Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Nỗi khổ của sinh viên “ăn nhờ ở đậu”
Nóng nực, nhếch nhác, tù túng… là những từ mà sinh viên theo học tại các cơ sở mượn, liên kết thường dùng để than trời.
Trường học không có sân chơi

“Trước khi đăng kí dự tuyển mình nghĩ mình sẽ được học tại một cơ sở khang trang, tiện nghi. Nhưng lúc đến nơi mới ngã ngửa, trường học mới còn thua xa trường cấp 3 dưới quê!” – bạn N.V.M, SV ngành công nghệ thông tin, Trường CĐ Nghề số 8, bộc bạch.

Nơi SV này theo học là địa điểm mà Trường CĐ Nghề số 8 (trụ sở chính cổng 11 Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) liên kết đào tạo với Trường CĐ Giao thông Vận tải 3 TP.HCM (số 511 An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân). Diện tích trường rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn 8 phòng học, trong đó có 3 phòng học vi tính với hơn 1.000 SV theo học hai buổi sáng, chiều. Tuy số lượng SV đông là vậy nhưng cả trường chỉ có một nhà vệ sinh. Và thậm chí, phòng vệ sinh nam kế bên phòng vệ sinh nữ không hề có cửa che chắn. Nhiều SV cho biết rất bất tiện khi đi vệ sinh. Vì đông người đi nên các bạn SV, nam cũng như nữ phải chen nhau qua lối đi chưa đầy 1,5m. Để tránh gặp phải vấn đề tế nhị này một cách thường xuyên, không ít SV phải “nhịn”, chờ về nhà “giải quyết”.

Do lịch học khá dày nên buổi trưa, các bạn SV thường ở lại trường. Thế nhưng, sân trường vốn đã nhỏ nay càng ngột ngạt hơn khi có quá nhiều xe gắn máy, xe đạp và cả xe hơi choán gần hết diện tích. Nhiều SV bức xúc: “Ngay cả lối đi vào phòng vệ sinh thỉnh thoảng cũng được dùng để xe máy nên không gian rất bức bối, chật chội”. Theo quan sát, hành lang dành cho SV đi lại trước lớp học cũng được dùng vào việc để xe, chất những thùng sách, bàn ghế lỉnh kỉnh, trông rất nhếch nhác. Tại điểm học này, chỉ có vài chiếc ghế đá đặt dưới sân trường và trên lầu 1, sân chơi cho SV hoàn toàn không có. Thường ngày vào giờ nghỉ giữa buổi, các bạn SV đều chọn một trong hai cách, hoặc ở lại lớp hoặc chạy ra quán nước trước trường ngồi hóng mát.

Khi được hỏi về thư viện của trường mình, một nhóm SV năm 3 Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn, chuyên ngành kế toán tỏ ra ngán ngẩm: “Chúng tớ mong ước trường có một thư viện nhỏ cung cấp các tài liệu chuyên ngành cần thiết để tiện tham khảo trong quá trình học tập cũng không được chứ đừng nói gì tới một thư viện đúng nghĩa”.

Một nhóm SV khác cũng cho hay, trong suốt ba năm học ở cơ sở 3 của Trường CĐ Giao thông Vận tải 3, các bạn hầu như không biết hiệu trưởng trường mình mặt mũi như thế nào. Và lạ đời hơn khi khá nhiều SV không biết cơ sở chính trường mình học nằm ở đường nào, quận mấy? “Năm nay là năm cuối rồi, nhưng cả thời SV chúng tớ phải học tập ở những cơ sở liên kết, thuê mượn tạm bợ như vậy đấy” – một SV nữ ngậm ngùi.

Ngôi trường thuê mướn này đón chào SV của rất nhiều trường liên kết học tại đây. Trong ảnh là biểu ngữ chào đón tân sinh viên hai trường giăng liền kề nhau khá bắt mắt.

4 trường thuê chung một chỗ

Hiện nay, tại TP.HCM có khá nhiều trường đào tạo bậc ĐH, CĐ chưa có cơ sở chính thức để SV có thể an tâm theo học. Việc các trường thuê mướn cơ sở dạy ở nhiều nơi khiến người học vô cùng vất vả trong việc di chuyển.

Bạn N.A.T, SV ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tâm sự:“Năm đầu mình và các bạn trong lớp theo học tại cơ sở của trường trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh. Sang năm 2, phải chuyển qua học tại cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Q.1. Và năm 3 khi mới học được nửa kỳ, trường lại luân chuyển SV về học tại cơ sở nằm trên đường Hòa Bình, Q.11. Trường chuyển cơ sở học xoành xoạch như vậy đồng nghĩa với việc SV tụi mình phải di chuyển nơi trọ”.

Tương tự, tuy có số lượng tuyển sinh cả ngàn SV/năm nhưng từ khi thành lập đến nay, Trường ĐH Mở TP.HCM phải thuê mướn và liên kết với gần 10 cơ sở. Cơ sở vật chất ở những địa điểm thuê mượn, liên kết mặc dù không xuống cấp như một số trường khác nhưng vẫn chưa đảm bảo được chất lượng học tập tốt nhất cho SV. Các cơ sở liên kết của trường nằm rải rác ở các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh, Bình Tân với cùng cảnh ngộ là hầu như không có thư viện và thiếu sân chơi dành cho SV một cách đáng báo động.

Không chỉ vậy, nhiều trường do thiếu cơ sở còn phải “liều mình” mượn lại địa điểm của các doanh nghiệp, nơi tổ chức tiệc cưới, hội nghị… để SV có chỗ theo học. Thế nhưng, những nơi này không có chức năng thiết kế cho việc dạy học nên chất lượng sẽ không được đảm bảo. Tình trạng mướn cơ sở rồi liên kết đào tạo SV với nhiều trường khác cũng đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ tại thành phố.

Đơn cử như cơ sở 3 của Trường CĐ Giao thông Vận tải 3 (trụ sở chính 189, Kinh Dương Vương, P.12, Q.6, TP.HCM) mượn cơ sở của Trường Trung học Thủy sản, ngụ tại 511 An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân. Như đã đề cập ở trên, hệ thống cơ sở này đã xuống cấp, về cơ bản không đáp ứng được các tiêu chí về cơ sở vật chất cho việc đào tạo SV bậc ĐH, CĐ. Mặc dù diện tích trường này khá hạn chế về phòng ốc, trang thiết bị dạy học nhưng hiện tại có đến 4 trường ĐH, CĐ liên kết đào tạo ở đây. Cụ thể là Trường ĐH Duy Tân (có trụ sở chính tại Đà Nẵng), Trường ĐH Huế, Trường CĐ Nghề số 8 và Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn. Trường nhỏ, SV đông nên cơ sở này thường được gọi là trường “tả bí lù” hay “ trường ba rọi”.

Việc liên kết nhiều cơ sở tại một điểm trường hoặc việc thuê mướn tràn lan nhưng cơ sở chưa đạt chuẩn của các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM vẫn tiếp diễn từ năm này sang năm khác. Và không ai khác, SV chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Theo Giaoduconline

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc