Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Tại sao Triều Tiên tấn công Hàn Quốc
Quá trình chuyển giao quyền lực tại Triều Tiên và các cuộc tập trận của Hàn Quốc có thể là nguyên nhân châm ngòi vụ tấn công của miền bắc đối với một hòn đảo của miền nam dẫn đến giao tranh bằng pháo.

Đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc đang bị Triều Tiên pháo kích hôm qua. Ảnh: AFP

Chuyển giao quyền lực

Một số nhà phân tích tin rằng những hành động được cho là “khiêu khích” của Triều Tiên liên quan nhiều tới quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra tại nước này. Nhiều nguồn tin nhận định Chủ tịch Kim Jong-il có sức khoẻ kém đang bắt đầu các bước chuẩn bị để chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho con trai út Kim Jong-un.

Hồi tháng 9 vừa qua, đảng cầm quyền Triều Tiên đã tổ chức đại hội bất thường, trong đó Kim Jong-un được trao các trọng trách trong đảng và Uỷ ban quân sự trung ương. BBC dẫn quan điểm của giới phân tích cho rằng, những vụ căng thẳng gần đây trên bán đảo như chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3 và mới nhất là vụ đọ pháo giữa hai miền hôm qua là nhằm củng cố vị thế của nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên Kim Jong-un.

Mark Fitzpatrick thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh nhận định: “Đó dường như là điều không thể tránh khỏi khi các vụ trên có liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực. Kim Jong-un không có thành tích gì trong hồ sơ của mình. Nhưng nếu có thể chắc chắn trở thành người lãnh đạo quân đội thì ông sẽ phải đạt được một số thành công về quân sự, điều đó có thể hỗ trợ cho quá trình tiếp nhận quyền lực của mình”.

Trong khi đó, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill, người từng lãnh đạo phái đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng quân đội Triều Tiên đang ngày càng gia tăng việc tự đưa ra mệnh lệnh. Cũng theo lời chính trị gia này hành động mới nhất hôm qua do quân đội đơn phương thực hiện mà không có “vỏ bọc chính trị” nào.

Do đó ông Hill cũng đặt ra câu hỏi về chính quyền dân sự tại Triều Tiên. “Triều Tiên đang trải qua quá trình chuyển giao nội bộ rất khó khăn. Có một điều rõ ràng rằng quân đội Triều Tiên không nhiệt tính lắm về đề xuất chuyển giao quyền lực của ông Kim Jong-il cho con trai. Có rất nhiều vấn đề ở đó và tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến những hành động theo cách mà họ ứng xử với bên ngoài”, nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.

Thế bế tắc về hạt nhân

Triều Tiên trước đây từng tìm cách gia tăng căng thẳng như là một cách để củng cố vị thế trên bàn đàm phán của mình, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến hạt nhân. Trong khi đó cuộc đàm phán 6 bên gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã lâm vào bế tắc từ tháng 4/2009.

Năm 2005, Triều Tiên từng đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những nhượng bộ chính trị. Nhưng thoả thuận này tan vỡ do bất đồng về vấn đề giám sát và đặc biệt là nghi ngờ Triều Tiên có chương trình tinh chế uranium hay không, bên cạnh chương trình sản xuất plutonium của họ.

Mỹ từ lâu nghi ngờ Bình Nhưỡng tinh chế uranium, cách thức thứ hai họ có thể chế tạo bom nguyên tử bên cạnh cách thức sản xuất bằng plutonium sẵn có. Lo ngại này đã được chứng minh là có thật vào tuần trước, khi Triều Tiên hé lộ với chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ về nhà máy tinh chế uranium hiện đại có quy mô công nghiệp nhỏ. Giới chức Mỹ kinh ngạc khi biết Triều Tiên có hơn 1.000 máy ly tâm phục vụ tinh chế uranium, nhưng cho biết họ không ngạc nhiên về sự tồn tại của những cỗ máy này.

Trong khi đó, chỉ vài giờ trước khi nổ ra cuộc đọ pháo dữ dội giữa hai miền xung quanh hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm qua, đặc phái viên của Mỹ về bán đảo Triều Tiên Stephen Bosworth đã có mặt tại Hàn Quốc và tuyên bố: “Mỹ không thể chờ đợi việc nối lại các vòng đàm phán trong khi có chương trình hạt nhân đang hoạt động tại Triều Tiên”.

Do đó việc Triều Tiên bất ngờ tấn công dữ dội hòn đảo của miền nam có thể là cách thức nhằm nối lại vòng đàm phán hạt nhân đang bế tắc, theo cách thức mà họ muốn. Nhưng giới phân tích cho rằng đây là chiêu thức đã “cũ rích”, theo lời giáo sư ngành quan hệ quốc tế Zhu Feng của Đại học Bắc Kinh.

Một cuộc diễn tập quân sự của Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong. Ảnh: AFP


Các cuộc diễn tập quân sự

Quân đội hai miền Triều Tiên từng giao tranh một số lần trước đây kể từ sau cuộc chiến tranh giai đoạn 1950-1953, đặc biệt là tại khu vực căng thẳng biên giới trên biển ở phía tây. Hàn Quốc công nhận Đường giới hạn phía bắc (NLL) được quân Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo vạch ra vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, để phân định biên giới trên biển giữa hai miền.

Tuy nhiên đến nay Triều Tiên vẫn không công nhận đường ranh giới lãnh hải này. Trong khi Hàn Quốc thường tổ chức diễn tập quân sự tại khu vực biển tranh chấp, hành động khiến Triều Tiên tức giận và coi là sự khiêu khích. Từ thứ hai tuần này, một ngày trước cuộc giao tranh, Seoul cũng bắt đầu cuộc tập trận thường niên tại đây.

Giới chức Hàn Quốc cho biết, ngay trước khi Triều Tiên bắt đầu nã pháo hòn đảo Yeonpyeong của họ, Bình Nhưỡng đã gửi tới một số thông điệp phản đối cuộc tập trận của miền nam và yêu cầu dừng hoạt động này nhưng bất thành. Hòn đảo này chỉ nằm cách đường biên giới NLL khoảng 3 km về phía nam và cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 120 km về phía tây. Như vậy nhiều khả năng cuộc tập trận của Hàn Quốc đã châm ngòi cho cuộc giao tranh chớp nhoáng giữa hai miền hôm qua.

Bất đồng về viện trợ

Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak về viện trợ kinh tế cho miền bắc đã dẫn tới những căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa hai miền, sau khi đã có dấu hiệu hoà giải dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Kể từ khi ông Lee lên cầm quyền năm 2008, dòng viện trợ cho miền bắc đã bị thắt chặt tới mức nhỏ giọt, vì ông giữ quan điểm viện trợ phải gắn liền với tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hoá bán đảo.

Trong khi đó, Triều Tiên phải dựa nhiều vào nguồn viện trợ từ bên ngoài để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Dười thời tiền nhiệm của ông Lee là cựu tổng thống Roh Moo-hyun, miền bắc thường xuyên nhận được các gói viện trợ lớn qua biên giới trên bộ. Vì vậy sự thay đổi chính sách viện trợ của chính quyền mới tại Hàn Quốc từ năm 2008 đến nay khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa những năm gần đây Triều Tiên hứng chịu nhiều đợt lũ lụt tồi tệ phá huỷ mùa màng, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc và Mỹ tiếp tục thắt chặt cấm vận càng khiến nền kinh tế của Triều Tiên thêm lao đao. Do vậy giới phân tích nhận định vụ tấn công của miền bắc có thể xuất phát từ sự không hài lòng của họ với những gì nhận được từ bên ngoài.

Hành động gây chú ý

Những tuần gần đây, Triều Tiên nêu quan điểm cần nối lại các vòng đàm phán đa phương về hạt nhân, trong khi họ cũng muốn nhận được viện trợ kinh tế cũng như sự chú ý nhiều hơn nữa từ phía Mỹ. Trước mỗi thời điểm đặc biệt như vậy, Bình Nhưỡng từng có những hành động gây sốc như phóng tên lửa và thử hạt nhân để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế và nhằm để bên ngoài chú ý hơn đến vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Do vậy hành động quân sự của Bình Nhưỡng hôm qua cũng được cho là mang tính chất gây chú ý. Tuy nhiên, trước mọi phân tích, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay chính thức có tuyên bố về sự kiện trên, trong đó cáo buộc Hàn Quốc đã nã đạn pháo vào vùng biển của họ trước, gây kích động khiến họ nổ súng và dẫn đến giao tranh tại khu vực gần đảo Yeonpyeong.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc