Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Tương lai công nghệ 4G
Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Telstra của Úc đã tuyên bố kế hoạch triển khai công nghệ băng thông rộng không dây 4G trong năm 2011.
[title]

Công nghệ 4G sẽ trở thành một xu thế của thời đại? (ABC)

Bắt kịp xu hướng thời đại

4G là chữ viết tắt của Fourth Generation: Điện thoại di động thế hệ thứ 4 của công nghệ truyền thông không dây.

Thuật ngữ 1G dùng để chỉ các thiết bị di động cầm tay thế hệ đầu tiên, tiếp theo là thế hệ 2G cho phép người dùng chuyển sang hệ thống số với điểm nhấn là sự ra đời của tin nhắn văn bản. Sau đó, mạng 3G ra đời với đặc điểm nổi bật là có thể truy cập internet và truyền video. Còn điện thoại 4G được phát triển dựa trên sự kế thừa công nghệ 3G với tính năng vượt trội về tốc độ truyền số liệu và đa phương tiện.

Theo các chuyên gia viễn thông, tốc độ 4G dự kiến có thể lên tới 100-200 Mb/s (nhanh gấp 10 lần 3G), thậm chí là 1 Gb/s trong các điều kiện tĩnh. Ở tốc độ truyền cao nhất, người dùng có thể download một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.

Kế hoạch nâng cấp tốc độ của mạng Internet không dây để có thể áp dụng công nghệ 4G vào cuối năm 2011 của tập đoàn Telstra đã được Giám đốc điều hành David Thodey tuyên bố tại Đại Hội Điện thoại Di động Thế giới được tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha. Dự án này sẽ được tài trợ bằng nguồn ngân sách sẵn có dành cho chi phí vốn (Capex) của Telstra.

Theo ông David Thodey, xu hướng chung của khách hàng hiện nay là chuyển sang sử dụng dòng điện thoại Smartphone vốn được mệnh danh là các thiết bị ‘đói thông tin’.

“Công nghệ 4G giúp cho người Úc truy cập Internet với tốc độ nhanh hơn, tải các video có chất lượng tốt hơn thông qua các ứng dụng của điện thoại”, ông David cho biết.

Sự nhanh chóng thích ứng với xu thế thời đại của Telstra thông qua việc triển khai công nghệ 4G cũng giúp cho tập đoàn này có thể đáp ứng được phần lớn các nhu cầu đang gia tăng gấp đôi mỗi năm của khách hàng về việc truy cập Internet và tải dữ liệu thông qua điện thoại di động.

Ông Malcolm Turnbull, Bộ trưởng Viễn thông của đảng đối lập, cũng lên tiếng thừa nhận ưu điểm của công nghệ mới: “Hiện nay, băng thông rộng không dây (băng thông rộng di động) đang phát triển mạnh mẽ và điện thoại di động cũng đã phát triển sang một thế hệ mới với tốc độ truyền tải thậm chí còn nhanh hơn tốc độ của băng thông rộng cố định (ADSL) vốn đang phổ biến ở Úc. Một trong những ưu điểm nổi bật của Internet không dây là người sử dụng có thể truy cập Internet mọi nơi, mọi lúc, kể cả khi họ đang di chuyển”.

Cạnh tranh về viễn thông

Kế hoạch nâng cấp mạng Internet không dây của Telstra được công bố sau khi một bản báo cáo mới về dự án Mạng lưới Băng thông rộng cố định Quốc gia (NBN) trị giá 36 tỉ đô-la của Tập đoàn NBN đã được chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Greenhill Caliburn đưa ra. Dự án NBN hiện đang được triển khai nhưng vẫn còn có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nó.

Ông Greenhill Caliburn cho biết nếu chỉ dựa trên giả thuyết của tập đoàn NBN cho rằng công nghệ băng thông rộng không dây sẽ không tiếp tục phát triển tại Úc thì dự án NBN được coi là khá phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Internet không dây đang phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay thì giả thuyết này không còn phù hợp nữa.

Bản báo cáo này cũng cảnh báo rằng xét trong dài hạn thì xu hướng sử dụng dịch vụ Internet không dây (qua điện thoại) có thể khiến tập đoàn NBN mất đi nhiều khách hàng truyền thống đã từng đăng kí sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng cố định (ADSL) với tốc độ thấp hơn. Nguyên nhân chính là do việc truy cập Internet không dây giúp họ linh động hơn.

Ông Malcolm Turnbull cũng cho rằng việc triển khai công nghệ 4G của Tập đoàn Telstra sẽ gây tổn thất lớn đến dự án NBN.

Ông nhận định: “Xét về mặt tài chính thì dự án NBN chắc chắn là ít khả thi hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn viễn thông Paul Budde lại cho rằng xét về lâu dài thì sự phát triển của Internet không dây sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới sự sống còn của dự án NBN bởi cho đến nay thì mạng cáp sợi quang vẫn tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng ở Úc.

Ông nói: “Băng thông rộng cố định (ADSL) sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng ở những khu vực như y tế, giáo dục, truyền thông, các công ty cung cấp năng lượng… bới nó có những ưu điểm mà băng thông rộng di động không thể có được”.

Chưa thể tiếp cận khu vực hẻo lánh

Ngay sau khi Telstra tuyên bố thông tin trên, ông Bruce Scott – thị trưởng Barcoo phía Tây bang Queensland cho biết những vùng sâu, vùng xa của nước Úc sẽ còn rất lâu mới có thể được phủ sóng dịch vụ Internet không dây. Lý do vì cho đến nay người dân nơi đây thậm chí vẫn còn chưa được tiếp cận mạng lưới Internet ADSL và các dịch vụ điện thoại phù hợp khác. Vì vậy, kế hoạch phát triển Internet không dây hầu như không có ý nghĩa đối với người dân ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh.

Ông Bruce Scott cho biết: “Mặc dù kế hoạch của Telstra là điều tất yếu và phù hợp với xu hướng hiện nay, tuy nhiên tôi tin tưởng rằng trước mắt, chính phủ sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ thông tin cho tất cả các khu vực ở nước Úc. Điều này rất quan trọng trong nền kinh tế kĩ thuật số hiện nay bởi tất cả người dân Úc đều có quyền được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ”.

Tương lai 4G tại Việt Nam

Tại Việt Nam, kể từ cuối năm 2009, dịch vụ 3G đầu tiên đã chính thức xuất hiện và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện đang sở hữu mạng băng thông rộng di động 3G lớn nhất với gần 16.500 trạm phát sóng riêng cho công nghệ này.

Trong khi vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa kịp làm quen với công nghệ 3G thì vào cuối năm 2010 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho năm đơn vị, gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tập đoàn Công nghệ CMC và Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC).

Theo nhận định, giới trẻ sẽ là nhóm đối tượng đầu tiên tìm đến với 4G vì họ thường đam mê vào lĩnh vực công nghệ cũng như có nhu cầu cao về thông tin ở mọi nơi, mọi lúc.

Tuy nhiên, với giới trẻ Việt Nam hiện nay thì việc sử dụng dịch vụ 3G vẫn chưa thực sự phổ biến rộng rãi nên khó có thể đoán trước được số lượng người trẻ sẵn sàng cập nhật công nghệ di động mới nhất 4G trong thời gian tới.

Anh Huy, một kĩ sư điện tử viễn thông 27 tuổi thuộc Tập đoàn Viettel cho biết: “Ở Việt Nam, điện thoại 3G thì nhiều nhưng số người sử dụng lại ít. Nguyên nhân là do điện thoại 3G có giá thành cao hơn so với điện thoại 2G thông thường. Bên cạnh đó, có thể nói rằng thói quen của người Việt Nam chủ yếu là gọi điện và nhắn tin nên điện thoại 2G vẫn được phổ biến hơn. Ngoài ra, mặc dù cước phí sử dụng hàng tháng của mạng 3G cũng không đắt hơn nhiều so với mạng GPS (vốn rất phổ biến hiện nay) nhưng do tốc độ đường truyền chưa cao, hình ảnh bị giật cộng với thói quen sử dụng mạng GPS nên cho đến nay vẫn chỉ có một số ít người dùng 3G”.

Vì vậy, mặc dù anh Huy có đăng kí mạng 3G nhưng anh lại không sử dụng mà vẫn chỉ ‘trung thành’ với mạng GPS thông thường. Anh nhận định rằng cũng với những lí do tương tự nên việc tiếp cận công nghệ 4G của giới trẻ trong tương lai sẽ vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế đã phần nào chứng minh nhận định của anh Huy. Theo đánh giá của một số chuyên gia viễn thông, hiện nguồn thu từ 3G của các nhà mạng chỉ chiếm khoảng từ 2 – 3%, còn lại là từ các dịch vụ truyền thống là gọi điện và tin nhắn. Tuy công nghệ 3G đã được ra đời hơn một năm nhưng cho đến nay thì các dịch vụ trên nền tảng công nghệ 3G vẫn còn ‘xa xỉ’ và chưa thực sự trở thành xu hướng tiêu dùng.

Vì vậy, tiềm năng của thị trường 4G ở Việt Nam xem ra vẫn còn nhiều điều khó có thể đoán trước.

theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc