Home » Thế giới » Người hùng trong động đất Nhật
Khi Fujio Koshita điên cuồng rung chuông cảnh báo dân làng chài Otsuchi về trận sóng thần sắp ập đến, ông đã cứu sinh mạng của vô số người, nhưng đó cũng là tiếng chuông giã biệt người lính cứu hỏa này.
Một phụ nữ Nhật gạt nước mắt khi đi qua đống đổ nát sau trận sóng thần. Ảnh: AP.
Một phụ nữ Nhật gạt nước mắt khi đi qua đống đổ nát sau trận sóng thần. Ảnh: AP.

Người dân Otsuchi ở tỉnh Iwate, phía đông bắc Nhật Bản, gần vùng tâm chấn của trận động đất kinh hoàng, cùng nhau nghe lại tiếng chuông và tưởng nhớ Koshita vì hành động mà họ coi là đặc trưng cho truyền thống danh dự và trách nhiệm của người Nhật.

Koshita, 57 tuổi, là một trong số 28 người thuộc đơn vị cứu hỏa số 2 ở Otsuchi đã lao đến trạm bên bờ biển chiều 11/3 sau đợt địa chấn đầu tiên. Khi đến nơi, ông phát hiện hệ thống loa báo động không thể hoạt động vì mất điện.

Trong cơn cuồng loạn khi trận động đất mạnh 9 độ Richter vừa xảy ra vài phút, Toru Suzuki, đồng nghiệp của ông, cũng kịp đến trạm nhưng Koshita vẫy tay bảo Suzuki ra về. “Anh về đi. Đừng lo cho tôi”, ông nói.

Koshita chộp lấy chiếc chuông kiểu cũ, thứ được dùng đề phòng khi mất điện. Ông nắm thật chặt và chèo lên mái nhà rồi lắc điên cuồng.

“Tiếng chuông rất to. Ông ấy thật dũng cảm, tôi thực sự tự hào về ông ấy”, Kaito Yamasaki, nam sinh 16 tuổi, kể lại và cho biết thêm cậu vội vã chạy đi khi nghe thấy tiếng chuông.

Tiếng chuông vang lên nhiều phút sau đó, cho đến khi những đợt sóng khổng lồ ập đến từ phía chân trời, cuốn trôi trạm cứu hỏa, tháp canh và cả Koshita.

“Chắc hẳn ông ấy mong mỏi cứu được càng nhiều người càng tốt”, Suzuki thì thầm nói. “Ông là người đáng tin cậy, thuộc kiểu người Nhật cũ và vô cùng tỉ mỉ. Ông thường nói chuyện với chúng tôi về phẩm chất của nghề cứu hỏa”.

Theo các đồng nghiệp trẻ của Koshita, chính ông đã không làm theo những gì ông nói với họ. “Chỉ vài ngày trước, bác ấy nói với tôi đầy dứt khoát rằng ‘Không được chết. Các nhân viên cứu hộ cần phải sống’”, Akira Sasaki, 32 tuổi, kể lại. “Hôm 11/3, tôi đang bận hướng dẫn đám công nhân chạy lên vùng đất cao hơn và hét lên ‘Xin lỗi, cháu không theo kịp bác’. Koshita bảo tôi rằng ‘Được rồi, cứ để tôi’”.

Sasaki cho biết Koshita luôn là người chỉ đạo khi sóng thần xảy ra. “Đây là sự mất mát lớn. Bác ấy đã dạy chúng tôi rất nhiều, nhưng vẫn còn nhiều điều chúng tôi cần học từ bác ấy”, anh nói.

Một số thành viên trong đơn vị cứu hỏa của Koshita đưa dân làng, trong đó có người già và người tàn tật, đi sơ tán. Số khác lao đến bức tường chắn sóng và đóng 12 cánh cổng lại trước khi sóng ập tới. Tuy nhiên, sóng cao tới mức chúng đập vỡ và nhận chìm bức tường chắn.

Koshita không phải là người duy nhất trong đơn vị thiệt mạng. 7 đồng nghiệp của ông đã chết hoặc mất tích. “Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và tin rằng nỗ lực của mình đã làm giảm nhẹ sức tàn phá của trận sóng thần và cứu được một số người”, Mineo Oguni, 61 tuổi, người già nhất trong đơn vị, nói.

Tính đến đầu tháng này, 540 thiệt mạng và 1.051 người mất tích tại làng Otsuchi. Tính trên toàn nước Nhật, số người chết đã vượt quá 12.000 và hơn 15.000 người mất tích.

Thân nhân của những người lính cứu hỏa đang chìm trong cảm giác hỗn độn. “Họ là những người đáng tin cậy nhưng cũng thật buồn. Nếu chồng tôi không nghỉ làm hôm ấy, có lẽ ông ấy cũng vội chạy đến trạm thôi. Tôi không muốn con trai mình sẽ làm lính cứu hỏa”, Kumiko Suzuki, vợ của một người lính cứu hỏa cho biết. Ngày thảm họa nổ ra, chồng bà đang nghỉ.

Tuy nhiên, các nhân viên trẻ trong đơn vị cảm thấy họ có trách nhiệm phải tiếp tục công việc. Sau khi hơn một phần tư số đồng nghiệp thiệt mạng, giờ không phải là lúc bỏ việc. “Tôi sẽ tiếp tục công việc này để tưởng nhớ những người đã mất. Chúng tôi mất nhà cửa, của cải, nhưng chúng tôi còn phải bảo vệ sinh mạng của nhiều người”, Yuki Kawabata, 22 tuổi, người trẻ nhất đơn vị, nói.

Suzuki đồng ý với Kawabata. “Bỏ việc có nghĩa là đầu hàng thảm họa. Chúng tôi không muốn sinh mạng của các đồng nghiệp của mình uổng phí”, ông nói. Trên người người lính cứu hỏa này là bộ đồng phục đi mượn từ trạm bên cạnh sau khi toàn bộ vật dụng bị sóng cuốn trôi.

Trạm cứu hỏa Otsuchi được dựng tạm trên một ngọn đồi. Phía bên ngoài là tấm bìa ghi dòng chữ màu đỏ “Đơn vị cứu hỏa số 2 Otsuchi”.

Thi thể của Koshita vẫn chưa được tìm thấy.

Ngọc Sơn (theo AFP)

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc