Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Tổng thống Putin là người như thế nào (phần cuối)

Dù nhiều người không muốn chiến tranh xảy ra, nhưng việc Nato không giữ đúng cam kết mà tiếp tục mở rộng về phía đông, các phòng nghiên cứu sinh học của Mỹ vẫn âm thầm hoạt động dù Nga yêu cầu làm rõ nhiều lần, cùng với các áp lực khác đã khiến Tổng thống Putin quyết định tiến quân vào Ukraine.

Hiện Putin đang bị tấn công bởi Anh, Mỹ và phương Tây, và Nga đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện, chủ yếu vì ba cuộc xung đột sau:

>> Tổng thống Putin là người như thế nào (phần 1)

>> Tổng thống Putin là người như thế nào (phần 2)

Thứ nhất: Cuộc chiến Crimea

Trong lịch sử lâu dài của Nga, Crimea chưa bao giờ là của Ukraine, cho đến khi Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (người Ukraine), cắt Crimea ra khỏi Nga một cách tùy tiện vào những năm 1950 và trao nó cho Ukraine, cũng là một phần của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã và Ukraine độc ​​lập, người Crimea đòi độc lập và trao trả cho Nga (người Nga địa phương chiếm 63%, người Ukraine chỉ 15%). Khi đó, Nga đứng ra vỗ về động viên, người Crimea mới dừng lại.

Năm 2014, tổng thống được bầu một cách dân chủ của Ukraine đã bị lật đổ bởi một phong trào đường phố bạo lực do Hoa Kỳ hậu thuẫn, vì ông này thân Nga. Nga gọi đây là một “cuộc đảo chính”. Chính vì nền tảng này mà người dân Crimea đã bỏ phiếu cho nền độc lập. Tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ 98%, và Crimea đã quay trở lại Nga. Vụ việc ở Crimea là kết quả của việc Mỹ kích động Ukraine chống Nga. Hoa Kỳ cũng từng ủng hộ nền độc lập của Kosovo tách khỏi Nam Tư trong cuộc chiến ném bom kéo dài 80 ngày.

Về nguyên tắc, Crimea, nơi người Nga chiếm đa số, cũng giống như Kosovo, có quyền lựa chọn quyền tự trị hoặc độc lập của quốc gia. Nhưng khi nói đến Crimea, Mỹ có “tiêu chuẩn kép” về độc lập. Nước Mỹ đã và đang hủy diệt mối quan hệ giữa Nga và Ukraine là nhằm làm suy yếu Nga. Một số chuyên gia vô cùng am hiểu về Nga, như George Kennan, Stephen Cohen, Mearsheimer, Kissinger… đều đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ vẫn coi Nga là kẻ thù sau Chiến tranh Lạnh, nhưng cả 2 đảng ở Mỹ vẫn tiếp tục có những biện pháp thù địch làm suy yếu chính sách của Nga, nhằm duy trì vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới của Mỹ.

Cách tiếp cận này đã khiến nhiều người trước đây ngưỡng mộ vai trò “cảnh sát thế giới” của Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về mức độ “lành tính” của nhiều hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới: “thúc đẩy dân chủ” và “duy trì quyền bá chủ”. Rốt cuộc, đâu mới là mục đích chính của Hoa Kỳ? Một quốc gia bá chủ có thực sự là một điều tốt cho hòa bình thế giới?

Tổng thống Nga Putin ký hiệp ước gia nhập với các lãnh đạo Crimea năm 2014. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Tổng thống Nga Putin ký hiệp ước gia nhập với các lãnh đạo Crimea năm 2014. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Thứ hai: Cuộc chiến Ukraine

Sau sự kiện Crimea, hai khu vực ở miền đông Ukraine cũng đòi độc lập (người Nga và người nói tiếng Nga chiếm đa số), và kết quả là các Tổng thống Ukraine Poroshenko và Zelensky chống Nga mạnh mẽ, họ đã ra lệnh một cuộc đàn áp quân sự và đã giết chết 14.000 người trong 8 năm qua. Trước Chiến tranh Ukraine, Nga đã đưa ra hai yêu cầu: phi quân sự hóa Ukraine (không gia nhập NATO), phi Quốc xã hóa (ngừng sử dụng phần tử Quốc xã để tàn sát người Nga ở miền đông Ukraine). Đây là yêu cầu cơ bản đối với an ninh của Nga. Nga không thể chấp nhận quân đội và tên lửa của NATO ở Ukraine, cũng như Hoa Kỳ không thể chấp nhận tên lửa của Liên Xô ở Cuba.

Việc tàn sát người Nga ở khu vực miền đông Ukraine là không thể chấp nhận được, theo bất kỳ tiêu chuẩn văn minh và luật pháp quốc tế nào. Hai điều kiện này của Nga là hợp lý, nhưng chúng đã bị Zelensky từ chối, vì họ có Biden chống lưng. Nước Mỹ ngay từ đầu đã không muốn tránh chiến tranh, không những không thúc đẩy đàm phán để giải quyết vấn đề, mà ngược lại còn kích động chiến tranh, muốn nhân cơ hội làm suy yếu sức mạnh quốc gia của Nga, và biến Nga thành nước hạng hai, để duy trì quyền bá chủ toàn cầu đơn cực của Hoa Kỳ.

Trước sự tan rã của Liên Xô, Gorbachev và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra quyết định khoan nhượng về việc có đồng ý dỡ bỏ Bức tường Berlin và thống nhất Đông và Tây Đức hay không. Gorbachev nói rằng, vào thời điểm đó, ngay cả Thủ tướng Pháp và Anh Margaret Thatcher cũng không đồng ý (việc thống nhất Đông và Tây Đức), nhưng Liên Xô đã khoan nhượng. Cũng vào thời điểm đó, Hoa Kỳ hứa rằng NATO sẽ không mở rộng thêm một tấc về phía đông. Sau đó, Liên Xô giải tán “Tổ chức Hiệp ước Vacsava”, một tổ chức nhằm chống lại NATO.

Về lý mà nói, nước Nga chuyển đổi sang quốc gia dân chủ và giải thể Tổ chức Hiệp ước Vacsava, thì NATO cũng nên bị giải thể. Cho dù không giải thể cũng được, nhưng trong 20 năm qua, NATO đã thất hứa, bành trướng về phía đông tới 14 quốc gia, và tiếp tục xúi giục Ukraine và Nga chống lại nhau, thậm chí không tiếc chi phí, kích động lật đổ tổng thống Ukraine thân Nga – người được bầu một cách dân chủ. Hoa Kỳ một mặt nói rằng họ không ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, một mặt lại xúi giục Ukraine chống Nga. Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn đóng quân tại Ba Lan, và đã ở đó trong 8 năm qua để huấn luyện binh sĩ Ukraine, cung cấp vũ khí và trang bị. Theo Giáo sư Stephen Cohen, nhận thức của người dân Nga về Hoa Kỳ là “sự lừa dối và phản bội”.

Nga đã kiên nhẫn trước sự bành trướng về phía đông của NATO và việc Mỹ xúi giục Ukraine có hành vi chống Nga, nhưng Ukraine là lằn ranh đỏ của Nga, chỉ mất vài phút là tên lửa phóng từ Ukraine sẽ tới được Matxcơva. Sau khi Zelensky lên nắm quyền, Ukraine đưa ra việc gia nhập NATO và ghi vào hiến pháp. Sau khi Biden lên nắm quyền, Biden một lần nữa tăng cường quân sự hóa Ukraine. Trước hàng loạt hành động của NATO do Mỹ đứng đầu, cảm giác nguy cơ của Nga là: Nếu người Nga ở khu vực miền đông Ukraine không được bảo vệ, thì trận chiến trong tương lai sẽ là cuộc chiến trên lãnh thổ Nga.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga hoàn toàn có niềm tin vào Hoa Kỳ và phương Tây. Người đứng đầu KGB thậm chí còn giao cho Mỹ thiết bị được Liên Xô sử dụng để nghe lén “Đại sứ quán Mỹ tại Nga”. Hơn nữa, họ thậm chí còn cho Hoa Kỳ tham quan căn cứ vũ khí hạt nhân chính của Nga, và cho Hoa Kỳ đặt các quan sát viên ở đó. Putin nói rằng, họ tin rằng họ không có kẻ thù, và họ là bạn, là đồng minh, là gia đình với Hoa Kỳ và phương Tây.

Trong cuộc phỏng vấn với đạo diễn người Mỹ Stone, Putin từng nói về việc Hoa Kỳ là “đồng minh của chúng tôi”, và “đối tác của chúng tôi”. Vào thời điểm đó, Nga thực sự phơi bày hết ruột gan với Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ không nhìn thẳng vào Nga, Nga không được đối xử bình đẳng, thậm chí Hoa Kỳ ngày càng có thái độ thù địch với Nga.

Dù bị đối xử bất công nhưng trong ba thập kỷ qua, Nga không những không làm mất lòng Mỹ và phương Tây, mà ngược lại, còn cố gắng hết sức để hợp tác với Mỹ trong việc chống khủng bố, chia sẻ thông tin, hàng không vũ trụ, giá cả dầu mỏ, và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tư duy Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn tin rằng, Liên Xô đã bị Mỹ đánh bại, và ngày nay Nga nên cúi đầu thuần phục Mỹ như Nhật Bản khi xưa. Sự sỉ nhục này đối với Nga ngày càng mạnh mẽ hơn, và cuối cùng đã bùng phát thành cuộc chiến Nga-Ukraine ngày nay.

Đây thực sự là một cuộc chiến Mỹ-Nga, mà Ukraine với tư cách là một đại diện cho Hoa Kỳ. Mỹ là nguồn gốc của cuộc chiến. Tại sao Mỹ muốn khơi mào chiến tranh? Vì Mỹ không thể dung thứ cho sự “không thuần phục” của Nga, nên phải tận dụng mọi cơ hội để làm suy yếu sức mạnh quốc gia của Nga. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ không bao giờ can thiệp, trong khi họ có 100% khả năng can thiệp để ngăn chặn một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thù địch với Nga như thù địch Liên Xô, đàn áp Nga, kích động quan hệ giữa các nước vệ tinh của Liên Xô cũ và Nga, nuốt lời hứa, mở rộng NATO lên 14 quốc gia. Đồng thời, ở Ukraine, Mỹ và NATO chuẩn bị chiến tranh, trang bị vũ khí đến trước cửa nước Nga, và cuối cùng phát triển thành cuộc chiến Nga-Ukraine ngày nay.

Trong cuộc chiến ở Ukraine, báo chí cánh tả phương Tây cũng đưa rất nhiều thông tin sai lệch, ví như tin về việc Nga tấn công vào bệnh viện Mariupol làm chết dân thường, tin tức này được các báo Việt Nam dịch lại khiến nhiều người phẫn nộ. Tuy nhiên đây chỉ là tin giả, các nhân viên quân sự Ukraine đã di tản toàn bộ thường dân ở bệnh viện phụ sản này, để biến bệnh viện thành cơ sở quân sự ngay trước khi cuộc chiến nổ ra, kênh Telegram “war with faces” cũng cho rằng bệnh vện phụ sản đã không hoạt động kể từ khi Nga tấn công.

Con trai của một người làm việc trong bệnh viện rả lời cuộc phỏng vấn của Lente.ru rằng: Vào những ngày cuối tháng 2, những người mặc đồng phục đến bệnh viện để giải tán và thiết lập điểm bắn trong tòa nhà.

Kênh Telegram “Bezsonov không chính thức” cũng cho rằng kể từ khi chiến tranh, bệnh viện này đã bị 2 đại đội thuộc lữ đoàn 36 chiếm giữ

Hay như báo chí đưa tin và một hàng dài thiết giáp của Nga đến ngoại ô Kiev thì bị bắn hạ, nhưng đấy là kế hoạch của Nga, đoàn xe thiếp giáp này đều là rất cũ từ thế kỷ trước, không dùng được, lính Nga dùng để thu hút hỏa lực Ukraine, làm giảm số vũ khí chống tăng mà Ukraine nhận từ phương Tây.

Thứ ba: Cuộc chiến với phe cánh tả phương Tây

Bên cạnh những xung đột nêu trên, còn có một cuộc chiến ý thức hệ giữa cánh tả và cánh hữu đằng sau việc phương Tây, bao gồm Mỹ và Châu Âu, phỉ báng và yêu ma hóa Putin. Sự kiện Crimea và cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay chỉ là hiện tượng bề mặt và trạng thái tạm thời. Putin và phương Tây (chủ yếu là Hoa Kỳ) đối đầu với nhau là có lý do sâu xa hơn.

Putin nhấn mạnh đạo đức, tín ngưỡng, trân trọng các giá trị truyền thống, đã động đến chỗ nhức nhối của cánh tả phương Tây.

Sau khi Putin lên nắm quyền, ông đã nhấn mạnh đến việc khôi phục các giá trị truyền thống của Nga. Ông chỉ trích nặng nề chủ nghĩa cộng sản, nói rằng Liên bang Xô viết do Lenin thành lập là một “địa ngục trần gian”, là trang trại tập thể của Stalin, là “chế độ nông nô thứ hai”, và sở hữu công là cướp bóc tài sản riêng của nhân dân. Năm 1999, ông cũng nói: “Chủ nghĩa cộng sản là một đường hầm xa rời dòng chảy chính của nền văn minh nhân loại”. Putin cũng khẳng định rất cao về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống lại Đức Quốc xã, và dốc sức khôi phục giai điệu của bài quốc ca Liên Xô (lời bài hát đã thay đổi).

Đối với phong trào “Binh đoàn bất tử” do nhân dân phát động (nhân kỷ niệm chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức, di ảnh của những người cha, người ông hy sinh trong Thế chiến II được giơ cao trong một cuộc duyệt binh), ông Putin ra sức ủng hộ, và giờ đây, nó đã thành phong trào mang tính toàn quốc. Hàng triệu người Nga cầm di ảnh của những người cha, người ông, tham gia diễu hành ở nhiều nơi. Nó thể hiện lịch sử, truyền thống và tinh thần trách nhiệm của người Nga trong việc bảo vệ quê hương, đất nước.

Putin đặc biệt chú trọng đến tín ngưỡng tôn giáo và các giá trị truyền thống. Trong những năm gần đây, trước sự tuyên truyền của phương Tây về việc “chuyển giới” đối với trẻ em, thứ đang phá hủy nền văn minh cơ bản của nhân loại, thì Putin đã ra luật rằng, những người lớn Nga khuyến khích đồng tính và chuyển giới cho trẻ em sẽ bị phạt tiền và giam 14 ngày; nếu là người nước ngoài thì bị trục xuất. Việc này đã gây ra các cuộc biểu tình điên cuồng của các nhóm chuyển giới, đồng tính, và cánh tả trên khắp thế giới. Đồng tính luyến ái không bị cấm ở Nga, họ được hưởng tự do hoàn toàn và đối xử bình đẳng, Nga chỉ cấm việc giáo dục đồng tính và chuyển giới đối với trẻ em.

Một ví dụ điển hình về cuộc đối đầu của Putin với cánh tả phương Tây là việc ông công khai chỉ trích cô gái bảo vệ môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg. Thunberg trốn học năm 16 tuổi, giơ cao những tấm biển kêu gọi bảo vệ môi trường khắp nơi, và nói rằng bầu không khí quá ấm áp.

Liệu khí hậu có quá ấm hay không là một câu hỏi khoa học, Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ, một tổ chức quyền uy trên thế giới, vẫn chưa có kết luận về điều này, nhưng phương Tây lại coi đứa trẻ này như một anh hùng, và thậm chí còn mời cô bé phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia không dám nói một lời, bởi vì họ không dám kích động cánh tả, chỉ có Tổng thống Putin (và Trump) đã công khai chỉ trích, chỉ ra rằng, đứa trẻ này đang bị người lớn lợi dụng. Ông nhấn mạnh rằng, vấn đề khí hậu phải chuyên nghiệp, không được tình cảm hóa. Điều này lại một lần nữa đã đâm vào tổ ong vò vẽ cánh tả.

Putin thậm chí còn chỉ trích phe cánh tả phương Tây trong một số bài phát biểu, nói rằng, cái gọi là quyền bình đẳng giữa nam và nữ, xóa bỏ giới tính, quốc hữu hóa, v.v. mà họ đam mê, là đang làm kiểu giống như Lenin, Stalin và những người Bolshevik đã làm. Kết quả là đã làm hại nước Nga và làm hại thế giới. Putin tuyên chiến, nói rằng, Hoa Kỳ có quyền đưa ra lựa chọn của riêng mình, nhưng “Nga bác bỏ lối suy nghĩ của Cánh tả phương Tây. Nga có con đường tự tin của riêng mình”, và hướng đi là chủ nghĩa bảo thủ; chứ không phải theo cánh tả phương Tây nhân danh tự do để phóng túng, hủy hoại đạo đức, và tấn công nền văn minh truyền thống của nhân loại.

Làm sao phe cánh tả ở phương Tây có thể chịu đựng được điều này? Putin đã chọc vào tâm can và gót chân Asin của họ, dám nói rằng họ đang làm điều tương tự như Lenin và Stalin năm xưa! Cánh tả phương Tây chính là Hitler khoác trên mình lớp áo sáng chói của “sự đúng đắn về chính trị”, đang sử dụng phòng hơi ngạt tư tưởng để đầu độc hàng trăm triệu người và hủy diệt thế giới.

Putin dám đối đầu trực tiếp với họ, làm sao họ có thể dung nhẫn được? Vì vậy, họ phải “xử lý” Putin, bởi vì ông là mối đe dọa lớn nhất đối với liên minh ý thức hệ của toàn bộ phe cánh tả phương Tây. Yêu ma hóa Putin bất cứ khi nào có cơ hội đã trở thành một trong những sứ mệnh của phe cánh tả phương Tây.

Ví dụ, cái gọi là cáo buộc Trump “thông đồng với Nga”, mà không có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng đã nghiễm nhiên trở thành một sự thật chắc chắn trong giới truyền thông cánh tả phương Tây. Vào thời điểm đó, nước Mỹ rợp trời dậy đất đưa tin rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, rằng Putin đã đích thân chỉ đạo sự can thiệp này. Tất cả các nhà báo phương Tây khi phỏng vấn Putin đều chất vấn ông rằng: “Tại sao ông lại can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ”. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chi hơn 20 triệu USD tiền của những người nộp thuế Hoa Kỳ vào cuộc điều tra, và cuối cùng tuyên bố rằng Nga không can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ.

Toàn bộ các thế lực quyền lực như truyền thông dòng chính, mạng xã hội lao vào tấn công Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông thông đồng với Nga. (Tổng hợp)

Toàn bộ các thế lực quyền lực như truyền thông dòng chính, mạng xã hội lao vào tấn công Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông thông đồng với Nga. (Tổng hợp)

Nhưng ai và phương tiện truyền thông nào đã xin lỗi Nga và Putin sau kết luận này? Họ có xin lỗi Trump và người dân Mỹ không? Không! Những cáo buộc chống lại Putin về cơ bản là theo khuôn mẫu và bản chất này.

Bên cạnh đó, vụ bê bối máy tính của Hunter Biden, người con trai tham nhũng của Tổng thống Joe Biden, và thậm chí cả đoạn video không thể chối cãi của chính Hunter, đã bị truyền thông Mỹ mô tả là ‘tin giả do cơ quan tình báo Nga tạo ra’. Những lời nói dối ráo hoảnh của giới truyền thông phương Tây khiến người ta kinh ngạc. Họ đã vu khống và yêu ma hóa Putin trong 20 năm, và họ đã quá quen thuộc với điều đó. Cuộc chiến Ukraine thậm chí còn bịa đặt và vu khống gấp mười lần hoặc gấp trăm lần, vì nó có thể giương cao ngọn cờ chính nghĩa của “những người chống xâm lược”.

Không cần kể đến vô số lời nói dối về tình hình chiến sự, chỉ riêng đối với bản thân Putin, có biết bao phương tiện truyền thông chính thống của Âu Mỹ đưa tin ông bị ung thư (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư máu), hay Putin bị bệnh hiểm nghèo đã sắp xếp người kế nhiệm, v.v. Những lời nói dối trắng trợn này đã đầu độc gây hại đến mức không thể nào thêm được nữa.

Sự vu khống của phe cánh tả phương Tây đối với Putin và Nga đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của những người bình thường. Đáng lo ngại hơn là Đảng Cộng hòa bảo thủ ở Hoa Kỳ cũng thù địch Putin và Nga không kém, một phần vì họ không dám chống lại phe cánh tả, một phần lý do là để bảo toàn vị thế thống trị thế giới “đơn cực” của Mỹ. Mỹ thậm chí chưa bao giờ che giấu “tham vọng” tiếp tục thống trị thế giới.

Nước Nga, nơi từng trải qua nỗi thống khổ của chủ nghĩa cộng sản, trong thời đại của Gorbachev và Yeltsin, như một đứa trẻ lạc đường lâu ngày không tìm được nhà bỗng lại gặp được người lớn, nên ngay lập tức thành tâm tin tưởng và dựa dẫm vào Hoa Kỳ và phương Tây. Putin giống như một kẻ si tình yêu đơn phương, bằng tấm lòng chân thành, cố gắng hết sức để kết thân với phương Tây, mong muốn hội nhập và kết thành liên minh. Nhưng những gì Putin và Nga nhận được không chỉ là sự tiếp đón lạnh nhạt, mà thậm chí là hết cái tát này đến cái tát khác, và cuối cùng là một nắm đấm đã tung ra.

Trong cuộc phỏng vấn của Stone, Putin đã hỏi Stone: “Ông đã bao giờ bị đánh đập chưa?” Stone nói: “Tất nhiên là nhiều lần”. Putin nói: “Vậy thì ông biết đấy, ông sẽ phải chịu khổ vì những gì ông muốn làm”. Nghe câu này khiến người ta cảm giác giống như Chúa Jesus bị đóng đinh.

Bất cứ ai đã nghe, đọc bài phỏng vấn của Stone, hay các cuộc phỏng vấn khác với Putin, đều phải thán phục rằng, sự tu dưỡng cá nhân của Putin khá siêu phàm, ông ấy chưa từng công kích cá nhân đối với bất kỳ nhà lãnh đạo quốc gia nào, người tiền nhiệm, người thầy của mình, hay với đồng nghiệp. Cho dù các nhà lãnh đạo của các cường quốc phương Tây có tấn công, xúc phạm hay hạ nhục cá nhân ông như thế nào, ông cũng không bao giờ hạ thấp họ, và luôn giữ phong thái của một nguyên thủ quốc gia và nhà ngoại giao.

Stone là một người cánh tả Mỹ nổi tiếng, ông đã nói với Putin rằng những nhà lãnh đạo Mỹ nào đó đang tấn công Putin như thế nào, nhưng Putin đáp lại Stone bằng những bình luận tích cực về những người đó. Điều này khiến Stone vô cùng cảm động và ngưỡng mộ. Trong suốt cuộc phỏng vấn, cho dù Stone có công kích nước Mỹ đến mức nào, chỉ ra những hành động khác nhau của Hoa Kỳ nhằm làm hạ nhục Nga như thế nào, Putin cũng luôn gọi Hoa Kỳ là “đối tác và bạn của chúng tôi” với thiện ý, hoàn toàn không có bất kỳ một lời bình luận xấu hay lời nói xấu nào. Thực sự khiến người ta cảm khái.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo của nhiều cường quốc phương Tây do Mỹ đứng đầu lại tấn công Nga và chính Putin mọi lúc, mọi nơi và tùy tiện. Đối mặt với nhân phẩm và sự tu dưỡng của Putin, họ thực sự nên học hỏi.

Putin kế thừa một nước Nga hoang tàn. Hơn 20 năm qua, ông đã dùng hết tâm huyết của mình để bịt những kẽ hở này, và để khôi phục chủ quyền quốc gia, chủ quyền ngoại giao, chủ quyền quân sự, và chủ quyền kinh tế mà Nga đã đánh mất. Ông đã xây dựng lại nền kinh tế Nga từ đống đổ nát, tái cấu trúc hệ thống phúc lợi quốc gia, và làm mọi thứ có thể, để hoàn thành sứ mệnh “chăm sóc nước Nga” mà Yeltsin giao phó. Ông đã làm rất tốt và đã giành được trái tim của nhân dân Nga.

Hoa Kỳ và toàn bộ phương Tây càng yêu ma hóa Putin bằng dư luận cấp độ bom hạt nhân, thì ông ấy càng giành được sự ủng hộ của chính người dân của mình. Châu Âu và Mỹ càng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga không giới hạn, thì người dân Nga càng đoàn kết hơn xung quanh Putin.

Các cuộc biểu tình phản chiến ở Matxcơva và những nơi khác vào hồi đầu cuộc chiến đã biến mất, tiếng nói của các giáo sư và học giả ký tên chống cuộc chiến Ukraine cũng biến mất, bởi vì người Nga đã nhìn thấy và hiểu rằng, những nhà lãnh đạo Mỹ không muốn giải quyết vấn đề, mà là muốn dùng Ukraine để tiến hành “cuộc chiến ủy nhiệm”, muốn mượn cơ hội này để làm suy yếu quốc lực nước Nga. Cuộc bao vây nước Nga chưa từng có của phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu, đã khiến người dân Nga đạt được sự đồng thuận mà Putin sử dụng bao phương tiện truyền thông nhà nước để quảng bá cũng khó đạt được: Đây là một trận chiến sinh tử để bảo vệ quê hương, bảo vệ đất nước như khi họ đã chống lại phát xít Đức năm xưa, họ không được phép thua.

Putin là người như thế nào, lịch sử vẫn tiếp tục viết. Nhưng bất luận thế nào, ông ấy cũng không phải là người như phương Tây đang yêu ma hóa ông ngày nay. Hơn nữa, ở nhiều quốc gia ngoài Châu Âu và Hoa Kỳ, uy tín của Putin vẫn như khi ông mới trở thành tổng thống. Với tốc độ truyền thông như tên lửa trong vài tháng qua, thế giới có thể không bao giờ thống nhất được ai đúng ai sai, nhưng tôi chắc chắn rằng, sự thật sẽ ngày càng thu phục được lòng người nhiều hơn.

(Hết)

Tào Trường Thanh/ visiontimes.com

Người dịch: Đào Minh/ ntdvn.net

Tài liệu tham khảo:

  1. First Person:An Astonishingly Frank Self-Portrait by Russia’s President Vladimir Putin
  2. The Putin Interviews:Oliver Stone Interviews Vladimir Putin

Tin liên quan:

>> Vanga từng tiên tri ‘Vladimir’ sẽ “thống trị thế giới”: Liệu chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra bởi khiêu khích của Biden?

>> Nato quên mất sứ mệnh của mình, áp lực nào khiến Putin phải tấn công Ukraine

Chuyên đề: , , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc