương tâm trái với ý muốn của họ ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”  Bản dự thảo nghị quyết được đưa ra Hạ viện bởi bà Ros-Lehtinen và nguyên Hạ nghị sĩ Robert Andrews (Đảng Dân chủ-New Jersey).

Bà Ros-Lehtinen nói Nghị quyết H. Res. 281 kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt việc thu hoạch nội tạng của tất cả các tù nhân, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, và nghị quyết cũng kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hạ Nghị sĩ Donald Payne (Đảng Dân chủ-New Jersey) mô tả hệ thống cấy ghép tạng như sau: “Thời gian chờ đợi để được ghép tạng ở Trung Quốc cực kỳ ngắn, với các bệnh viện quảng cáo sự sẵn có của thận hoặc gan chỉ trong một vài ngày.  Nội tạng của các học viên Pháp Luân Công bị mổ lấy từ thân thể họ, để thỏa mãn nhu cầu của một hệ thống ghép tạng khổng lồ.  Những học viên Pháp Luân Công này bị hy sinh như là nguồn tạng sống, bị cắt bỏ nội tạng thiết yếu để thuận tiện cho người cần ghép tạng.”

Năm ngoái, tổ chức Các bác sĩ Chống lại việc Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức đã trình lên Cao Ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền một bản gồm 1,5 triệu chữ ký kêu gọi một cuộc điều tra việc Trung Quốc giết chết các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ đem bán.

Hạ Nghị sĩ Aaron Schock (Đảng Cộng hòa-Illinois) đã viết một bức thư gửi cuộc mít-tinh và nó đã được đọc to lên.  “Những việc [thu hoạch nội tạng] này vi phạm mọi giáo lý của nhân quyền có thể tưởng tượng được, và tôi vinh hạnh được đồng bảo trợ bản nghị quyết lưỡng đảng này.”

Wang Zhiyuan, người phát ngôn của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) nói tại cuộc mít-tinh rằng “Tất cả các phẫu thuật viên ghép tạng [ở Trung Quôc] đều bị tình nghi là thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công.”

Wang Zhiyuan nói tổ chức WOIPFG đã công bố bằng chứng tội ác của ĐCSTQ và những cá nhân chịu trách nhiệm để một ngày nào đó đưa họ ra công lý.  WOIPFG đã đưa ra hơn 5.000 thông báo điều tra và công bố 251 bản báo cáo điều tra, và sẽ sớm “công bố một danh sách chưa đầy đủ các cá nhân bị tình nghi là đã tham gia vào việc thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.”

Chủ nghĩa Cộng sản và Lịch sử

Hai Hạ Nghị sĩ, Chris Smith (Đảng Cộng hòa-New Jersey) và Dana Rohrabacher (Đảng Dân chủ-California) đã đặt cuộc đàn áp đã kéo dài 15 năm vào một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn.  Ông Smith không thể đến dự buổi mít-tinh vì ông phải có mặt ở Quốc hội để bỏ phiếu, nhưng bài diễn văn của ông đã được đọc to lên rằng:

“Chiến dịch tàn bạo nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những điều đáng xấu hổ nhất trong hai thập kỷ qua.  Hàng năm các bạn tập trung ở Washington để nhắc nhở chúng tôi về tội ác chống lại loài người này. … Đất nước loại gì mà lại giết hại, tra tấn, bỏ tù những con người ôn hòa tìm kiếm sự khai sáng trong tập thiền và sức khỏe?  Liệu chúng ta có thể tin tưởng một đất nước như vậy như một đồng minh được không?  Như một đối tác an ninh được không?  Như một đối tác đáng tin cậy trong thương mại được không?  Tất nhiên câu trả lời là ‘không’.”

Ông Rohrabacher nói, “Thực tế là chủ nghĩa cộng sản đã ở trong đống tro tàn của lịch sử… tất cả những gì nó làm là áp bức hàng triệu người. … Những người tử tế phải bước lên và nói rằng chủ nghĩa cộng sản là sai, nó đã không đem lại kết quả tốt.  Nó là một cơn ác mộng chứ không phải là một giấc mơ.   … Đây là lúc tất cả chúng ta phải tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người trên hành tinh này, và điều đó phải đặc biệt đúng cho những người tin theo tôn giáo.”

Cưỡng ép từ bỏ tín ngưỡng

Năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch ba năm mới trên toàn quốc nhằm “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công – ép buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình.  Các học viên hiện đang bị đưa đến các cơ sở giam giữ mà thường được các quan chức gọi là “trung tâm giáo dục pháp luật”, và các nhà hoạt động nhân quyền gọi là “trung tâm tẩy não.

“Việc bắt ép các học viên phải cải đạo và cải tạo thật đáng thất vọng”, dẫn lời Hạ Nghị sĩ Bill Foster (Đảng Dân chủ – Illinois) trong một bức thư ủng hộ cuộc mít-tinh.

Thượng Nghị sĩ Robert Menendez (Đảng Dân chủ-New Jersey) nói trong một bức thư gửi cuộc mít-tinh do Trợ lý Nghiên cứu và Lập pháp của ông, Terrell Henry, đọc rằng ông đang đưa ra một bản dự thảo nghị quyết kêu gọi chấm dứt những cố gắng của Trung Quốc nhằm “chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công bằng cách bức bách họ từ bỏ môn tập của mình.”

Sự kiên định

Ông Faith McDonnell, Giám đốc Chương trình Tự do Tôn giáo thuộc Viện Tôn giáo và Dân chủ, nhận thấy rằng ngày diễn ra cuộc mít-tinh, 17 tháng 7, là Ngày Thế giới vì Công lý Quốc tế.  “Còn ngày nào tốt hơn nữa để lên án những bất công tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đòi hỏi công lý cho các học viên Pháp Luân Công, những tín đồ Cơ Đốc giáo, và những người khác đang bị đàn áp bởi chế độ bất công đó.”

Nguyên cố vấn cao cấp của Nhà Trắng trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, Bob Baltazar, nói về gốc gác Haiti của mình và tổ tiên của mình phải chịu đựng đàn áp.  Ông nói “Thường là những người hành động xuất phát từ lương tâm thay vì sự tiện lợi khiến cho thế giới này trở thành một chỗ tốt hơn.”

Bà Suzanne Scholte, Chủ tịch, Quỹ Diễn đàn Tự vệ, nói rằng có lẽ chúng ta vẫn chưa làm đủ.  “Thực tế rằng chúng ta ở đây hôm nay cho thấy sự thất bại của Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới trong việc gây sức ép với Trung Quốc để chấm dứt những sự tàn bạo kinh khủng này đối với sinh mệnh con người,” bà nói.

Chloe Schwenke, một đại diện đến từ Ngôi nhà Tự do, một tổ chức nổi tiếng có sứ mệnh mở rộng dân chủ trên toàn cầu, muốn Trung Quốc bắt đầu một con đường mới.  “Cuộc mít-tinh này được tổ chức hàng năm kể từ năm 2001, và sẽ tiếp tục được tổ chức như cần thiết để nhắc nhở tất cả mọi người rằng thế giới đang theo dõi, và đang khiến tất cả những người phải chịu trách nhiệm đối với điều gây phẫn nộ không thể bao biện được đang tiếp diễn này phải chịu trách nhiệm.”

Những sự ủng hộ khác

Cuộc mít-tinh nhận được sự ủng hộ của nhiều Nghị sĩ khác nữa thông qua những tuyên bố được gửi tới buổi lễ, bao gồm các Thượng Nghị sĩ từ bang Wisconsin, Ron Johnson (Đảng Cộng hòa) và Tammy Baldwin (Đảng Dân chủ), và Thượng Nghị sĩ từ bang Pennsylvania, Patrick Toomey (Đảng Cộng hòa). Về phía Hạ viện, những bức thư bay tới tấp đến từ các Nghị sĩ Rosa DeLauro (Đảng Dân chủ-Connecticut), Adam Smith (Đảng Dân chủ-Washington), Bill Pascrell (Đảng Dân chủ-New Jersey), Rush Holt (Đảng Dân chủ-New Jersey), Gwen Moore (Đảng Dân chủ-Wisconsin), Keith Ellison (Đảng Dân chủ-Minnesota), Paul Tonko (Đảng Dân chủ-New York), Leonard Lance (Đảng Cộng hòa-New Jersey), Gerald Connolly (Đảng Dân chủ-Virginia), Joseph Heck (Đảng Cộng hòa-Nevada), Reid Ribble (Đảng Cộng hòa-Wisconsin), Vicky Hartzler (Đảng Cộng hòa-Missouri) và Robert Pittenger (Đảng Cộng hòa-North Carolina).  Thêm nữa, Nghị sĩ Lynn Jenkins (Đảng Cộng hòa-Kansas) đã có một bài phát biểu được đọc tại cuộc mít-tinh bởi Trợ lý Báo chí Lauren Beebe.

(Theo Gary Feuerberg, Epoch Times)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc