Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Giá lương thực leo thang: 44 triệu người nghèo đói

Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2010 đã có thêm 44 triệu người dân trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo do giá lương thực leo thang.

[title]

Giá lương thực tăng cao đã khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh nghèo đói. (ABC)

Phóng viên Đài Úc Fran Kelly đã có cuộc phỏng vấn ông Hassan Zaman – trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của WB đồng thời là tác giả chính của bản báo cáo về tình hình giá lương thực được đưa ra vào ngày 15/4, xung quanh vấn đề này.

Theo ông Zaman, giá lương thực đã tăng lên 36% trong năm 2010. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn chính trị ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn đang tiếp diễn.

Ông Zaman: “Giá dầu đã tăng lên hơn 70%, dầu cọ tăng 55%, đậu tương tăng 35% trong năm 2010. Bên cạnh đó, một số nước sản xuất lúa mì như Nga, Canada, Kazakhstan, Úc cũng đã gặp phải các vấn đề khó khăn khiến cho giá lúa mì bắt đầu tăng vào giữa năm qua, gây ảnh hưởng đến thị trường ngô và các nhu yếu phẩm khác. Vì ngô là đầu vào của các ngành chăn nuôi gia súc nên giá thịt cũng được đẩy lên cao hơn. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng cao cũng khiến cho chi phí sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol từ ngô tăng lên. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do các chính sách hạn chế xuất khẩu đã gây ảnh hưởng đến giá gạo trên thế giới”.

PV: Có một thông tin khả quan hơn là giá gạo được bình ổn phải không thưa ông?

Ông Zaman: “Đúng vậy. Giá gạo đã tăng 20% kể từ sáu tháng cuối năm 2010 nhưng rất may là đã ổn định trong một vài tháng trở lại đây vì Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, được mùa”.

“Gạo là một trong những loại thực phẩm cơ bản mà con người có thể tác động để gia tăng hàm lượng dinh dưỡng của chúng. Trong những năm vừa qua đã có 45 loại gạo được đem bán ra thị trường. Điều này không chỉ giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mà còn giúp cung cấp các sản phẩm phù hợp cho những người bị thiếu các vi chất cần thiết. Do đó, theo tôi, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc sản xuất gạo là hết sức cần thiết để tạo ra các sản phẩm có sự khác biệt lớn”.

PV: Việc giá lương thực leo thang có ảnh hưởng như thế nào đến người nghèo ở các nước đang phát triển – tức những người có mức sống dưới 1,25 đô-la/ngày (tương đương 25 nghìn đồng Việt Nam)?

Ông Zaman: “Số liệu của WB cho thấy chi tiêu cho thực phẩm chiếm tới 70% tổng thu nhập của các gia đình nghèo sống ở Châu Phi hoặc Châu Á. Chỉ riêng con số đó đã đủ giúp chúng ta hình dung được những gia đình này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi giá thực phẩm gia tăng. Để duy trì cuộc sống, họ phải mua những thực phẩm kém chất lượng hơn, thậm chí đôi khi phải nhịn ăn, hoặc cho con cái nghỉ học, cắt giảm các khoản chi để mua thuốc chữa bệnh… Nhìn chung, cuộc sống của họ gặp phải rất nhiều khó khăn”.

PV: Nhìn ở một góc cạnh khác, phải chăng việc giá lương thực gia tăng là điều đáng mừng với nông dân ở một số nước vì họ có thể bán được nông sản với giá cao hơn?

Ông Zaman: “Điều này có phần đúng”.

PV: Trong bối cảnh nhiên liệu sinh học đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay, ông từng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực, nhất là ngô tăng cao là do nhu cầu sử dụng nhiều ngô hơn để sản xuất Ethanol. Và ông cũng cho biết, khi giá lương thực tăng đến một ngưỡng nhất định thì ‘mục tiêu nhiên liệu sinh học’ có thể linh động thay đổi để phù hợp với bối cảnh. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Zaman: “Theo tôi, ở một số quốc gia như Mỹ, Châu Âu và Úc đều có những tiêu chuẩn nhất định khi mua nhiên liệu, theo đó, chúng phải là nhiên liệu diesel sinh học, hoặc Ethanol, hoặc là pha trộn của cả hai loại này. Vì vậy, khi giá thực phẩm tăng cao đến một mức nào đó thì các nước có thể tạm gác lại những tiêu chí đó để góp phần giảm bớt áp lực cho những loại lương thực có nguồn dự trữ ít”.

PV: Theo ông, việc gia tăng giá lương thực liệu có thể dẫn đến một số cuộc biểu tình chống chính phủ như đã từng xảy ra ở Trung Đông và gần đây nhất là ở Uganda, Châu Phi vào ngày 15/4 vừa qua hay không?

Ông Zaman: “Từ năm 2008 đã xảy ra một số cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề lương thực. Còn đối với cuộc biểu tình tại Trung Đông trong thời gian vừa qua thì có rất nhiều nguyên nhân. Mặc dù rất khó để có thể nhận định về vấn đề này nhưng tôi tin rằng lương thực cũng góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình đó”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc