Home » Thế giới » Số người mắc các chứng bệnh tâm thần sẽ tăng cao sau động đất Nhật Bản
Giai đoạn hậu thiên tai không chỉ là một cuộc thử thách cho các cá nhân mà còn có thể ảnh hưởng đến những thay đổi rộng lớn hơn vốn vẫn đang định hình xã hội Nhật Bản.

[title]

Sau trận sóng thần – một tàu đánh cá tại quận Aomori, thành phố Hachinobe. (Reuters)

Thiệt hại vật chất

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Nhật Bản có thể phải mất tới 5 năm để hồi phục sau thảm họa thiên tai động đất và sóng thần, đồng thời sẽ phải cần đến 120 tới 235 tỷ đô-la để thực hiện công cuộc tái thiết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật riêng trong năm nay cũng sẽ giảm 0,5%. Ngoài ra, phí tổn để phục hồi cũng sẽ chiếm phần lớn trong ngân sách quốc gia năm tới.

Nhật Bản vốn nổi tiếng về việc người dân làm việc tận tâm, hiệu quả và đạt năng suất cao, đồng thời là quốc gia có một hệ thống và cơ cấu rất đáng tin cậy. Tuy vậy, dù trận thiên tai dữ dội nhất kể từ hàng chục năm qua đã xảy ra hơn 10 ngày nhưng cho tới nay nhiều nạn nhân vẫn chưa nhận được đồ cứu trợ. Tại những vùng bị thiên tai tàn phá, người dân vẫn thiếu thực phẩm, xăng dầu và hàng trăm ngàn người vẫn còn phải trú ngụ trong những trung tâm tạm cư và không được chăm sóc thích đáng. Như vậy phải chăng ‘hệ thống’ của nước này đã không còn hữu hiệu nữa?

Ông Francis Markus, Phát Ngôn viên Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế tại Nhật Bản, cho hay thiên tai này thật sự là một đại họa cho Nhật và nước này sẽ phải mất một thời gian để trở lại tình trạng bình thường như trước đây. Những vấn đề về mặt hậu cần từng ngăn trở các nỗ lực cứu trợ nay đã giảm bớt và đã có một số tin tốt lành liên quan tới người sống sót.

Ông phát biểu: “Tuy nhiên, trên thực tế, trong những ngày sắp tới, các nhóm tìm kiếm và cứu hộ sẽ tìm thấy nhiều người chết hơn là người sống. Nhật Bản sẽ phải thích ứng với giai đoạn hậu thiên tai, trong đó có những sự mất mát còn lớn hơn nhiều so với sự thiệt hại về nhân mạng và vật chất. Hiện nay tin tức về số người chết vẫn tăng lên hàng giờ”.

Thiệt hại về mặt xã hội

So với những thiệt hại về mặt vật chất, tác động của trận động đất và sóng thần vừa qua về mặt xã hội khó lượng định hơn.

Bác sĩ Usui Tomomichi, nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thị trấn duyên hải Rikuzentakata, nơi bị động đất và sóng thần tàn phá nặng nề, cho biết chắc chắn số người bị ảnh hưởng trầm trọng về mặt tâm lý sẽ gia tăng. Ông nói: “Họ đã mất nhà cửa và cả những người thân. Họ sẽ tự hỏi ‘Làm sao tôi có thể tiếp tục sống? Sống vì cái gì?’”

Bà Rikki Kersten, Giáo sư môn Lịch sử Chính trị Hiện đại Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Úc, cho hay: “Nhiều người Nhật sẽ cảm thấy khó tìm được lời giải đáp cho câu hỏi: tại sao xã hội Nhật vốn là một xã hội hiện đại của thế kỷ 21, tối tân nhất về mọi phương diện và là một nước giàu mạnh nay bỗng nhiên mọi sự đều tiêu tan? Giai đoạn này sẽ thật sự là một cuộc trắc nghiệm thử thách nghị lực của nhiều người Nhật chẳng may lâm vào đại họa này”.

Tác động tới tương lai

Tuy nhiên, giai đoạn này không chỉ là một cuộc thử thách cho các cá nhân mà còn có thể ảnh hưởng đến những thay đổi rộng lớn hơn vốn vẫn đang định hình xã hội Nhật Bản. Bà Kersten cho biết các thành quả kinh tế mà Nhật Bản đạt được đã kéo dài một cách đều đặn từ 20 năm qua và sự phân chia xã hội đã thật sự hiển hiện rõ nét kể từ thập niên 1990. Một phần quan trọng của tiến trình phân chia đó là sự xuất hiện của hai phong trào tương phản nhau: ‘communitarianism’ và ‘hikikomori’.

Những người theo communitarianism nhấn mạnh tới nhu cầu phải tạo được sự quân bình giữa nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân với cộng đồng. Người theo phong trào này cho rằng từng công dân trong xã hội đã được định hình bởi nền văn hóa và giá trị của cộng đồng mà họ đang sống. Trong khi đó những người theo hikikomori chủ trương tự tách rời hoàn toàn khỏi xã hội.

Giáo sư Kersten cho rằng cả hai phong trào đều cho thấy một điều: đó là sự mất niềm tin vào những định chế cốt lõi trước giờ vẫn giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia thịnh vượng. Đây cũng chính là những định chế khiến cả thế giới nể phục và kính trọng Nhật Bản.

Một biểu hiện khác cho thấy rõ xã hội Nhật Bản đã thay đổi là việc người dân nước này đã không bỏ phiếu bầu cho Đảng Dân chủ Tự do và do vậy, đảng này đã thất cử sau gần 50 năm cầm quyền. Kết quả là Đảng Dân chủ đã nắm quyền với lời hứa sẽ thay đổi các đường lối cầm quyền xưa cũ, chuyên chế bằng một hình thức lãnh đạo minh bạch hơn.

Theo Giáo sư Kersten, cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima là một ví dụ cho thấy rõ cuộc đấu tranh của Thủ tướng Naoto Kan chống lại phe thủ cựu. Đây là cuộc đấu tranh liên quan tới sự việc diễn ra bên trong công ty điện lực Nhật Bản, tức công ty trước giờ vẫn mang nhiều tiếng xấu là thường tìm cách che dấu công luận.

Bà Kersten cho hay chính phủ của Thủ tướng Kan, thậm chí có thể chỉ là cá nhân ông Kan, sẽ phải trả lời về việc nhiều người Nhật tin rằng chính phủ đã không chăm sóc, lo lắng cho người dân bình thường. Về lâu về dài, người ta sẽ nhìn trở lại giai đoạn này và phàn nàn rằng tại sao đại họa lại xảy ra đúng vào thời điểm nước Nhật đang cố gắng thiết lập một hình thái chính trị mới. Toàn cảnh tình hình liên quan tới vấn đề nhà máy nguyên tử là một cuộc thử nghiệm rất lớn cho thấy các hình thái văn hóa chính trị của Nhật Bản sẽ thay đổi sâu xa tới mức độ nào.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc