Home » Thế giới » “Nhiều người Nhật đang cố gắng che giấu cảm xúc thật”
Câu chuyện của phóng viên Andrew Gilligan thuộc The Telegraph kể lại những ngày sống tại Koriyama (Nhật Bản) sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ từ 11-14/3.
Trung tâm thành phố vắng hoe và hoàn toàn tĩnh lặng. Tôi có thể nghe rõ tiếng nổ từ phía xa dội lại mặc dù vụ việc nằm cách đây tới gần 40 km (25 dặm). Ngay sau đó, một sự hoảng loạn nhỏ bắt đầu.

Hệ thống báo cháy của khách sạn hỏng. Một nhân viên lễ tân tới đập cửa phòng tôi: “Rất xin lỗi. Quý vị phải rời khách sạn ngay bây giờ. Đây là trường hợp khẩn cấp”.

Vụ nổ trong sáng nay (14/3) tại lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima xuất hiện hai ngày sau khi diễn ra vụ nổ đầu tiên tại lò phản ứng số 1 khiến tình hình càng trở nên căng thẳng. Các kỹ sư đang phải nỗ lực gấp đôi những ngày trước để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện một “thảm họa hạt nhân” như các chuyên gia cảnh báo.

a
Nhân viên an ninh kiểm tra nhiễm phóng xạ cho một người dân ở Koriyama.

Tôi và những người khác được sơ tán tới nơi khác nằm cách nhà máy 18 km (12 dặm). Ban đầu tình hình có vẻ tệ, sau đó còn tệ hơn. Và giờ đây, nó dường như trên cả mức báo động.

Các quan chức nói rằng vỏ của lò phản ứng đã bị hư hại và có rò rỉ phóng xạ mức độ thấp. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, Koriyama có lẽ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng. Tại đây, thái độ hoài nghi của người dân ngày càng tăng trước những thông điệp trấn an.


Chúng tôi cầu nguyện nhiều hơn


Vì mọi khách sạn đều đã đóng cửa nên từ đêm qua (13/3) tôi đã phải ở nhờ tại nhà riêng của một gia đình người Nhật ngay bên ngoài thành phố. Gia đình Imamura không biết chút tiếng Anh nào, nhưng nhờ có Google Translate, chúng tôi vẫn có thể “nói chuyện” được với nhau dù phải luôn phiên gõ câu trả lời vào chiếc máy tính của tôi. Đó là thứ vẫn còn giúp họ kết nối với thế giới bên ngoài khi đang sống trong sự đe dọa của đám mây phóng xạ.

Gia đình Imamura có một ngôi nhà nhỏ được xây theo lối kiến trúc truyền thống tại thị trấn. Trong nhà có bếp củi để đun nước, chiếc bàn thấp và những chiếc đệm ngồi, bức vách gỗ dán giấy. Dù đã cũ, nhưng nó là nơi trú ẩn của họ khi những cơn dư chấn vẫn còn xuất hiện trong những ngày qua.

Nhưng họ đã không thể mua được thực phẩm hay xăng dầu hai ngày qua. Họ sống nhờ vào những thức ăn còn lại trong tủ lạnh trước đó. Hai ngày, họ cũng không phải đi làm. Các văn phòng và cửa hàng đều đóng cửa. Mọi người gần như dành toàn bộ thời gian xem truyền hình để theo dõi tin tức, cảnh động đất sóng thần tàn phá ở những địa phương khác và diễn biến thảm họa hạt nhân. Khi chiếc loa ngoài phố phát ra tiếng gì đó, họ nhảy lên vui mừng. Hóa ra đó là thông báo việc một trường tiểu học mở cửa trở lại.

“Chúng tôi không biết phải làm sao với những thông điệp từ chính phủ. Nó dường như liên tục thay đổi. Họ nói không có nguy hiểm, nhưng sau đó lại sơ tán dân. Họ nói không có phóng xạ, nhưng rồi lại bắt đầu kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ. Chúng tôi thực sự lo lắng vì không biết điều gì đang xảy ra với chính mình” – ông Kauo Imamura nói.

Chỉ có điều mọi người đang biết chắc đó là các kỹ sư đang vật lộn để bơm đủ số nước cần thiết để giữ cho các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng “được an toàn và mát mẻ”. Các cảnh báo trấn an vẫn được đưa ra. Cộng thêm đó, theo tin dự báo thời tiết tối 14/3, gió có thể thay đổi trong đêm và nó sẽ thổi vào lục địa thay vì thổi ra biển. Nếu bụi phóng xạ phát tán thì quả khó lường.

Một trong những kỹ sư thiết kế nhà máy, Masashi Goto, đã tham gia cuộc phỏng vấn trên truyền hình nói rằng, các lò phản ứng được xây dựng không đủ chắc chắn để chịu được động đất hoặc sóng thần lớn như vậy. Phải 24 giờ nữa, mới có thể nói được mức độ nguy hiểm đến đâu.

Trong căn phòng ngủ của tôi tại nhà Imamuras có một chiếc bàn thờ nhỏ ở góc. Khi mọi người không xem TV, thường tới đó cầu nguyện.

“Chúng tôi làm việc này nhiều hơn” – bà Imamuras nói.

Nhiều người Nhật đang cố gắng che giấu cảm xúc thật của họ. Họ vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh. Nhưng bên kia hàng rào, trong ngôi nhà riêng của họ, dù ngay một người lạ như tôi, cũng có thể nhận thấy nỗi sợ hãi.

Nguyễn Hường

(Theo Telegraph, bee)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc