Home » Sức khỏe » Người tiêu dùng ‘sốc’ vì thịt lợn ‘bẩn’
Mới đây, thông tin rất nhiều mẫu thịt lợn tại một tỉnh ở Trung Quốc bị nhiễm chất Clenbuterol, một loại hormone gây độc hại cho sức khỏe con người, nếu tiêm vào lợn sẽ giúp thịt “siêu” nạc, đã khiến người tiêu dùng trong nước thực sự hoang mang.

Đây không phải lần đầu tiên thông tin về chất Clenbuterol có trong thịt lợn xuất hiện trên thị trường. Hồi năm 2005, Chi cục Thú y TP HCM đã mở đợt kiểm tra và phát hiện một số mẫu thịt lợn bày bán trên địa bàn có chứa chất này. Một năm sau, trong một cuộc hội thảo về hormone tăng trưởng do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Hiệp hội thức ăn chăn nuôi tổ chức, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố kết quả kiểm tra kéo dài từ 20/6 đến 3/11/2006, phát hiện 47/428 mẫu thịt lợn bán tại TP HCM dương tính với Clenbuterol.

Bẵng đi hơn bốn năm, thông tin về chất độc gây siêu nạc ở thịt lợn này có vẻ như đã dần chìm đi thì cuối tháng 1/2011, một đợt khảo sát rộng tại 6 quận huyện trên địa bàn TP HCM do Chi cục Thú y thực hiện cho thấy, trong số gần 500 mẫu thịt lợn đang bày bán tại các chợ, thịt ở một số lò vừa giết mổ xong, có gần 30% mẫu nhiễm Clenbuterol. Đáng chú ý, toàn bộ số thịt trên đã được tuồn ra thị trường và tiêu thụ hết.

Nhiều người chuyển thói quen mua thịt lợn ngoài chợ sang siêu thị.

Cùng với thông tin Trung Quốc phát hiện ra thịt lợn được chăn nuôi với công nghệ làm siêu nạc từ chất độc Clenbuterol trong nhiều năm nay, hiện người tiêu dùng trên cả nước đang rất hoang mang khi xài thịt lợn.

Chị Thu, nhà ở đường Nguyễn Khang (Hà Nội) cho biết: “Thời buổi trượt giá, không ăn thịt lợn thì ăn gì. Nhưng mà vài tuần nay tôi vẫn phải hạn chế mua thịt lợn vì không biết làm thế nào phân biệt được thịt có nhiễm chất độc kia hay không. Thực phẩm bán tại chợ ở Việt Nam làm gì có xuất xứ, chứng nhận, mạnh ai người ấy bán, không có cơ quan nào kiểm tra. Nếu mình là người mua mà không biết tự phòng vệ cho mình thì chỉ có thiệt thân. Thỉnh thoảng đổi bữa, tôi mua ít thịt lợn thì không chọn loại siêu nạc, để hạn chế tối đa khả năng ăn phải Clenbuterol”.

Trên diễn đàn, có bà nội trợ còn lo lắng, “từ hôm nghe nói đã xuất hiện thịt lợn nhiễm Clenbuterol bán tại thị trường TP HCM, tôi cứ bị ám ảnh có ngày mình sẽ bị ung thư, vì hầu như ngày nào cũng ăn. Nghe nói chất Clenbuterol sẽ ngấm nhiều nhất vào nội tạng lợn nên tôi đã bỏ hẳn thói quen mua lòng, tràng hay tim, cật lợn về dùng”.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long, cho hay, không biết có phải tâm lý người tiêu dùng bất an hơn hay không, nhưng có một xu hướng trong vài tuần gần đầy là các bà nội trợ thay vì mua thịt ở chợ thì đã chuyển vào siêu thị để mua cho an tâm hơn. Lượng thịt heo BigC Thăng Long bán ra thời gian gần đây tăng đáng kể so với trước. “Chúng tôi chưa bao giờ nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc, thịt heo bày bán tại BigC 100% là hàng trong nước, được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi nhập về và bày bán”, ông Tuấn khẳng định.

Đại diện siêu thị Hapro Hà Nội cũng cho biết tương tự như trên. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, vào siêu thị mua thực phẩm thì chỉ bớt lo hơn chút thôi, chứ vẫn không hoàn toàn an tâm, vì ai biết được khâu kiểm duyệt hàng hóa của các siêu thị thực hư như thế nào, và họ có kiểm duyệt, xét nghiệm cụ thể từng chất không. “Nói tóm lại chúng tôi vẫn rất hoang mang khi mua đồ ăn, thức uống, rau quả từ nhiều năm nay. Chỉ khi nào các cơ quan chức năng có cuộc thanh kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tổng thể trên từng địa bàn, sau đó công bố kết quả cụ thể, xử phạt nghiêm khắc và đưa ra những lời khuyên, khuyến cáo thực tiễn cho người dân, thì chúng tôi mới an tâm”, chị Nhung, ngụ gần chợ Kim Liên, nói.

Dù hầu hết người tiêu dùng từ nông thôn đến thành thị đều đang xôn xao về sự việc thịt lợn nhiễm chất độc gây siêu nạc, và thông tin 30% trong số 500 mẫu thịt heo tại TP HCM dương tính với chất này, nhưng đại diện nhiều cơ quan chức năng cho biết, không biết đến khảo sát trên. Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) và ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, chưa nghe nói gì về sự kiện này.

Theo ông Khẩn, Cục chưa nhận được thông tin nào từ phía chi cục thú y các tỉnh thành phản ánh về việc các mẫu thịt heo có nhiễm chất Clenbuterol, tại Hà Nội thì càng không. “Hiện nay, những sự kiện như thịt lợn nhiễm Clenbuterol thì do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chịu trách nhiệm kiểm tra, xét nghiệm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu quản lý về các vấn đề như thực phẩm nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm… Chúng tôi cũng mới có văn bản gửi sang cục trên yêu cầu cung cấp thông tin về vấn đề thịt lợn nhiễm Clenbuterol tại Việt Nam. Khi có văn bản chính thức, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ Y tế và lúc đó mới có kế hoạch mở rộng thanh kiểm tra toàn bộ mặt hàng thịt heo bán ra trên thị trường”, ông Khẩn cho biết.

Còn Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, bà Vũ Thị Bạch Nga, hiện chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ người tiêu dùng về vấn đề trên, cũng chưa nhận được thông tin nào từ hai Cục Quản lý thị trường và An toàn vệ sinh thực phẩm. “Khi nhận được thông tin, kết luận cụ thể, chúng tôi mới có thể đưa ra ý kiến, khuyến cáo và những biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Thu Hạ
Theo baodatviet

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc