Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Sự sống thần kỳ của các thợ mỏ bị vùi dưới 600 mét

Trong hơn hai tuần thoi thóp dưới hầm sâu hơn 600 mét, hơn ba chục người công nhân mỏ Chile cứ hai ngày mới dám ăn một lần, mỗi lần hai thìa cá, một miếng bánh quy và chỉ một ngụm sữa.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera xem đoạn băng các thợ mỏ mắc kẹt dưới hầm. Ảnh:Xinhua.

Khẩu phần ít ỏi đó đã giúp họ duy trì cuộc sống được tới 17 ngày.

33 con người bị kẹt dưới một mỏ đồng và vàng sâu hàng trăm mét ngày 5/8 sau vụ sập hầm mỏ ở cách thủ đô Santiago 850 km về phía bắc. Hôm 22 tháng này, cả nước Chile vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi biết họ vẫn sống.

“Ở trong hầm này chúng tôi vẫn ổn”, là nội dung mẩu tin nhắn mà các công nhân gắn vào que thăm dò của lực lượng cứu hộ. Đây là thông tin đầu tiên về các thợ mỏ sau vài nỗ lực bất thành khi đội cứu hộ cố gắng khoan xuống vị trí của các thợ mỏ.

Trong những khoảnh khắc đầu tiên khi lực lượng cứu hộ phát hiện ra các thợ mỏ còn sống, những người đã sống hơn nửa tháng trong hầm tối háo hức nhìn vào chiếc máy quay đưa xuống hầm, cách mặt đất khoảng 600 m, mắt lấp lánh hy vọng.

Một trong những yêu cầu đầu tiên của các thợ mỏ là … bàn chải đánh răng. Hiện nay nhân viên cứu hộ đã khoan được lỗ thứ hai xuống mỏ, song chỉ mở được một khe cửa nhỏ 15 cm, đủ để ròng dây chuyển thức ăn, nước uống, thuốc men, oxi và vài trò chơi tiêu khiển cho các đồng nghiệp bên dưới. Các thợ mỏ kẹt dưới hầm phải đợi từ 3-4 tháng để đội cứu hộ khoan thêm một lỗ đủ lớn để đưa họ lên mặt đất.

Bức thư của một thợ mỏ bị kẹt dưới hầm gửi vợ, được đưa lên ngày 24/8. Ảnh: AP.

Trong những ngày qua, các thợ mỏ đã sống trong căn hầm rộng khoảng 45 mét vuông, tương đương một căn hộ nhỏ. Davitt McAteer, một chuyên gia điều tra vụ sập hầm mỏ lớn ở miền tây Virginia của Mỹ, cho rằng không gian nhỏ bé của căn hầm không khác gì nhà tù hay tàu ngầm. “Chẳng cần phải tưởng tượng cũng biết nơi đó không thể tiện nghi được”, ông nói. “Việc họ có thể cầm cự được quả là kỳ tích”.

Làm sao những người thợ mỏ có thể sống sót trong không gian 32 độ C, ẩm thấp, nhớp nháp và tăm tối (chỉ có ánh đèn trên mũ bảo hộ được sạc pin từ một chiếc xe tải)? Căn hầm ở đây, dù không lớn lắm, nhưng cũng đủ cung cấp một không gian rộng hơn căn hầm thường thấy trong các mỏ than ở Mỹ. Ông John Urosek, trưởng đội cứu hộ mỏ khẩn cấp của Ủy ban Quản lý sức khoẻ và an toàn hầm mỏ, cho biết hầm trong các mỏ than ở Mỹ chỉ có chiều cao 1,5 m và rộng 6-9 m. Những người mắc kẹt ở Chile cũng may mắn hơn vì trong mỏ kim loại không khí thường an toàn hơn các mỏ than, gần như không có mê tan, khí độc như trong các mỏ than. “Khí oxy trong mỏ than sẽ bị hút sạch khi người ta hít thở”, ông Urosek nói.

Mặc dù căn hầm trú ẩn này đủ chỗ cho các thợ mỏ có thể đứng thẳng, khẩu phần dự trữ chỉ đủ cho 48-96 giờ, nhưng họ đã trụ được khá lâu. Đây quả là một kỳ tích nhờ sự tháo vát của các thợ mỏ. Ngoài phần thức ăn sẵn có, họ đã đào một kênh nước tạm thời để tìm nguồn nước ngầm và lấy nước dự trữ từ bộ phận tản nhiệt của máy móc.

Thức ăn, nước uống và không khí là mối quan tâm cấp thiết nhất. Tuy nhiên việc bị chôn dưới đất nhiều tuần và sự mất niềm tin rất có thể gây ra stress. May mắn là cho đến giờ, tinh thần của họ vẫn rất tốt. Hôm 23/8, những thợ mỏ hát quốc ca Chile khi đội cứu hộ gửi viên nang oxi, những vỉ glucô và thuốc tiêu hoá xuống. Người ta không nói cho các thợ mỏ biết sẽ phải mất 4 tháng họ mới có thể lên mặt đất, nhưng Tổng thống Chile Sebastián Piñera khẳng định: “Khi lên đến mặt đất, họ sẽ sút cân và nhem nhuốc một chút, nhưng đều mạnh khoẻ”.Còn một vấn đề khó xử khác. Vì không gian tương đối lớn, nên các nạn nhân có thể không ở quá gần khu vực vệ sinh tự tạo. Tuy nhiên, với số lượng người khá đông đang mắc kẹt, nguy cơ mắc bệnh lỵ rất cao. Cũng may là giờ đây, các thợ mỏ đã có thể liên hệ được với bên ngoài, vấn đề vệ sinh có thể được giải quyết khi thuốc men và các vật dụng vệ sinh được gửi xuống hầm.

Trải nghiệm sinh tử này sẽ để lại hậu quả về tinh thần, theo ông Joe Sbaffoni, giám đốc Uỷ ban An toàn mỏ ở Pennsylvania, cho biết. “Chắc chắn rằng họ đều cảm thấy mình sắp chết”, ông nói. Sbaffoni từng tham gia giúp đỡ các thợ mỏ sống sót sau vụ sập hầm mỏ năm 2002, khi đó, họ bị chôn đưới mỏ ở Quecreek tới 78 tiếng. Trong số 9 thợ mỏ ở Quecreek, chỉ có ba người quay lại làm việc. Hai người làm trên mặt đất, chỉ có một người, Randall Fogle, quay trở lại làm việc dưới hầm mỏ. Giờ đây anh ta đã là trưởng nhóm.

Cho đến giờ, các thợ mỏ Chile đều còn sống, nhân viên cứu hộ đang thực hiện nhiệm vụ mạo hiểm là đào sâu xuống lớp đá rắn chắc. Tuy nhiên khu vực này hiện khá nhạy cảm và rất dễ đổ sụp. Mặc dù người ta sẽ khoan thật nhanh vào lớp đá cứng để tới chỗ các nạn nhân nhanh nhất có thể, nhưng việc làm này cũng có thể khiến đổ sập mái hầm. “Việc này cần được tiến hành tỉ mỉ và thận trọng”, ông McAteer nói.

Nếu công tác cứu hộ diễn ra như mong đợi và các thợ mỏ có thể lên được mặt đất, họ sẽ kịp về nhà trong lễ Giáng sinh.

Theo tin datviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc