Home » Thế giới » Ô nhiễm phóng xạ tại Nhật: nỗi lo còn đó
Theo nhận định của chuyên gia, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở khu phức hợp Fukushima ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Lõi của lò phản ứng số 2 đã tan chảy khiến hiểm họa phát tán phóng xạ gia tăng.

[title]

Kiểm tra tình trạng nhiễm phóng xạ tại Nhật Bản. (ABC)

Gia tăng hiểm họa

Tờ báo The Guardian trích lời chuyên gia hạt nhân Richard Lahey, trưởng nhóm nghiên cứu về vấn đề an toàn của lò phản ứng nước sôi thuộc General Electric – tập đoàn đã lắp đặt các lò phản ứng của nhà máy Daiichi vào những năm 70, cho biết các công nhân dường như đã bị thất bại trong ‘cuộc chạy đua’ để cứu lò phản ứng số 2.

Theo ông Lahey, lõi của lò phản ứng số 2 đã tan chảy qua đáy của thùng áp lực và ít nhất đã có một phần rơi xuống sàn bê tông của một chiếc ’giếng khô’ bên dưới. Như vậy sự việc này không đơn thuần chỉ là một vụ tai nạn mà còn là hiểm họa gia tăng nguy cơ phát tán phóng xạ ra bên ngoài.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những nhận định của ông Lahey mới chỉ được đưa ra một cách gián tiếp. Mặc dù ông là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng trên thực tế, ông đã không có mặt trực tiếp tại nhà máy. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Cơ quan An toàn Nguyên tử Nhật Bản cũng như chính phủ và Tập đoàn TEPCO vẫn chưa lên tiếng trước những thông tin trên?

Phóng viên Mark Willacy của Đài Úc, Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC), người hiện có mặt tại thủ đô Tokyo, cho biết, một trong những lí do khiến các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc xác nhận thông tin là do hiện nay họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề có liên quan tới những công nhân làm việc trong nhà máy. Trong vài ngày qua đã có rất nhiều người trong số công nhân này phải đi sơ tán vì lượng phóng xạ tăng cao, do đó, chính quyền khó có thể liên tục cập nhật mọi thông tin. Bên cạnh đó, Tập đoàn TEPCO cũng bị chỉ trích vì đã không thực sự cởi mở trong việc giải thích rõ ràng diễn biến sự việc cho người dân.

Trong một chương trình tin tức, Cơ quan Phát thanh-Truyền hình công cộng NHK, đã cố gắng sử dụng mô hình stiron bọt để giải thích cho người dân một số thông tin cần thiết.

Tập đoàn TEPCO cho hay các chuyên viên của họ đã thử nghiệm nước ở bên ngoài nhà máy và đã thấy mức nhiễm xạ cao hơn bình thường. Ngoài ra, phóng xạ plutonium cũng được tìm thấy trong đất ở những khu vực xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, TEPCO hiện vẫn chưa thể biết những gì đang xảy ra ở bên trong lò phản ứng.

Ông cũng cho biết nếu như những nhận định của chuyên gia Richard Lahey là đúng và hiện đang có sự phát tán phóng xạ thì điều này lại càng gây thêm khó khăn cho việc kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm là ông Lahey cũng cho rằng sẽ không có mối nguy hiểm như thảm họa Chernobyl bởi trong vụ Chernobyl thì nhà máy này đã bị nổ tung kèm theo đám cháy lớn và hơi nước mang theo chất phóng xạ. Bên cạnh đó, một điểm khác biệt lớn nữa là lò phản ứng của nhà máy Chernobyl làm bằng than chì do đó, sau khi bị nổ, nó tạo ra đám khói khổng lồ mang phóng xạ.

Nỗi lo còn đó

Tờ báo New York Times đã dẫn lời ông Hiroto Sakashita – Giáo sư chuyên ngành lò hơi hạt nhân tại Đại học Hokkaido cho biết, ngoài lò hơi hạt nhân ra thì các loại lò phản ứng hạt nhân khác phải mất nhiều năm mới có thể làm nguội được hệ thống làm mát.

“Người ta sẽ phải liên tục đổ nước vào hồ để làm lạnh các thanh nhiên liệu nguyên tử, tuy nhiên, nước đã nhiễm phóng xạ trong hồ vẫn sẽ tiếp tục bị rò rỉ ra ngoài”, ông nhận định.

Ý kiến này phần nào đã được thực tế chứng minh. Cơ quan An toàn Nguyên tử Nhật Bản đã xác nhận việc tìm thấy i-ốt phóng xạ trong nước biển ở khu vực gần Fukushima với mức độ cao gấp 3.355 lần cho phép. Theo nguồn tin từ Reuters, Tập đoàn Điện lực TEPCO cũng đã tổ chức một buổi họp báo sau những sự việc xảy ra và xác nhận thông tin này.

Theo phóng viên Mark Willacy, cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân nhiễm xạ của nước biển. Tuy nhiên, theo phỏng đoán thì có thể nước bị nhiễm phóng xạ trong các lò phản ứng đã rò rỉ ra ngoài theo lỗ thoát và chảy ra biển. Có ý kiến cho rằng có thể là do quá nhiều nước đã được đổ vào nhằm làm nguội lò vì hệ thống làm nguội đã bị trục trặc sau trận sóng thần, và do đó, nước bị nhiễm xạ đã tràn ra ngoài gây ô nhiễm.

Trên thực tế, nước bị nhiễm xạ có thể chảy ra biển theo rất nhiều cách. Vì vậy, mối lo ngại lớn hiện nay là làm thế nào để chấm dứt tình trạng này bởi con số 3.355 lần cho thấy lượng phóng xạ trong nước biển là rất lớn.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng trấn an người dân và cho biết lượng phóng xạ tìm thấy trong đất và không khí ở một số khu vực là rất ít và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Nguyên tử của Liên Hợp Quốc cho biết lượng phóng xạ đo được ở một ngôi làng cách Fukushima 40 km đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Giải pháp

Ngay sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra khẩn cấp hơn 50 lò phản ứng hạt nhân trên khắp đất nước nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc tương tự.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết hiện ông đang xem xét việc mở rộng phạm vi di tản dành cho khoảng 200.000 người dân.

Xung quanh nhà máy Daiichi, các công nhân đang có kế hoạch phun vào đất một loại nhựa thông đặc biệt nhằm ngăn chặn việc phán tán chất phóng xạ.

Một kế hoạch khác là việc bơm nước bị nhiễm xạ vào một chiếc bể chứa hiện đang để trống của lò phản ứng số 2.

Bên cạnh đó, nhận định của chuyên gia Richard Lahey về tình trạng xảy ra ở lò phản ứng số 2 cho thấy nó rất giống với những gì đã xảy ra trong thảm họa Chernobyl. Vì vậy, có ý kiến cho rằng giải pháp trước đây từng được áp dụng với Chernobyl cũng có thể phát huy hiệu quả trong trường hợp này.

Theo phóng viên Mark Willacy, một số chuyên gia của các tạp chí nổi tiếng thế giới như The New York Times và The Guardian đã đề xuất giải pháp tương tự giải pháp đã được sử dụng đối với nhà máy nguyên tử Chernobyl, đó là bao bọc toàn bộ nhà máy bằng bê tông, tức là xây dựng một ‘quan tài bằng đá’ cho nó.

Chính phủ Nhật Bản đã lưu tâm đến giải pháp này và cho biết kế hoạch bao bọc các nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima bằng một loại vải đặc biệt, đồng thời tiến hành sửa chữa các ống dẫn khí để hạn chế việc phóng xạ thoát ra ngoài.

Nhật Bản cho biết đã tiến hành mọi biện pháp có thể và về cơ bản, việc xem xét các hình thức rò rỉ phóng xạ khác cũng cần được chú trọng hơn nữa.

Một trong những vấn đề lớn khác mà đất nước xứ sở mặt trời mọc này đã và đang phải đối mặt là việc môi trường bị hủy hoại ở những nơi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ‘nước sôi lửa bỏng’ hiện nay thì đây chưa phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Tình hình nhiễm phóng xạ tại Việt Nam

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, theo hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày 31/3 và 1/4 tại Khu vực Đông Nam Á, phần đám mây chính mặc dù vẫn chưa vào thềm lục địa Việt Nam nhưng có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng ra khu vực Đông Nam Á và bay tản mạn trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Dự báo trong những ngày sắp tới những đám mây nhỏ có thể đi qua khu vực Lào, Việt Nam và Campuchia nhưng rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở Việt Nam, vì nồng độ hạt nhân phóng xạ rất nhỏ, không thể làm thay đổi nền phông phóng xạ. Do vậy nó không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Theo bayvut

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc