Tiền Giang là chiếc nôi cải lương, nhiều tài tử đều xuất thân từ nơi đây, rạp hát cải lương đầu tiên được xây dựng tại nơi đây ghi dấu thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật cải lương.
Người xây dựng rạp hát cải lương đầu tiên
Ông Châu Văn Tú sinh ra trong một gia đình hào phú ở làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Là người say mê nghệ thuật cải lương, nhưng gia đình có điều kiện giàu có, ông được cho sang Pháp ăn học, rồi nhập quốc tịch Pháp và lấy tên là Pierre Tú.
Năm 1907 Châu Văn Tú trở về Việt Nam, để thuận tiện đi đây đó ông đã mua lại chiếc xe ô tô của một người Pháp và trở thành người đầu tiên sở hữu ô tô ở Việt Nam.
Thời gian này người ta có thể thấy xe của ông Tú đi khắp nơi trên đường, ông chở bạn bè cùng đi chơi khắp nơi.
Dù đi học ở Pháp, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhưng ông Tú vẫn mê vải lương, ông bỏ tiên ra mua lại gánh xiếc “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận – do ông này thua lỗ nên bán rạp xiếc. Mua được gánh xiếc, ông Tú cho đổi tên và là người đầu tiên ở Mỹ Tho thành lập nhóm cải lương mang tên “Ban hát thầy Năm Tú – Mỹ Tho”, tiếng vang khắp Nam kỳ. Dân chúng mê cải lương thì hay gọi ông là “thầy Năm Tú”
Ông Tú nhận thêm đào kép, tài tử cải lương mới, mua sắm thêm y phục trình diễn, thuê họa sĩ vẽ tranh phong cảnh làm phông nền.
Đầu năm 1918 ông Tú bỏ tiền ra xây dựng rạp hát cải lương ở gần chợ Mỹ Tho, đây là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam. Rạp có sân khấu khá rộng rãi vào lúc đó, được bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Ông Tú lập đoàn diễn, xây nhà hát để thỏa mãn thú đam mê cải lương của ông chứ không phải vì kinh doanh.
Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế chia làm 4 hạng là thượng hạng, hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Trên lầu có sàn gỗ chắc chắn, cũng bố trí ba hạng ghế là nhất, nhì và ba.
Thời kỳ nghệ thuật ca cải lương phát triển đỉnh điểm
Ngày 15/3/1918 là ngày ghi dấu ấn lịch sử, vở diễn cải lương được diễn tại rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam, tên vở diễn là “Kim Vân Kiều” của Trương Duy Toản, dân chúng đến mua vé đông nghẹt.
Từ đó hôm nào rạp có vở diễn, ghe thuyền lại đậu kín sông Bảo Định, dân chúng đến mua vé rất đông.
Khi đó có tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho, nhiều khách đến Mỹ Tho chờ tàu đi Sài Gòn đều tranh thủ ghép rạp cải lương xem biểu diễn, nơi đây khi nào cũng đông đúc nhộn nhịp.
Nhờ có rạo hát của ông Tú mà nghệ thuật cải lương Nam bộ phát triển mạnh, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của cải lương, rạp hát được xem là chốn Kinh đô của cải lương.
Rạp hát của ông Tú quy tụ được những soạn giả giỏi, ban nhạc nổi tiếng cùng những nghệ sĩ tài năng nhất như Năm Châu, Phùng Há, Tám Danh.
Đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương đã rất hài lòng và đồng ý ký hợp đồng. Ông Tú nhập linh kiện về rồi cho lắp ráp phổ biến máy hát đĩa hiệu Pathé phono. Do đĩa có dung lượng nhỏ nên mỗi buổi biểu diễn phải dùng 6 đến 12 đĩa mới thu âm hết chương trình rồi đem bán lại cho dân chúng.
Nhờ có đĩa hát của ông Tú mà dân chúng thuộc vanh vách các bài hát cải lương, khiến những bài hát cải lương được biểu diễn bởi những nghệ sinh nổi tiếng được đưa đến từng nhà, ai cũng được thưởng thức.
Người dân Nam bộ cứ sau mùa lúa là mang tiền đến mua các đĩa hát thầy Năm Tú về, đến ngày tết là cả nhà quay quần cùng nghe cải lương. Đĩa hát của thầy Năm Tú nổi tiếng khắp cả 3 miền.
Nơi bảo tồn nghệ thuật cải lương
Thế nhưng đoàn cải lương qua thời phát triển cao trến đến năm 1928 thì sa sút, ông Tú đành giải toán đoàn cải lương và bán rạp. Từ đó rạp hát cải lương đầu tiên phải nhiều lần thay tên đổi chủ, đến năm 1995 thì rạp hát chính thức đóng cửa.
Năm 2010 tỉnh Tiền Giang quyết định trùng tu lại nhà hát, đến năm 2012 thì nhà hát thầy Năm tú được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Từ năm 2017 Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang tổ chức biểu diễn miễn phí định kỳ chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm”, trích đoạn các vở kịch cải lương nổi tiếng trong lịch sử vốn được nhiều người yêu thích. Chương trình góp mặt rất nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thu hút được rất đông dân chúng đến xem biểu diễn.
Đặc biệt cứ đến ngày 15/3 kỷ niệm ngày khai trương nhà hát với vở diễn đầu tiên, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều đêm biểu diễn liền với sự tham gia của các đoàn cải lương tỉnh nhà và tỉnh bạn.
Hoạt động ngày của Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo tồn nghệ thuật cải lương, nơi mà Tiên Giang được xem là “cái nôi” của cải lương Nam bộ.
Trần Hưng
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!