Home » Cổ truyền, Văn hóa » Vua Lê Đại Hành: (Phần 1) Ngai vàng trở thành thử thách lớn

Xem lại lịch sử dân tộc thì trường hợp lên ngôi của Vua Lê Đại Hành thật đặc biệt, lên ngôi trong cảnh đất nước rối ren, Ngai Vàng giống như một thử thách lên khi vừa ngồi lên đã phải lo chống đỡ ngay cuộc tấn công của quân Tống hùng mạnh ở phía bắc muốn lấy lại mảnh đất Giao Châu

Lên ngôi Vua trong cảnh đất nước rối ren

Lê Hoàn sinh vào ngày rằm trung thu 15 tháng 7 năm tân sửu (941) ở vùng Ái Châu (Thanh Hóa), cha là ông Lê Mịch, mẹ là bà Đặng Thị.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép câu chuyện Lê Hoàn được sinh ra như sau: Bà Đặng Thị “khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: ” Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.”

Lớn lên Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn dẹp loạn các Sứ quân, rất được Đinh Liễn trọng dụng. Khi Đinh Liễn từ Cổ Loa về Hoa Lư gặp lại cha mình là Đinh Bộ Lĩnh, liền giới thiệu với cha về Lê Hoàn, từ đó Lê Hoàn rất được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng trong việc đánh dẹp các Sứ quân còn lại thống nhất Giang Sơn.

Năm 968 sau khi dẹp loạn 12 Sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Vua, tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng, tên nước là Đại Cồ Việt

Năm 971 Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ. Lê Hoàn được tin tưởng giao chức Thập đạo tướng quân – tức tổng chử huy quân đội, đây là chức quan võ cao nhất.

Năm 979 Chi hậu nội nhân Đỗ Thích làm phản giết hại cả vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn, con thứ là Đinh Toàn lên ngối ngôi nhưng mới chỉ 6 tuổi, nên Lê Hoàn làm nhiếp chính, xưng là Phó Vương.

Cũng năm 979 nhóm Tứ trụ trong triều đình là những người bạn thân thiết Của Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú cho rằng Lê Hoàn có ý muốn cướp ngôi Vua nên đã dấy binh chống lại, với tài thao lược của mình Lê Hoàn đã đánh bại nhóm Tứ trụ này.

(Xem bài: Cuộc nội chiến bi hùng nhất sử Việt, ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc sau này)

Lúc này ở phương bắc, nhà Tống đá đánh bại các cát cứ trong nước thống nhất Trung Hoa. Nhận thấy Đại Cồ Việt từ khi bị mất vua thì lại xảy ra binh biến trong nước, vua Tống xem đây lá cơ hội tốt liền chuẩn bị binh tướng tiến đánh Đại Cồ Việt.

Tháng 5/980 Sứ nhà Tống là Lư Tập đến Hoa Lư, nhưng thực chất là thăm dò nội tình, sau đó trở về báo lại tình hình rồi ren ở xứ Giao Châu

Tháng 6 năm canh thân (980) trấn thủ Ung Châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng lên vua Tống Thái Tông kế sách “đắc Giao Châu sách” (tức kế sách lấy Giao Châu): Kế sách này nêu rõ Giao Châu đang rồi ren, vua mới mất, con mới lên ngôi còn nhỏ, trong nước lại xảy ra binh biến, đây là thời cơ tốt nhất để đánh đoạt lấy, đồng thời xin được về Triều để bẩm báo trực tiếp lên vua Tống Thái Tông.

Thế nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn lại cho rằng việc để Hầu Nhân Bảo về bẩm báo rất mất thời gian, Giao Châu đang có loạn, cần đem quân bất ngờ tiến sang đánh úp luôn như “như sét đánh không kịp bịt tai”. Nếu bây giờ chờ Hầu Nhân Bảo về kinh thì vừa mất thời gian, mà kế hoạch có thể bị lộ.

Vua Tống Thái Tống y lời, tháng 8 năm canh thân (980) cử Hầu NHân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn… chuẩn bị tập hợp quân thủy bộ tiến đánh Giao Châu.

Vua Tống Thái Tông cũng ban chiếu thư chinh phạt Giao Châu như sau: “Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang khắp cả mọi nơi, gần đây đất Diên-Chỉ, chưa sáp nhập vào địa đồ Trung Quốc, chúng ở một phương, gần nơi Ngũ Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia sẻ đất đại, rồi chúng làm ra một nước tiếm ngụy, ở xa thanh giáo thành ra phong tục như đứa mù đứa điếc. Kịp khi Phiên-Ngung đã bình định, mới ban cho Chính-Sóc mà tuân hành, tuy đã phục tùng chịu làm phiên thuộc, nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng nước trên, lẽ nào như thế? Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian nguỵ để cứu dân, phải cử binh qua đánh để khai hoá xứ mọi rợ; nay cho bọn Tôn Toàn Hưng xuất quân qua đánh” (Trích trong An Nam chí lược)

Mùa thu năm 980 quan trấn thủ Lạng Sơn gấp gáp đến kinh thành Hoa Lư báo tin quân Tống đang chuẩn bị tấn công. Hoa lư như ngồi trên đống lửa. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi chép như sau: “Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (tức việc Tống đánh Đại Cồ Việt) tâu lên, Dương Thái Hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. Triều đình cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp theo nhóm Tứ trụ chống Lê Hoàn) làm Đại Tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. Phạm Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:

– Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập Đạo Tướng Quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.

Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái Hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái Hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, giáng Hoàng Đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ”

Lê Hoàn

Trước sự hò reo của quân sĩ, Dương Vân Nga quyết định trao áo Long Cổn cho Lê Hoàn. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Chuẩn bị đánh Tống

Lê Hoàn sau khi lên ngôi Vua, gọi là Lê Đại Hành, vừa lên ngôi nhà Vua đã gánh ngay trọng trách chuẩn bị chống trả quân Tống đang lăm le sang xâm lược. Nhiều tuyến phòng thủ được xây dựng, đáng chú ý nhất là tuyến phòng thủ Bình Lỗ, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được tuyến phòng thủ Bình Lỗ nằm ở khu vực nào.

Đồng thời vua Lê Đại Hành cũng cho cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó quân Tống.

Trước khi tiến đánh, vua Tống đưa thư đến đe dọa, trong thư có đoạn: Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời… Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống… nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Mùa đông năm 980 quân Tống đưa 4 vạn cấm quân (quân chủ lực) cùng hàng vạn các chủng quân khác và dân phu tiến đánh Đại Cồ Việt, cuộc chiến bảo vệ Giang Sơn lại bắt đầu.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc