Home » Thế giới » Thảm họa Fukushima nghiêm trọng hơn dự đoán
Điều tra mới nhất của Nhật Bản hôm nay công bố rằng lượng phóng xạ thoát ra ngoài nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sau thảm hoạ động đất sóng thần ngày 11/3 cao gấp đôi so với ước đoán ban đầu.
Công nhân Nhật đang khắc phục cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima 1. Ảnh: AFP.
Công nhân Nhật đang khắc phục cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima 1. Ảnh: AFP.

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật (NISA) cũng cho biết, tình trạng tan chảy hạt nhân đã xảy ra tại 3 lò phản ứng của nhà máy với tốc độ nhanh hơn với dự đoán. Kết quả này được đưa ra khi một nhóm chuyên gia độc lập gồm 10 người bắt đầu tiến hành điều tra cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima 1.

Theo số liệu của NISA, kể từ ngày 11/3 đã có tổng cộng 770.000 terabecquerel (đơn vị đo phóng xạ, viết tắt là TBq) thoát ra khỏi nhà máy, cao gấp hơn hai lần so với ước đoán ban đầu là 370.000 terabecquerel. Tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ bằng 15% so với số phóng xạ rò rỉ trong thảm hoạ Chernobyl năm 1986.

Cơ quan quản lý nhà máy Fukushima 1 là Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đang hy vọng có thể đóng cửa cơ sở hạt nhân này vào tháng một năm tới. Tuy nhiên đang có lo ngại rằng thời gian có thể sẽ phải kéo dài hơn vì hiện vẫn tiếp tục xảy ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ tại đây.

Hơn 80.000 người sống trong bán kính 20 km cách nhà máy đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi những người sống trong bán kính từ 20 đến 30 km được khuyến khích đi sơ tán. Một số thành phố nằm cách xa Fukushima 1 cũng chịu ảnh hưởng từ thảm hoạ hạt nhân.

Theo BBC, việc phải sửa lại các số liệu liên quan đến thảm hoạ Fukushima sau gần 3 tháng có thể khiến thái độ chỉ trích gia tăng nhằm vào TEPCO và chính phủ Nhật, với lý do họ đã quá chậm trễ trong việc công bố thông tin chính xác.

Trước đó, cuộc điều tra của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chỉ ra những sai sót trong thiết kế của nhà máy Fukushima 1 và được phía Nhật Bản thừa nhận. Nghiêm trọng nhất là việc bức tường chắn sóng của nhà máy cao chưa đầy 6 mét, trong khi sóng thần ập vào cao 14 mét.

Trong báo cáo sơ bộ của IAEA, cơ quan này nhấn mạnh đến sự cần thiết của các nhà điều hành và giám sát độc lập trong ngành công nghiệp hạt nhân. Tại Nhật Bản, cơ quan an toàn hạt nhân NISA chính là một phần của Bộ Công nghiệp nước này.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc