Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Kênh đào mới ở Quảng Tây có lượng đất đá đào lên gấp 3 lần đập Tam Hiệp

Tiếng gầm rú liên tục của những chiếc xe tải đã phá vỡ sự yên tĩnh của những ngọn đồi ở tỉnh Quảng Tây – nơi từng được bao phủ bởi rừng rậm. Công trình xây dựng kênh đào của ĐCS Trung Quốc sẽ mang lại những thay đổi gì cho hệ sinh thái và thảm thực vật nơi đây? Sẽ gây ra những tác động tiêu cực gì? Dự án này đã và đang làm dấy lên mối lo ngại.

Đập Tam Hiệp đã giết chết con sông Trường Giang. (Ảnh: news.vn)

Đập Tam Hiệp đã giết chết con sông Trường Giang. (Ảnh: news.vn)

Chi phí ước tính của dự án Kênh đào Bình Lục là 72,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 10,3 tỷ USD hay 240 nghìn tỷ VND). Kênh đào này bắt đầu từ cửa sông Bình Đường trong khu vực hồ chứa Tây Tân của thành phố Hoành Châu thuộc Nam Ninh; đi qua thị trấn Lục Ốc thuộc huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu; dọc theo sông Khâm và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Với tổng chiều dài 134,2 km, dự kiến phần chính của dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2026.

Tờ Nikkei đưa tin, các quan chức Trung Quốc cho biết ước tính cần phải đào khoảng 340 triệu mét khối đất đá, con số này gấp ba lần lượng đất đá mà ĐCS Trung Quốc (ĐCSTQ) từng đào để xây dựng đập Tam Hiệp.

Ông Li Xiaoxiang, một quan chức phụ trách tại công trường, nói với Nikkei rằng “công việc đang diễn ra 24 giờ/ngày” để có thể hoàn thành vào năm 2026.

Các nhà quan sát nói rằng, dự án này được khởi động vào năm ngoái, nó cho thấy Bắc Kinh đã chuyển hướng sang tăng cường kết nối đường thủy theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, thay vì trên bộ.

Ông Yang Jiang, một chuyên gia về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch (Danish Institute for International Studies), cho biết đây là một động thái mới, trước đây Bắc Kinh tập trung vào cơ sở hạ tầng đường sắt.

Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường kết nối với các nước ASEAN để giảm bớt sự phụ thuộc vào thương mại với phương Tây. Các quan chức cho biết, Kênh đào Bình Lục được thiết kế để thúc đẩy thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên. Nhưng có chuyên gia cho rằng, trong một số ngành cạnh tranh, ĐCSTQ không thể thông qua ASEAN để thoát khỏi sự phụ thuộc vào phương Tây.

Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Hinrich ở Singapore, cho biết: “Mặc dù việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả cao là điều đáng hoan nghênh, nhưng bản thân nó không thể tạo ra hiệu ứng đồng vận (synergism effect) thương mại ở nơi mà hiệu ứng này không tồn tại, cũng như không thể tạo ra các ngành công nghiệp cạnh tranh trong ASEAN để sản xuất các sản phẩm mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc cần”.

Ông Olson cho rằng, có thể sẽ tồn tại một số hạn chế đối với sự tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ông nói thêm: “Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ nền kinh tế nào trong ASEAN. Điều này tạo ra tác dụng đòn bẩy, đôi khi có thể dẫn đến các mối quan hệ thương mại không cân bằng và không bền vững”.

Nikkei cho biết, dự án kênh đào này cũng gây ra những lo ngại về môi trường và chi phí. Để xây dựng Kênh đào Bình Lục, cần giải phóng một mặt bằng rộng lớn. Khi được hỏi về tác động của hoạt động này đến hệ sinh thái, một quan chức của dự án cho hay, “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng các cảng bảo tồn để bảo vệ hệ sinh thái” nhưng không nói rõ chi tiết.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do Viện Quy hoạch và Nghiên cứu thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc công bố vào năm ngoái đã thừa nhận rằng, hoạt động xây dựng kênh đào tiềm ẩn một loạt tác dụng phụ. Chúng bao gồm: ngăn cách hoặc phá hủy môi trường sống tự nhiên, thay đổi hệ sinh thái của khu vực, mất thảm thực vật, ô nhiễm khói bụi từ tàu thuyền đi lại và các loại ô nhiễm khác.

Kể từ khi Công trình Tam Hiệp trên sông Trường Giang (còn được gọi là sông Dương Tử) được hoàn thành vào năm 2009, nó đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nhiều thảm họa khác.

Một báo cáo của Reuters vào năm 2019 cho biết, đập Tam Hiệp đã gây ra nhiều ảnh hưởng lâu dài và tỷ lệ xảy ra động đất cũng tăng lên đáng kể. Một nghiên cứu của Cục quản lý Động đất Trung Quốc cho thấy, từ năm 2003 đến 2009 khi hồ chứa nước trữ nước, số trận động đất đã tăng gấp 30 lần. Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết đã có 776 trận động đất trong khu vực này vào năm 2017, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước đó, và cường độ cao nhất là 5 độ Richter.

Ngoài việc gia tăng các trận động đất, các hồ chứa quy mô lớn còn hút lượng nhiệt lớn hơn so với đất khô, kết quả là làm tăng nhiệt độ của khu vực này. Dòng sông ấm lên cộng với môi trường sống bị hủy hoại đã tàn phá các loài cá địa phương, loài cá tầm Dabry (cá tầm sông Trường Giang) đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Minh Lý biên dịch từ epochtimes.com

Theo ntdvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc