Home » Thế giới » Người Việt trong sức nóng miền Đông Ukraine

Hai CTV của NTNN là Hồ Sĩ Trúc- chủ biên trang tin Người Xứ Nghệ ở Kiev và Lê Văn Lương – người đã sống ở Donetsk 25 năm nay đã có bài viết về sức nóng ở miền Đông Ukraine và cảnh ngộ của những người Việt nơi đây.

Đóng chốt mọi ngả đường

Ngày hôm kia, một người đồng hương Việt Nam không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo, chúng tôi đưa thi thể anh từ thành phố Donetsk lên Kharkov để hỏa thiêu. Đến lúc trở về thì bị kiểm tra nghiêm ngặt, mọi ngả đường ra vào các thành phố ở miền Đông Ukraine đều đã được lập chốt, cắm cờ Nga.

Người biểu tình ủng hộ ly khai ở Donetsk lập lũy phòng thủ.

Người biểu tình ủng hộ ly khai ở Donetsk lập lũy phòng thủ.

Tôi (Lê Văn Lương – NV) đến Ukraine năm 1989, cùng với những người Việt Nam khác, chúng tôi đã sinh sống và bám trụ ở thành phố Donetsk hàng chục năm nay và trải qua nhiều thời khắc thăng trầm cùng thành phố này. Donetsk nằm tại vùng thảo nguyên của Ukraine, được bao quanh bởi các vùng rừng, ngọn đồi, sông hồ rải rác. Nơi đây là lãnh địa của than và cũng là nơi có trữ lượng than lớn nhất thế giới.

Trước khi Liên Xô tan rã, người Việt định cư ở thành phố này ước chừng từ 5.000 đến 7.000 người. Một số phụ nữ thì làm nghề may gia công trong các nhà máy, còn nam giới thì đa phần là làm cơ khí, sản xuất máy móc phục phụ công tác khai thác mỏ. Sau khi Liên Xô tan rã, người Việt đã tỏa đi các thành phố khác sinh sống và cho đến giờ, ở tại thành phố Donetsk chỉ còn khoảng 300 người và một số ít khác ở các thành phố khác thuộc tỉnh Donetsk.

Chúng tôi sống gần trung tâm Donetsk, nơi đang diễn ra những cuộc biểu tình chiếm trụ sở công quyền và đòi trưng cầu dân ý. Ở những địa điểm trọng yếu này tình hình rất căng thẳng. Quảng trường trung tâm thành phố trong hai ngày cuối tuần 12, 13.4, dân chúng kéo đến đây rất đông. Họ xây dựng tường bao, bờ rào cố thủ bằng lốp xe và sỏi đá, cảnh tượng không khác gì trung tâm Maidan ở Kiev tháng trước. Những thành phần tham gia chiếm trụ sở công quyền có nhiều vũ khí, thậm chí sử dụng cả súng máy. Những người này đã nổ súng với cảnh sát, buộc cảnh sát phải nhượng bộ.

Tác giả Lê Văn Lương (ảnh trái) và Hồ Sĩ Trúc.

Tác giả Lê Văn Lương (ảnh trái) và Hồ Sĩ Trúc.

Tại các khu dân cư, tình hình yên tĩnh hơn. Người dân vẫn đi làm, đi học bình thường. Các cơ quan, trường học, bệnh viện và khu thương mại vẫn mở cửa. Phe biểu tình không có ý thúc dân chúng phải tham gia cùng họ. Đại diện của những người biểu tình này chỉ phỏng vấn một số người, hỏi xem nguyện vọng của người dân muốn gì. Dân ở Donetsk đa phần là thợ mỏ, khi được hỏi họ đều nói rằng: “Cuộc sống của thợ mỏ vốn đã rất khó khăn. Chúng tôi không có niềm tin vào họ và chúng tôi muốn thay đổi”.

Ở Donetsk, người dân nói tiếng Nga rất nhiều, đây cũng là vùng đất “thân Nga”, tuy nhiên, khi được hỏi rằng họ muốn về Nga hay ở lại Ukraine, thì tỷ lệ đồng ý và phản đối có thể ngang nhau. Người dân Donetsk gặp nhau bây giờ không có chuyện gì sôi nổi hơn là bàn chuyện tương lai của họ. Một phần tư thế kỷ sống ở Donestk, nay tôi mới thấy người dân nơi đây phải trăn trở về tương lai như vậy. Với chúng tôi, những người đã có được thẻ định cư, mặc dù, Donetsk là vùng đất gắn bó với phần lớn thời gian trong cuộc đời, nhưng đất mẹ Việt Nam mới là nơi chúng tôi muốn trở về. Còn đối với người Donetsk, họ không có nhiều thời gian để lựa chọn khi sức nóng chính trị đang tăng lên từng ngày.

Đồng tiền “bốc hơi”

Căng thẳng từ Kiev đã chuyển xuống các thành phố miền Đông Ukraine. Người dân Kiev vừa trút được nỗi lo an ninh thì tình hình kinh tế èo uột lại bủa vây họ.

Hơn 10.000 người Việt sống ở các thành phố của Ukraine chủ yếu nhờ vào công việc buôn bán tại các khu chợ và khu thương mại. Khủng hoảng xảy ra ở Ukraine, kinh tế xuống dốc, công việc làm ăn của người Việt bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn đến chợ, nhưng người mua đã ít hơn nhiều và đồng tiền bán được như “bốc hơi” trong giây lát. Chúng tôi vẫn nói với nhau “giống như kiểu ai đó thò tay vào túi lấy trộm tiền của mình”. Chúng tôi mua hàng bằng tiền USD và bán ra bằng tiền hryvnia của Ukraine, sau đó lại đổi lại đồng USD để dự trữ. Tuy nhiên, đồng hryvnia mất giá đã giảm xuống gần 20% (xuống mức thấp kỷ lục). Bán hàng buổi sáng và chiều gom tiền hryvnia đi đổi ngoại tệ cứ như thế ai đó đã móc mất tiền của mình. Đa phần người Việt chúng tôi buôn bán ở chợ Troeshina trong vài tháng qua đều thua lỗ nặng, có người mất ít thì cũng mười mấy ngàn đô la. Những người buôn bán tầm trung như chúng tôi, có ngày cũng mất toi cả ngàn đô. Phần lớn người Việt kinh doanh ở Ukraine đều cảm thấy suy sụp, mệt mỏi vì kinh tế suy thoái. Trong đó, người Việt ở Kiev gặp khó khăn nhiều hơn cả. Chi phí cho cuộc sống ở thủ đô đắt đỏ hơn nhiều lần ở các thành phố khác. Từ ngày 1.4 vừa qua, tất cả các chi phí sinh hoạt như điện, nước, khí đốt đều đã tăng giá lên gấp đôi, cuộc sống của người Việt càng thêm chật vật.

Tất cả chúng tôi đều không tránh được cảm giác lo lắng rằng tình hình khủng hoảng ở Ukraine sẽ còn kéo dài. Và một khi bài toán kinh tế không có lời giải, khả năng trụ lại của người Việt ở đây là rất mong manh.

Ngày 13.4, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov thông báo, quân ly khai tại Sloviansk đã nổ súng vào lực lượng đặc nhiệm, gây thương vong cho cả 2 bên. Một sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (ABU) đã thiệt mạng, trong khi phía lực lượng ly khai cũng hứng chịu một số lượng thương vong chưa xác định… Các phần tử ly khai đã bắt đầu dùng “lá chắn sống” để bảo toàn tính mạng.

Cùng ngày, ông Avakov cũng thông báo các lực lượng an ninh nước này đã tiến hành một chiến dịch “chống khủng bố” nhằm chấm dứt sự phong tỏa của các phần tử ly khai đối với thị trấn Slavyansk thuộc tỉnh Donetsk ở miền Đông Ukraine. Trên trang cá nhân, Bộ trưởng Avakov cũng tuyên bố rằng, quân ly khai đã khai hỏa. Ông Avakov viết: “Hãy chuyển tin cho mọi người ở trung tâm thành phố – hãy đừng ra khỏi căn hộ, không đến các cửa sổ. Quân ly khai đã nổ súng về phía đặc nhiệm mà không một lời tuyên chiến…”.

Hội đồng an ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine đã có cuộc họp khẩn cấp về các biện pháp chống khủng bố nhằm bình ổn tình hình miền Đông Ukraine.

Công an thành phố Gorlovka, tỉnh Donetsk cũng tuyên bố sẵn sàng đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công nào của quân ly khai và tội phạm.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị – quân sự Ukraine Dmitry Tymchuk nhận định, kịch bản sáp nhập các tỉnh miền Đông Ukraine vào LB Nga trong thời điểm hiện nay khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, trang thông tin “Khvylia” dẫn lời nhận định của một quan chức chính quyền, cho rằng làn sóng bạo loạn mới tại khu vực Đông-Nam Ukraine trong vài ngày tới có thể lan đến tỉnh Kharkov và cả Kherson. Nhân vật này cũng khẳng định các hoạt động của phe ly khai được đặt dưới sự chỉ đạo của chuyên gia chính trị Aleksei Vorobiev – thuộc cấp của Vladislav Surkov – cố vấn Tổng thống LB Nga Putin về vấn đề Ukraine.
Quang Minh (tổng hợp)

(Theo Dân Việt.)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc