Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Tàu Trung Quốc bắt, áp tải trái phép tàu cá Việt Nam
Ngày 28/5, Đài thông tin duyên hải (TTDH) Đà Nẵng cho hay tàu cá QB 93768 đã được tàu Trung Quốc thả ra sau gần 4 tiếng đồng hồ bắt giữ.

Trước đó, lúc 6 giờ 6 phút ngày 28/5, thuyền trưởng kiêm chủ tàu QB 93768 là Lê Văn Kiến (29 tuổi, trú thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) báo tin trên tần số 7903 kHz với Đài TTDH Đà Nẵng về việc bị tàu Trung Quốc số hiệu 788 bắt, áp tải về phía Trung Quốc khi đang hành nghề ở vị trí 16,57 độ vĩ bắc, 109,46 độ kinh đông.

Theo Đài TTDH Đà Nẵng, vị trí của tàu cá QB 93768 cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý (hơn 200 km), nằm giữa Đà Nẵng và Hoàng Sa, lúc này trên tàu có 9 ngư dân. Đến 9 giờ 50 phút cùng ngày, thuyền trưởng tàu cá QB 93768 báo tin tàu Trung Quốc số hiệu 788 đã thả tàu cá ra và hiện tàu đang chạy vào bờ theo hướng 250 độ.

Tàu ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm nứt toác. Ảnh: Dân trí

Thời gian gần đây, tàu Trung quốc thường xuyên có những hoạt động quấy phá, tấn công tàu cá Việt Nam. Trước đó, vào ngày 20/5, tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản.

Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.

Ngày 28/5 ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm đến nay, ngư dân Quảng Ngãi đã báo cáo có hơn 100 vụ tàu Trung Quốc cản trở, quấy rối trong lúc họ hành nghề hợp pháp ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. “Việc tàu Trung Quốc liên tục ngăn cản, uy hiếp ngư dân Quảng Ngãi hành nghề ở hai vùng biển này cao hơn rất nhiều so với các năm trước”, ông Toàn nói.

Trong khi đó, ngày 28/5, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên bác bỏ vụ tàu mang số hiệu 264 của nước này đâm vào tàu cá Việt Nam ngày 20/5. Hồng Lỗi còn vu cáo ngư dân Việt Nam “vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc”, thậm chí lớn tiếng đòi Việt Nam “tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân”.

Ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên, vốn vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngày 28/5, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định chính Trung Quốc mới là bên dung túng cho tàu cá của mình muốn làm gì thì làm trên biển Đông mà không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Theo ông Thayer, thuyền trưởng các tàu Trung Quốc được “dạy” rằng biển Đông là hoàn toàn của họ và họ hoạt động như cánh tay nối dài của chính quyền.

Bằng chứng mới nhất cho lối suy nghĩ hung hăng, nguy hiểm của một bộ phận dư luận Trung Quốc là tuyên bố của ‘hỏa lực mồm’ Hàn Húc Đông (ĐH Quốc phòng Trung Quốc) rằng Bắc Kinh khi cần thiết nên dùng sức mạnh quân sự giải quyết tranh chấp, đánh chiếm các bãi cạn ở biển Đông, theo Hãng tin CNA.

Theo phunutoday (Tổng hợp từ TNO, VNE)

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc