Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Ăn trộm kiểu Úc
Những kẻ trộm ở Úc khi hành nghề thường đánh cả xe tải đến để ‘hốt’ đồ, thậm chí cao tay hơn chúng còn huy động cả phụ nữ lẫn trẻ con đi ‘làm việc’ khiến những người đi đường, kể cả hàng xóm không thể phát hiện ra vì cứ tưởng đó là một cuộc chuyển nhà thông thường.

Sau khi đột nhập được vào nhà nạn nhân, bọn trộm thường đánh cả xe tải vào sân hoặc ga-ra để vận chuyển đồ ăn trộm. (Bay Vút)

Ăn trộm ở khu người Việt

Theo số liệu được đăng tải trên website của cảnh sát Úc (www.police.vic.gov.au), đột nhập vào nhà dân để lấy cắp tài sản là hình thức trộm phổ biến nhất ở Úc. Ở bang Victoria, trung bình cứ 19 phút lại xảy ra một vụ trộm cắp và chủ yếu ở những khu vực có đông người Việt sinh sống như ở phía Tây thành phố Melbourne Footscray, Braybrook, Sunshine, St Albans, Melton, thậm chí là những khu phía Đông vốn được coi là có nhiều ‘Tây’ hơn như Richmond và Springvalle… Những khu vực này cũng nằm trong top 40 khu vực có tỉ lệ trộm đột nhập vào nhà cao nhất. Nhìn chung, trong hai năm 2007 và 2008, tỉ lệ tội phạm đã tăng lên 7.6% ở những khu người Việt, trong đó số các vụ đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản tăng lên tới 18.1 %.

Theo thống kê, ở bang Victoria, nơi có nhiều vụ trộm cắp tài sản gia đình nhất phải kể đến là Footscray, ‘thủ phủ’ của cộng đồng người Việt. Trong năm 2009-2010, tỉ lệ các vụ trộm tài sản đã tăng lên tới 61.6% . Thời gian xảy ra nạn trộm cắp thường từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều – khoảng thời gian mọi người đi làm vắng nhà.

Chị Thủy hiện đang sống ở khu phía Tây Footscray là một trong những nạn nhân bị trộm đột nhập vào nhà tới hai lần. Lần thứ nhất là vào lúc hai vợ chồng chị vừa đi ra khỏi nhà chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Sau khi đi làm về, chị rất hoảng hốt khi nhận ra tấm cửa kính trong phòng ngủ bị đã đập vỡ tan tành và kẻ trộm đã đột nhập vào lối đó. Vợ chồng chị đã bị mất đi hai chiếc máy tính xách tay ‘xịn’ cùng với máy ảnh, máy quay, TV, ipod, điện thoại… Sau lần đấy, chị rất lo sợ và luôn trong tình trạng cảnh giác nhưng chẳng ai học được chữ ‘ngờ’, chỉ đúng hai tuần sau khi xảy ra vụ trộm đầu tiên, nhà chị lại tiếp tục bị đột nhập sau khi vợ chồng chị mới ‘rinh’ về hai chiếc LCD mới cứng.

Còn gia đình anh Tùng ở Braybrook – một khu báo động về tình trạng trộm đột thì lại bị trộm viếng thăm những ba lần khiến anh mất đi nhiều tài sản có giá trị, trong đó có cả những vật kỉ niệm đáng giá mà anh sưu tập được từ những lần về Việt Nam. Chẳng thể ‘sống chung với lũ’ vì tâm lí lo sợ cho sự an toàn cũng như tính mạng của cả gia đình, vợ chồng anh đã quyết định chuyển sang một khu khác để sinh sống cho yên ổn.

Tại sao nạn trộm cắp thường xảy ra ở khu người Việt?

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính khiến cho nạn đột nhập ăn trộm tài sản thường xảy ra ở khu người Việt là vì các ngôi nhà ở những khu này thường ít được trang bị hệ thống báo động trong khi đó gu kiến trúc đô thị ở Úc lại thường sử dụng rất nhiều mảng kính lớn để trang trí, lấy ánh sáng và tạo không gian lưu thông thoáng mát cho ngôi nhà. Chị Thủy cho biết: “Sống ở Úc bao nhiêu năm nay thấy không xảy ra chuyện gì nên tôi cũng chủ quan và không lắp báo động.” Tương tự chị Thủy, nhà anh Tùng cũng không hề có hệ thống báo động mặc dù đã bị trộm đột nhập vào nhà nhiều lần.

Ngoài ra, cảnh sát Úc cũng cho biết thêm một trong những nguyên nhân khác là các khu người Việt cũng là nơi thường tập trung nhiều sinh viên quốc tế sinh sống vì tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt rẻ hơn. Vì vậy, những kẻ ‘đạo chích’ cũng thường tăm tia cả những đối tượng này, chủ yếu để lấy máy tính xách tay và điện thoại. Anh Hải, một du học sinh sống ở Footscray cho biết đã có lần anh và một số sinh viên sống cùng nhà đã phải ‘khổ sở’ vì bị trộm đột nhập vào phòng lấy đi máy tính xách tay có rất nhiều dữ liệu học tập. Những lần sau đó, mỗi khi đi học hoặc ra ngoài lâu, anh đều giấu máy tính trong gầm giường hoặc ở một nơi nào đó khó phát hiện.

Một điều thú vị là ăn trộm ở Úc cũng rất có bài bản và lắm ‘chiêu’. Sau khi đột nhập được vào nhà nạn nhân, bọn trộm thường đánh cả xe tải vào sân hoặc ga-ra để vận chuyển đồ ăn trộm. Vì vậy, những người đi đường, kể cả hàng xóm, thoáng nhìn qua cứ tưởng đấy là một cuộc chuyển nhà nên không hề tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí, chúng còn cao tay đến mức huy động cả phụ nữ lẫn trẻ con như một gia đình ‘thứ thiệt’ đi ‘rinh’ đồ ăn trộm nên rất ít khi bị phát hiện.

Biện pháp chống trộm

Cảnh sát Úc đã đưa ra thông điệp ‘đừng đợi đến khi quá muộn’ và cho biết, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt các thiết bị đảm bảo an ninh cho ngôi nhà như camera chống trộm hoặc hệ thống báo động. Họ cũng khuyến cáo người dân không nên để nhiều tiền mặt và những vật dụng có giá trị khác như nhẫn kim cương, vàng bạc… trong nhà. Trong trường hợp nhìn thấy một đối tượng khả nghi nào đó thì người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, chú ý khóa cửa cẩn thận hơn khi ra ngoài hoặc lập tức gọi điện cho cảnh sát theo số 000.

Anh Tùng cho biết, từ kinh nghiệm ‘thương đau’ bị trộm viếng thăm ba lần trước kia, khi chuyển sang ở nhà mới, việc đầu tiên anh nghĩ đến là lắp đặt các thiết bị báo động cho toàn bộ ngôi nhà. Anh chia sẻ: “Mặc dù tốn kém hơn một chút, mỗi năm phải trả vài trăm đô tiền phí duy trì dịch vụ an ninh cho ngôi nhà nhưng tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều và không bị sốc khi một ngày nào đó đi làm về mà thấy cửa kính bị đập tan tành còn nhà thì sạch trơn!”

Chị Thủy thì lại thở dài: “Sau hai vụ trộm, vợ chồng tôi không lấy lại đủ tiền bảo hiểm tài sản vì các công ty bảo hiểm đòi phải có hóa đơn mua hàng đối với những đồ đạc đã bị mất. Trong khi đó có nhiều hóa đơn chúng tôi hiện nay không còn giữ hoặc đã bị thất lạc từ lâu. Thôi thì đó cũng là một bài học để mình phải có biện pháp đề phòng cẩn thận hơn.”

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc