Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Sếp Tây: dễ mà không dễ
Không giống như ở các công sở Việt Nam, ở Úc, các nhân viên không cần phải quan hệ nhiều với sếp. Họ thậm chí còn không biết nhà sếp ở đâu và việc tặng ‘phong bì’ cho sếp là điều… không tưởng!
[title]

Trong môi trường công sở Úc thì ngoài công việc, các nhân viên không cần phải cố gắng ‘vun đắp’ các mối quan hệ khác với sếp. (ABC)

Thân thiện

Trong môi trường công sở ở Úc, sếp Tây thường rất thân thiện với các nhân viên. Chị Mai, một nhân viên kế toán gốc Việt, cho biết: “Mỗi lần nhìn thấy sếp, sếp đều hỏi han và cười rất tươi. Vì vậy, mình cũng cảm thấy đỡ căng thẳng hơn mỗi khi có việc phải lên gặp sếp.”

Công ty của chị Mai chủ yếu toàn ‘Tây rặt” và chị là một trong số ít ỏi nhân viên Châu Á làm việc ở đây. Chị cho biết ban đầu khi mới vào công ty, chị rất e dè trong mối quan hệ với sếp nhưng sau đó chính sự thân thiện của ông đã xóa tan trong chị sự ngại ngần. Dần dần, chị có thể thoải mái cùng các đồng nghiệp khác ngồi ăn trưa cùng sếp trong khu bếp của công ty và thảo luận về các chủ đề ngoài công việc.

Còn anh Tốn thì lại nhớ mãi một lần được sếp gọi vào phòng. Sếp nhẹ nhàng hỏi han công việc, gia đình và cả chuyện anh mới mua nhà nữa. Rồi sau đó ông bắt tay anh và thông báo anh mới được tăng lương. Ông còn dí dỏm nói đùa rằng việc tăng lương có thể giúp anh… tậu thêm được một căn nhà nữa và nếu có vấn đề liên quan đến công việc, ví dụ anh muốn chuyển sang bộ phận khác hoặc thậm chí chuyển sang các chi nhánh khác của công ty thì cứ trực tiếp lên gặp ông, ông sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ.

Còn chị Trang, cựu du học sinh Việt hiện làm việc cho một công ty dịch vụ hậu cần, cho biết sếp người Úc của chị đã hết sức tạo điều kiện giúp đỡ cho chị quay trở lại công việc sau một thời gian dài nghỉ sinh con. Bà nói rằng vì cùng là phụ nữ nên bà rất hiểu hoàn cảnh của chị. Vì vậy, bà sắp xếp chuyển chị sang một bộ phận linh động hơn về thời gian để chị có thể về sớm đón con.

Một đặc điểm chung khác của các sếp Tây là họ rất ít khi nạt nộ nhân viên và hình ảnh một vị sếp đập bàn, quát tháo, mắng nhân viên xối xả vì làm sai hầu như chỉ có trong… tưởng tượng. Anh Tốn cho biết: “Một lần, tôi làm sai bản vẽ trong khi sắp đến thời gian phải gửi đi cho khách hàng. Tôi rất lo lắng khi được sếp gọi vào phòng vì nghĩ rằng mình sẽ bị mắng. Nhưng không, sếp bình tĩnh chỉ ra cái sai của tôi rồi sau đó nói rằng sẽ làm hộ tôi một số hạng mục quan trọng cho kịp giờ. Chỉ vài tiếng sau đó, chúng tôi đã hoàn thành xong bản vẽ mới và kịp gửi đi”.

…nhưng lại rất “rắn”

Tuy hòa đồng, thân thiện và sẵn sàng trợ giúp nhân viên lúc cần thiết nhưng anh Tốn cũng cho biết sếp của anh rất ‘rắn’. Trông bề ngoài thì có vẻ như ông không hề kiểm soát nhân viên để tạo tâm lý thoải mái cho nhân viên làm việc nhưng thực ra ông rất tinh tường quan sát thái độ làm việc của từng người. Vì vậy, có nhiều nhân viên trong công ty anh đã phải ‘ra đi’ vì những lý do tưởng chừng như không ai biết như chơi game, chát chít trong giờ làm việc, đi muộn về sớm, làm việc thiếu tập trung…

Hơn thế nữa, trong con mắt của các nhân viên gốc Việt, các sếp Tây rất giỏi ngoại giao, biết áp dụng hiệu quả các chiêu về đắc nhân tâm nên rất ít khi làm mếch lòng nhân viên. Sếp Tây cũng tế nhị vì rất ít khi so sánh công khai khả năng làm việc của các nhân viên, kể cả mức lương họ trả cho mỗi người đều nằm trong vòng bí mật để bảo vệ sự riêng tư cá nhân và tránh việc so sánh, ghen tị lẫn nhau. Vì thế, các nhân viên ở Úc thường không biết được mức lương của những đồng nghiệp khác vì đến ngày nhận lương, mỗi người sẽ nhận được một phong bì hoặc email riêng thông báo mức lương.

Có lẽ vì vậy mà các nhân viên gốc Việt thường cho rằng sếp Tây rất “khó lường”.

Chị Trang chia sẻ: “Các sếp Tây ít khi chê bai hoặc biểu hiện thái độ không hài lòng với nhân viên. Lúc nào họ cũng tỏ ra thân thiện và điềm đạm nhưng bạn sẽ khó có thể biết được họ nghĩ gì. Họ sẽ lẳng lặng quan sát cách làm việc của bạn và cho bạn nghỉ việc nếu họ không cảm thấy hài lòng. Kể cả khi họ sắp sa thải bạn thì bạn cũng không thể ngờ được vì hàng ngày họ vẫn đối xử với bạn rất thân thiện. Chỗ tôi làm cũng có vài nhân viên nói rằng họ cực kì bất ngờ khi nhận được thông báo bị nghỉ việc. Thậm chí có anh đồng nghiệp buổi sáng còn vui vẻ hẹn mọi người đi ăn trưa mừng sinh nhật thì đến buổi chiều đã tiu nghỉu như ‘mèo cắt tai’, thu dọn đồ đạc vì vừa được sếp thông báo… cho nghỉ việc”.

Chị Trang cho biết thêm trong số các đồng nghiệp bị nghỉ việc của chị, chị nhớ mãi một anh bạn người Trung Quốc. Anh này mới thông báo với chị là đã mua được một căn hộ trả góp để chào đón đứa con đầu lòng sắp chào đời. Khi biết mình bị nghỉ việc, anh đã rất buồn bã và lo lắng vì không biết sẽ xoay sở ra sao trong giai đoạn khó khăn sắp tới. Anh bảo giá mà sếp cứ quát tháo hoặc để lộ thái độ cho biết là sắp sa thải anh thì có lẽ anh sẽ chưa vội mua nhà hoặc sẽ chủ động sớm đi tìm việc khác…

“Không cần biết sếp là ai…”

Một trong những điểm thú vị theo nhận xét của nhiều người là trong môi trường công sở Úc thì ngoài công việc, các nhân viên không cần phải cố gắng ‘vun đắp’ các mối quan hệ khác với sếp. Không quà cáp, không ‘phong bì’, không cần nịnh nọt, dường như về khoản này thì các nhân viên gốc Việt ở Úc được dễ thở hơn rất nhiều.

Chị Trang cho biết mặc dù vào làm việc ở công ty đã gần 5 năm nhưng chưa một lần chị đặt chân đến nhà sếp. Vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh thì công ty thường tổ chức một buổi tiệc chiêu đãi nhân viên rồi… ai về nhà nấy. Chị nhớ lại: “Hồi mới vào làm việc, tôi cứ băn khoăn là liệu mình có nên tặng quà cho sếp nhân dịp năm mới không vì ở Việt Nam, mỗi lần lễ, Tết là các nhân viên lại tất bật đi mua quà rồi tấp nập mang đến nhà sếp. Sau đó, tôi quen dần với phong cách không quà cáp, không phong bì vì thấy mọi người trong công ty chẳng ai làm thế cả”.

Người Úc thường coi trọng sự riêng tư của mỗi cá nhân nên kể cả khi bạn kết hôn, bạn cũng không cần phải mời sếp và các đồng nghiệp khác tham dự lễ cưới mặc dù bạn vẫn nên thông báo cho họ biết. Chị Mai kể: “Hồi mới đi làm, tôi rất ngạc nhiên khi một đồng nghiệp của tôi thông báo sắp cưới, mọi người trong công ty đều đến bắt tay chúc mừng anh ấy, thế nhưng không có ai tặng quà cáp hay phong bì gì cả. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa vì anh ấy không hề mời bất cứ người nào đến tham dự lễ cưới mặc dù anh ấy vẫn cập nhật thông tin về đám cưới cho mọi người biết. Nếu ở Việt Nam mà như thế thì đương sự sẽ rất ngại với sếp và các đồng nghiệp.”

Sếp Tây thường có quan điểm coi hiệu quả công việc là trên hết nên việc ra quyết định của họ ít khi bị chi phối bởi các mối quan hệ ngoài công việc với nhân viên. “Sếp đơn giản trong chuyện quan hệ, quà cáp thì mình cũng giản tiện luôn. Tôi thấy rất thoải mái khi làm việc ở Úc vì môi trường làm việc đơn thuần chỉ là về công việc, không có các mối quan hệ chồng chéo và soi mói, bàn tán đời tư của nhau”, anh Tốn kết luận.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc