Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Gạo không cần nấu, ngâm nước là thành cơm

Các nhà khoa học Ấn Độ tuyên bố đã phát triển thành công một giống lúa cho ra những hạt gạo kỳ lạ. Loại gạo này không cần phải nấu mà chỉ ngâm trong nước ấm là chín.

Giống lúa độc đáo có tên Aghanibora, được các nhà khoa học nhiên cứu và phát triển tại Viện Nghiên cứu Gạo Ấn Độ Cuttack (CRRI). Ông Adhya, Giám đốc Viện CRRI nói rằng, khác với những giống lúa truyền thống, loại gạo này có men phân giải tinh bột thấp, khiến hạt gạo mềm đi khi được ngâm vào nước ấm.

Aghanibora được phát triển từ giống lúa “Komal chawl” nổi tiếng của bang Assam (phía bắc Ấn Độ), chứ không phải gạo biến đổi gene. Lúa “Komal chawl” có khả năng sinh trưởng trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm song vẫn giữ được các dưỡng chất và đặc tính mềm của gạo.

Hạt gạo Aghanibora

Theo ông Adhya, Aghanibora chẳng có gì khác biệt so với các loại lúa khác đang được trồng ở Ấn Độ, ngoại trừ khả năng “chín” trong nước.

“Trong khi nhiều người phải mất công lựa chọn nồi cơm điện và canh chừng nồi cơm, thì với loại gạo mới, chúng ta sẽ có một nồi cơm ngon lành nếu ngâm gạo vào nước khoảng 45 phút rồi sau đó ngâm vào nước ấm khoảng 15 phút nữa”, ông Adhya cho biết.

Giống lúa này có thể được trồng ở nhiều vùng trên khắp Ấn Độ mà không “kén” đất.

Ông Adhya nói rằng, các nhà khoa học của CRRI đã trồng thử Aghanibora suốt ba năm qua trong môi trường nóng và ẩm của bang Orissa và vùng đất gần biển ở bang Andhra Pradesh, để xem nó giữ được đặc tính mềm và các dưỡng chất khi tiếp xúc với nước giống như lúa “Komal chawl” hay không.

Sau 145 ngày thử nghiệm cuối cùng, các nhà khoa học của CRRI kết luận rằng, giống lúa này sẽ cho năng suất từ 4 đến 4,5 tấn/héc ta và có sản lượng ngang bằng với các giống lúa thông thường hiện nay. Loại gạo mới được nhận định sẽ phù hợp với những đối tượng khách hàng như các bà nội trợ muốn tiết kiệm thời gian và điện trong khi nấu ăn.

Theo tin danviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc