Home » Thể thao, Tiêu biểu sideshow » Nạn ‘kiêu binh’ ở V-League
Timothy của Hoà Phát hiện dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V-League 2011 với bốn bàn thắng sau ba trận. Nhưng chưa kịp vui với hiệu suất ghi bàn cao của tiền đạo này, Hoà Phát đã phải đau đầu với hành vi phi thể thao của anh.

Phút 62 trận Sông Lam Nghệ An găp Hoà Phát trên sân Vinh, tỷ số đang là 1-1. Hoà Phát đang đứng trước cơ hội giành ít nhất một điểm thì bất ngờ họ bị mất người. Trong tình huống tranh chấp bên phần sân SLNA, Timothy bất ngờ bỏ bóng đánh nguội hậu vệ đối phương. Hậu quả là anh bị thẻ đỏ khiến Hoà Phát rơi vào thế bất lợi, chỉ còn 9 người trên sân (trước đó mỗi đội đã bị một thẻ đỏ). Đây là bước ngoặt khiến Hoà Phát lép vế ở những phút còn lại và để SLNA thắng ngược. HLV Nguyễn Thành Vinh của Hoà Phát đánh giá chiếc thẻ đỏ của Timothy đã hại cả đội. Ông cũng cho rằng hành vi của Timothy là phi thể thao. Không chỉ là một phần nguyên nhân khiến đội nhà nhận trận thua thứ hai từ đầu giải, với chiếc thẻ đỏ ở vòng ba, Timothy còn bị treo giò hai vòng đấu kế tiếp. Anh là tiền đạo số một, là trung tâm hàng công của Hoà Phát. Vì vậy HLV Thành Vinh thừa nhận, mất Timothy, Hoà Phát rơi vào thế khó bởi không cầu thủ nào đủ sức thay thế vai trò của anh.

Timothy (phải) trong màu áo Hòa Phát Hà Nội. Ảnh: T.Q.
Timothy (phải) trong màu áo Hòa Phát Hà Nội. Ảnh: T.Q.

Đây không phải lần đầu tiên Timothy đem đến rắc rối cho Hoà Phát. Cuối V-League 2010, cầu thủ này từng đòi tăng lương và không chịu đá. Hoà Phát sau đó đã thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Tới V-League 2011, do không tìm được người tin cậy, HLV Nguyễn Thành Vinh buộc phải gọi lại tiền đạo người Nigeria.

Timothy chỉ là trường hợp mới nhất của hiện tượng ngoại binh quậy phá. Gây gổ với đồng đội, bỏ tập, đòi chi tiền mới thi đấu, phá hợp đồng… năm nào V-League cũng chứng kiến những scandal của cầu thủ ngoại. Cũng đội Hoà Phát năm 2007, trong trận tranh vé vớt trụ lại V-League với An Giang, để tiền đạo chủ lực Williams chịu thi đấu đội này đã phải chi thêm một khoản tiền.

Amaobi – tiền đạo người Nigieria từng đá cho Nam Định và Đà Nẵng – được mệnh danh là “vua quậy”. Năm 2008, trong màu áo Đà Nẵng, Amaobi tố BHL đội bóng vì tư thù đã cắt khẩu phần ăn và không xếp anh thi đấu khiến nội tình đội bóng rối loạn. Amaobi sau đó đã phải nhận sai, lên tiếng xin lỗi và chấp nhận bị trừ nửa tháng lương.

Leandro – ngoại binh được xem là hay nhất tại V-League từng khiến Hải Phòng khốn khổ. Giai đoạn hai V-League 2009, tiền vệ này buộc Hải Phòng phải ký hợp đồng với người bạn Primenta mới chịu đá hết mình. Trên thực tế Primenta chỉ là trung vệ hạng xoàng, là gánh nặng cho Hải Phòng suốt nửa năm. Tới mùa bóng 2010, Leandro đòi tăng gấp đôi lương, đòi thuê khách sạn ở riêng và tự lái xe tới sân tập. Tiền vệ người Brazil nhiều lần công kích đồng đội trên sân và trong phòng thay đồ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của BHL, nhiều cầu thủ nội đã cho tiền vệ người Brazil ăn đòn. Cũng đội Hải Phòng, năm 2010, trong trận gặp Ninh Bình Aniekan và thủ môn Quang Huy lao vào choảng nhau sau trận. Mùa này, theo gương Leandro, Aniekan đã bỏ ra ngoài thuê nhà riêng và tự tới sân tập.

Hồi đầu mùa V-League 2011, tiền đạo Samson từng đòi phá hợp đồng trước thời hạn một năm với Đồng Tháp để đến Hà Nội T&T. Tuy nhiên, do không chịu nổi mức đền bù 500.000 USD mà Đồng Tháp đưa ra, Samson đã phải ở lại.

Đình đám nhất phải kể đến tiền đạo Molina của Bình Dương. Chuyển đến từ Đà Nẵng, chưa kịp đóng góp cho đội bóng mới, tháng 2/2010, Monila bị chết tại một khách sạn ở TP HCM. Quá trình khám nghiệm sau đó cho thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của Monila là do dùng ma tuý quá liều. Cả V-League sau đó rúng động khi Tshamala, tiền đạo đang chơi cho Đồng Tâm Long An công khai phát biểu: “Ở V-League, nhiều ngoại binh dùng ma tuý lắm”.

Vì sao cầu thủ ngoại hay trở chứng? Nhiều HLV đang hành nghề ở V-League thừa nhận, sức mạnh các CLB hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh. Vì thế, cầu thủ ngoại thoả sức mà làm mình làm mẩy. Đến nay chỉ Hoàng Anh Gia Lai dám sa thải ngoại binh quậy phá. Năm 2009 chỉ sau hai vòng đấu, Hoàng Anh đã đuổi việc Agostinho sau khi tiền đạo người Brazil gây gổ với Lee Nguyễn. Agostinho sau đó đã có việc mới ở Hà Nội T&T và giờ đây là Khánh Hoà. Cũng có ý kiến cho rằng, có quá ít cầu thủ ngoại chất lượng là nguyên nhân khiến các CLB không dám mạnh tay mỗi khi họ trở chứng. Hải Phòng từng tuyên bố trừ Aniekan nửa tháng lương, treo giò vài trận nhưng thực tế, tiền vệ người Nigeria vẫn thi đấu và tài khoản thì không bị hụt đồng nào. Hoà Phát sau trận thua Sông Lam Nghệ An cũng tuyên bố phạt nặng Timothy nhưng tới giờ chưa có hình thức xử lý nào được đưa ra. Mất việc ở đội này nhưng dễ dàng kiếm việc ở đội khác, cầu thủ ngoại ý thức được giá trị của mình, vì thế họ sẵn sàng nổi loạn bất cứ khi nào. Các CLB vì thành tích, đánh phải chọn cách thoả hiệp. Nạn “kiêu binh” vì thế đang được xem là căn bệnh khó chữa ám ảnh bóng đá Việt Nam.

Bảng điểm Eximbank V-League sau vòng 3

TT Đội Trận T H B Điểm

Khoa Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc