Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Giá cả tăng vọt tại Trung Quốc có nguy cơ tác hại đến thành tựu kinh tế
Chính phủ Trung Quốc hiện phải tìm cách đưa ra các biện pháp đối phó với lạm phát tăng vọt. Nhật báo Le Monde chú ý đến sự kiện này đã nêu bật trong hàng tít trang nhất hiểm họa đối với kinh tế Trung Quốc : « Giá cả bùng lên gây nguy hiểm cho phép màu kinh tế Trung Quốc

Tại một sạp rau quả trong chợ ở khu trung tâm Thượng Hải, ngày 17/11/2010. Reuters

Le Monde so sánh : trong lúc các quốc gia công nghiệp phát triển ra sức thúc đẩy tăng trưởng và chống lại mối nguy cơ giảm phát, thì ngược lại các quốc gia đang vươn lên nỗ lực ngăn chặn việc kinh tế bị hâm nóng, và hệ quả của lạm phát cao. Sau Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, đến lượt Trung Quốc thông báo một loạt biện pháp kèm hãm đà gia tăng của giá cả.

Theo số liệu chính thức, giá cả tại Trung Quốc đã tăng 4,4% tính trên một năm vào tháng 10, mức cao nhất từ hai năm qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho là trên thực tế lạm phát cao hơn nhiều so với số liệu chính thức công bố. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ 5 năm qua, người ta đều đánh giá thấp lạm phát, thấp hơn đến 7% so với thực tế.

Tình hình giá cả lên cao hiện nay càng làm người dân bất bình. Để trấn an dân chúng, theo Le Monde, Bắc Kinh đã phải cam kết sẽ cải thiện hệ thống trợ giá, kiểm soát giá bán của một số mặt hàng khi cần thiết và chống lại nạn đầu cơ thực phẩm. Tờ báo nhắc lại : giá trung bình 18 loại rau tại 36 thành phố Trung Quốc đã tăng 62,4% trong một năm. Chỉ trong một vài tháng giá gừng và tỏi chẳng hạn, đã tăng hơn 50%.

Le Monde ghi nhận là từ cuối tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã xuất hàng từ kho dự trữ để kềm giá, đưa ra thị trường đến 62.000 tấn thịt heo, 210.000 tấn đường, và dự kiến đưa thêm 200.000 tấn đường khác vào cuối tuần này, với giá bằng 2/3 giá hiện nay trên thị trường.

Tờ báo trích dẫn một số nhà kinh tế nhìn thấy là những biện pháp kềm hãm giá cả của chính phủ Trung Quốc chỉ có tác dụng hạn chế, nhất thời mà thôi. Như một nhà kinh tế ở Bắc Kinh giải thích, những biện pháp hành chính này có thể có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài thì không, vì nó không giải quyết vấn đề có quá nhiều tiền lưu hành mà Trung Quốc cần phải giảm đi hoặc hướng vào đầu tư hữu ích.

Le Monde phân tích : Trung Quốc đã chứng kiến cảnh tiền bơm vào để kích thích kinh tế lại được sử dụng để đầu cơ trong những ngành béo bở như địa ốc, và chính quyền đã đưa ra những quy định hạn chế đầu tư trong ngành này, hạn chế việc mua bán nhà cửa. Giới đầu cơ đã quay sang lãnh vực nguyên liệu và nông sản, làm tăng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng nói chung, trong lúc mà thời tiết xấu năm nay cũng đã ảnh hưởng đến giá ấn định trước của mùa thu hoạch.

Ngoài những yếu tố nêu trên, Trung Quốc không chỉ chịu hậu quả của chính sách kinh tế tài chính của mình, mà còn gánh chịu hệ quả chính sách tài chính của quốc tế, đặc biệt của Mỹ, khiến đầu tư ngoại quốc săn tìm lợi nhuận càng đổ vào các nền kinh tế đang vươn lên, nhất là Trung Quốc.

Nếu các biện pháp chống lạm phát có hệ quả giới hạn thì các nhà kinh tế và đầu tư ngoại quốc lại lo ngại về tác động của nó trên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, họ e ngại một ‘‘sự hạ cánh nặng nề ‘’ của nền kinh tế thứ nhì của thế giới.

Theo tin rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc